Tại cuộc họp, báo cáo tiến độ Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Trần Xuân Sanh cho biết: Đến thời điểm này, Dự án đoạn Thanh Hoá – Nghi Sơn (khởi công từ tháng 4/2013) là dự án có tiến độ thực hiện tốt nhất cho dù khối lượng GPMB khá “đồ sộ”. Công tác thi công nhiều đoạn, nhiều gói thầu đều tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Riêng đoạn Thanh Hoá – Hà Tĩnh phấn đấu sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay.
Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi họp Ban Cán sự
Đối với Dự án Hầm Phú Gia - Phước Tượng, theo ông Sanh, tiến độ thi công vẫn chưa được thúc đẩy do đang hoàn tất các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư mới. Được biết, khối lượng thực hiện của dự án này đến nay mới đạt 71,16 tỷ, tương đương 6,7% so với kế hoạch là 490,589 tỷ đồng, tương đương 46,2%.
Tại các dự án Đường Hồ Chí Minh, ông Sanh cho biết, dự án vốn TPCP cơ bản đáp ứng tiến độ so với kế hoạch, một số dự án vượt kế hoạch đề ra (đoạn Đắk Lắk, Đắk Nông). Đối với các dự án BOT, chỉ có dự án đoạn qua Đắk Nông vượt tiến độ yêu cầu, các dự án còn lại chậm so với kế hoạch. Riêng Dự án BOT đoạn qua tỉnh Đắk Lắk (nhà đầu tư Quang Đức thực hiện), dừng thi công từ tháng 5/2014, mới tập trung thi công trở lại từ cuối tháng 7 nên tiến độ thi công rất chậm.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Đinh La Thăng cầu cầu nêu rõ: Dự án nâng cấp mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của cả Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Cũng nhờ sự quyết liệt này, đến nay, công tác GPMB (vốn được đánh giá là vô cùng khó khăn, là “điểm nghẽn”, “rào cản” của nhiều dự án) đã cơ bản hoàn thành. Nguồn giải ngân cũng được đảm bảo. Các đơn vị triển khai thi công (nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công…) đều được lựa chọn kỹ càng, đạt yêu cầu. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, tiến độ tổng thể của dự án sẽ sớm một năm, cơ bản hoàn thành vào cuối 2015.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới để đảm bảo tốt nhất tiến độ, chất lượng dự án như việc nhiều địa phương cơ bản hoàn tất GPMB nhưng do sự phối hợp thi công giữa Ban QLDA và địa phương chưa tốt nên có tình trạng dân lấy tiền rồi mà khi triển khai thi công vẫn còn người dân ra cản trở. Đối với vật liệu thi công, vẫn còn một số ít dự án, do nhà thầu không chủ động được vật liệu dẫn đến thiếu vật liệu hoặc nguồn vật liệu không đảm bảo. Đáng nói hơn, có hiện tượng Ban quản lý, chủ đầu tư thông đồng với nhà cung cấp vật liệu để khống chế, tăng giá.
Do đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ rõ một loạt vấn đề như việc vẫn có một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu năng lực yếu “lọt lưới”; Có hiện tượng bán thầu bằng nhiều hình thức tinh vi; Các ban quản lý chỉ quan tâm dự án trái phiếu mà không quan tâm hoặc quan tâm không đến nơi đến chốn với các dự án BOT; Quyền giám sát tác giả hầu như không được thực hiện; Việc xử lý thiết kế tại hiện trường kém, không dám quyết định…
Báo cáo về công tác đảm bảo ATGT, ông Sanh cho biết tại nhiều dự án, (như đoạn qua tỉnh Bình Thuận, đoạn BOT nam Bình Định) dù thời tiết tốt nhưng trên công trường các nhà thầu không huy động đủ máy móc thiết bị để tập trung thi công, còn thi công cầm chừng. Một số dự án thực hiện không nghiêm túc quy định về đảm bảo khi thi công trên đường đang khai thác, để nhà thầu thi công mở rộng cả hai bên đường khiến mặt đường bị thu hẹp, gây mất ATGT, điển hình là dự án qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận ...
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện