Giai đoạn từ 2007 đến nay

Thứ ba - 26/09/2023 05:09. Xem: 481
Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (KH&CN GTVT) - Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế trong tiến trình chuyển đổi theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP

Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (KH&CN GTVT) - Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế trong tiến trình chuyển đổi theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP 

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hàng đầu của ngành GTVT. Sau hơn 50 năm trưởng thành và phát triển, hiện nay Viện là một trong 41 Viện nghiên cứu cấp Quốc gia của Việt Nam, có quy mô và mức tăng trưởng được xếp hạng thuộc loại khá trong khối nghiên cứu KH&CN công lập gồm trên 560 các đơn vị trên phạm vi toàn quốc, và là một trong số 15 đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn là đơn vị chuyển đổi cơ chế thí điểm trên toàn quốc, hiện nay đã và đang trong giai đoạn nỗ lực phấn đấu quyết liệt nhất để có thể từng bước đạt tới sự thắng lợi ở tầm cao trong quá trình chuyển đổi cơ chế hoạt động theo định hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ đã vạch ra.
 
I. Tổng quan về cơ sở vật chất, nhân lực, tổ chức và hoạt động của Viện:
Sau hơn nửa thế kỷ trưởng thành và phát triển, đến nay Viện đã có tới 22 đơn vị trực thuộc, phân bổ tại 3 miền, có trụ sở chính tại Hà Nội và các Phân Viện đóng tại TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, với tổng số CBCNV toàn Viện khoảng 750 người, trong đó số cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỉ lệ 2/3. Viện có trụ sở chính tại Hà Nội, quản lý 550 người, còn lại các Phân Viện đóng tại khu vực Miền Trung và Phía Nam quản lý khoảng 200 người. Theo kết quả phân tích sơ bộ về nguồn nhân lực, tỷ lệ cán bộ của Viện có thâm niên công tác trên 10 năm trở lại đây chiếm khoảng 60% còn lại lực lượng cán bộ trẻ mới được tuyển dụng và số kỹ sư tham gia dịch vụ TVGS của Viện trong vòng 10 năm trở lại đây tại các dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của ngành GTVT, thì chiếm khoảng 40% tổng số CBCNV.
Hoạt động KH&CN của Viện được chia thành 02 mảng chính, đó là mảng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu thường xuyên hàng năm theo các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp thành phố, cấp tỉnh và mảng thực hiện các nhiệm vụ được giao dưới hình thức tổ chức triển khai các dịch vụ KH&CN thông qua việc ký kết các hợp đồng kinh tế kỹ thuật với các Chủ đầu tư, các Ban QLDA hoặc Nhà thầu thi công.
           
II. Về hợp tác quốc tế trong thời gian qua:
Đến nay, hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường và mở rộng các mối quan hệ quốc tế, tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội hợp tác của Viện đã tăng về số lượng và đa dạng về đối tác. Một số hoạt động hợp tác chính của Viện diễn ra trong năm 2010 cụ thể như sau:
- Đoàn đại biểu của Viện KH&CN GTVT (ITST) được tham gia đoàn Đại biểu của Bộ GTVT Việt Nam (MOT) sang thăm Nhật Bản từ ngày 17/5/2010 để tham dự Hội thảo Đường bộ cao tốc Việt Nam lần thứ 4, đồng thời thăm và làm việc với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản (MLIT) và các cơ quan có liên quan của Nhật Bản. Trong chuyến đi công tác quan trọng này, được sự chỉ đạo của MOT và MLIT, Viện và Viện Quản lý đất đai và cơ sở hạ tầng Nhật Bản (NILIM) đã ký biên bản hợp tác lâu dài về KH&CN trong GTVT. Dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, hiện nay, Viện đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tranh thủ sự giúp đỡ của NILIM trong quá trình phổ biến và chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng và quản lý hạ tầng cơ sở GTVT và bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với Hội trượt đất quốc tế (ICL) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về Khoa học và Công nghệ mang chủ đề “Công nghệ mới của Nhật Bản trong dự báo và phòng chống sụt trượt đất”tại Hà Nội vào ngày 17/8/2010. Đoàn đại biểu của Hội ICL do GS. Kyoji Sassa, Chủ tịch Hội, dẫn đầu, cùng một số đại biểu khác đến từ ĐH Kyoto, Nhật Bản. Cùng với thành công của Hội thảo, Viện đã chuẩn bị xong các thủ tục cần thiết để xin phê duyệt Dự án “Phát triển công nghệ, đánh giá rủi ro, tăng cường các biện pháp giảm thiểu tai biến thiên nhiên do sụt trượt đất gây ra và xây dựng chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chống sụt trượt đất tại Việt Nam và các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê-kông” từ nguồn ODA chủa Chính phủ Nhật Bản.
- Phối hợp với Viện Quản lý đất đai và cơ sở hạ tầng Nhật Bản (NILIM) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về Khoa học và Công nghệ mang chủ đề “Hợp tác về Khoa hcọ và Công nghệ trong lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam và Nhật Bản” tại Hà Nội trong hai ngày 15 và 16/9/2010. Hội thảo kết thúc bằng việc ký kết Biên bản Hội thảo kèm theo các nội dung dự định hợp tác trong tương lai.
- Ký kết biên bản thoả thuận Chương trình hợp tác Đào tạo về An toàn giao thông đường bộ với công ty tư vấn Consia của Đan Mạch và Công ty cổ phần tư vấn công nghệ xây dựng độc lập (ITC) ngày 15/7/2010.
- Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn cho Dự án Xây dựng đường vành đai 3 với Công ty Oriental Consultants (OC - Nhật Bản) vào ngày 08/9/2010. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với đối tác này trong Dự án ứng dụng công nghệ Giao thông thông minh IHI (Nhật Bản).
- Trong khuôn khổ chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ cầu Cần thơ - thuộc Dự án xây dựng cầu Cần Thơ theo hợp đồng ký kết giữa Ban Quản lý Dự án Mỹ thuận và liên danh CTIE – NEXCO Cerntal – CHODAI, Viện đã cử 04 cán bộ đi du học tại Nhật Bản trong thời gian 06 tháng. 04 cán bộ được giao nhiệm vụ đã sang Nhật Bản ngày 02/10/2010.
- Làm việc với liên danh JFE Steel – Maruichi Steel Tube Ltd., Toyota Tsusho và Nipon Steel để bàn về việc hợp tác xây dựng bộ Tiêu chuẩn Việt Nam cho sản phẩm cọc ống và cọc cừ thép và chống ăn mòn cọc thép để dùng trong các công trình giao thông tại Việt Nam.
 
Nhìn chung, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện trong thời gian qua đã tăng về số lượng và đa dạng về đối tác. Đến nay lĩnh vực hợp tác được phát triển sang một số lĩnh vực mới như an toàn giao thông, phòng chống sụt trượt, ứng dụng công nghệ ITS trong giao thông vận tải và chuyển giao công nghệ mới. Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện đang đi theo hướng tăng cường và mở rộng hoạt động về bề rộng và chiều sâu nhằm mang lại KHCN mới và nguồn công việc, nguồn thu cho Viện. Có thể thấy đến năm 2010, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện đã năng động hơn và có nhiều khởi sắc, bước đầu hoạt động này đã mang lại hiệu quả.
 
III. Các hoạt động dịch vụ KH&CN mang tính “mũi nhọn” của Viện trong thời gian qua:
Hoạt động nghiên cứu là dịch vụ KHCN của Viện trong thời gian qua, nhìn chung đã gặt hái được một số thành công. Tuy nhiên, trong các hoạt động dịch vụ đó, qua tổng kết bình chọn một số hoạt động mang tính “mũi nhọn” của Viện. Đó là các mảng hoạt động dịch vụ phần nào thể hiện thế mạnh và uy tín của Viện, được Bộ GTVT và các đơn vị trong ngành chấp thuận như là các dịch vụ ưu thế, thể hiện được thương hiệu VIện KH&CN GTVT trong các hoạt động KH&CN của Viện trong giai đoạn 2007 đến nay như sau:
 
1. Hoạt động dịch vụ Giám sát thi công xây dựng công trình cầu, đường và giám sát môi trường:
Đây là loại hình hoạt động dịch vụ mới của Viện, tuy được bắt đầu từ năm 1993, song được tổ chức trở thành một ngành nghề chính thức của Viện từ năm 2003, cho đến nay, toàn Viện đã và đang thực hiện hiện dịch vụ TVGS đồng thời tại 174 dự án xây dựng và cải tạo nâng cấp các công trình cầu đường trên phạm vi toàn quốc. Toàn Viện hiện nay có một đội ngũ TVGS gồm khoảng 450 người, với 54 cán bộ đã được qua rèn luyện và thử thách trong thực tiễn, có đủ năng lực và trình độ đạt tiêu chuẩn Tư vấn trưởng các Dự án nhóm A và B (không kể Tư vấn trưởng các Dự án nhóm C). Trong thời gian qua, các Dự án nhóm A, B đã được Viện đảm nhận TVGS đạt chất lượng cao như Dự án xây dựng cầu Hàm Luông, cầu Vĩnh Tuy, cầu Pa-uôn; dự án Đường Láng - Hòa Lạc..
 
Đến nay, Viện đã ban hành Quy chế nội bộ về quản lý và tổ chức hoạt động TVGS của Viện KH&CN GTVT trên cơ sở triển khai chi tiết Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Quy chế TVGS do Bô GTVT đã ban hành. Đây là văn bản quy chế nội bộ nhằm góp phần chấn chỉnh và chuẩn hóa đội ngũ TVGS của Viện, nâng cao chất lượng của cán bộ làm công tác TVGS.
 
2. Hoạt động dịch vụ Thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu làm đường và kiểm tra, kiểm định chất lượng thi công và thử nghiệm các công trình cầu đường:
Đây là một hoạt động dịch vụ lâu đời nhất của Viện, hình thành ngay từ năm 1956 khi Viện mới được thành lập. Trong hơn 50 năm qua, với bề dày gắn bó với thực tiễn sản xuất của ngành GTVT, Viện đã xây dựng và đào tạo được một đội ngũ kỹ sư và thí nghiệm viên có tay nghề cao cùng với 02 Phòng thí nghiệm trọng điểm đường bộ tại miền Bắc và miền Nam;  các phòng thí nghiệm LAS XD:201- Đánh giá vật liệu sơn, nước và vật liệu cao su, polymer và tín hiệu giao thông công nghệ chống ăn mòn cho xây dựng công trình; phòng thí nghiệm LAS XD: địa kỹ thuật; phòng thí nghiệm VILAS-Máy xây dựng..., được trang bị khá đầy đủ các chủng loại thiết bị và có nhiều thiết bị hiện đại phục vụ thí nghiệm trong phòng và thí nghiệm kiểm định đánh giá chất lượng tại hiện trường, bao gồm cả thử tải và kiểm định các công trình cầu.
 
Trưởng thành và phát triển từ hoạt động dịch vụ này, cho đến nay, Viện vẫn là cơ quan chủ trì biên soạn các tiêu chuẩn thí nghiệm và tiếp tục tham gia đào tạo đội ngũ Thí nghiệm viên cho ngành GTVT. Tuy nhiên, do cơ chế thị trường cùng với sự phát triển của hàng trăm phòng thí nghiệm khác trên phạm vi cả nước, nên thị phần về thí nghiệm của Viện đang có dấu hiệu bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm, năng lực cán bộ và mức độ trang bị hiện đại của các thiết bị thí nghiệm, nhiều năm qua Viện vẫn luôn đóng vai trò quan trọng và được Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình trọng điểm Nhà nước tín nhiệm, giao nhiều nhiệm vụ kiểm định độc lập các Dự án xây dựng cầu đường, phục vụ cho công tác nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác sử dụng.
 
3. Hoạt động dịch vụ Khảo sát thiết kế:
Đặc biệt, kiên cố hóa và xử lý đất sụt trên các tuyến đường giao thông. Trong đó, loại hình dịch vụ khảo sát thiết kế xử lý sụt trượt đất trên các tuyến đường giao thông của Viện được Bộ GTVT và các Ban QLDA tin tưởng, đánh giá có chất lượng đảm bảo, được tín nhiệm và trở thành một trong những hoạt động đặc trưng mang thương hiệu Viện nhờ kết quả nghiên cứu các đề tài đất sụt và thực tiễn KS-TK xử lý đất sụt của Viện trên các tuyến đường miền núi từ năm 1974 đến nay. Trong thời gian qua, Viện đã chủ trì thành công các dự án như dự án thành phần về thiết kế kiên cố hóa xử lý đất sụt trên đường Hồ Chí Minh vào năm 2007; hoàn thành công tác KS-TK và đưa vào khai thác trên 30 vị trí xử lý sụt trượt đất trên tuyến QL4D; hoàn thành công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế xử lý trượt đất để trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt phương án sử dụng neo xử lý điểm trượt đất quy mô lớn nhất Việt Nam tại đèo Chẹn, QL 37. Thực tiễn khai thác sử dụng các công trình xử lý đất sụt trên các tuyến đường trong các năm qua cho thấy gần như 100% các công trình xử lý đất sụt do Viện KH&CN GTVT chịu trách nhiệm thiết kế đều ổn định bền vững, khai thác tốt và khẳng định uy tín cũng như thương hiệu của Viện trong lĩnh vực này.
 
Đặc biệt, do các hoạt động tích cực và hiệu quả của Viện trong lĩnh vực nghiên cứu xử lý đất sụt, từ tháng 5/ 2010 đến nay, Viện đã được kết nạp trở thành hội viên chính thức của Tổ chức trượt đất Quốc tế (ICL -International Consortium on Landslides) có trụ sở đặt tại Kyoto, Nhật Bản.
 
4. Hoạt động dịch vụ đánh giá tác động môi trường GTVT:
Đây là loại hình dịch vụ khá mới mẻ của Viện, mới được hình thành và phát triển trong khoảng 10 năm nay, tuy nhiên đã và đang từng bước khẳng định được một hướng đi mới có triển vọng trong sự phát triển bền vững của hoạt động KHCN và Môi trường của Viện. Trưởng thành từ các hoạt động KH&CN môi trường ban đầu, chủ yếu là đánh giá tác động môi trường do ảnh hưởng của sự phá vỡ cân bằng sinh thái, tiếng ồn, độ rung và ô nhiễm nguồn nước, không khí, ... tại các Dự án đầu tư xây dựng công trình GTVT, cho đến nay từ năm 2005-2010, Viện đã phát triển loại hình dịch vụ này sang phục vụ cho cả các giai đoạn thực hiện đầu tư và khai thác sử dụng công trình, như giám sát môi trường trong quá trình thi công và khai thác công trình.
 
Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Viện đã và đang triển khai các hoạt động KHCN môi trường để góp phần đáp ứng đòi hỏi của ngành GTVT trong vấn đề lớn mang tính toàn cầu, đó là “Đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho giao thông đường bộ Việt Nam giai đoạn 2009-2015”.
 
5. Hoạt động dịch vụ nghiên cứu chế tạo sơn các vật liệu cao su, polymer, vật liệu mới và các sản phẩm chống ăn mòn kim loại để bảo vệ các phương tiện giao thông và công trình GTVT:
Trong giai đoạn này, Viện đã thành công trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất sơn bảo vệ kết cấu thép cho các công trình, phương tiện GTVT tuổi thọ 5 -10 năm và đã áp dụng thành công tại Dự án bảo trì cầu Chương Dương, Hà Nội, cầu Dùng Thanh Chương - Nghệ An và các cầu Đường sắt, cầu Đuống, cầu Hàm Rồng... Ngoài ra, với thế mạnh về nghiên cứu công nghệ sơn chống ăn mòn kim loại, Viện cũng đã nghiên cứu chế tạo loại sơn epoxy đóng rắn bằng ketimin ứng dụng trong điều kiển ẩm để bảovệ các kết cấu thép trong giao thông vận tải, cũng như loại sơn giàu kẽm vô cơ làm lớp lót, bảo vệ kết cấu thép trong các công trình giao thông vận tải. Không chỉ dừng lại ở công nghệ sơn, từ năm 2005 đến nay, Viện còn ứng dụng thành công công nghệ điện hóa dùng A-nôt hy sinh để chống ăn mòn cho các trụ cầu chịu ảnh hưởng ăn mòn của nước mặn trong khu vực ven biển. Đồng thời với phát triển công nghệ sơn chống ăn mòn kim loại, Viện còn chế tạo và ứng dụng thành công các loại sơn phản quang hệ nước và hệ dung môi, sơn nhiệt dẻo để sử dụng trong các Dự án tăng cường ATGT đường bộ và ATGT giao thông đô thị. Trong loại hình dịch vụ sản xuất sơn bảo vệ công trình, Viện đã tham gia và nhận được các Giải thưởng cao tại các Hội chợ KH&CN TechMart do Bộ KH&CN tổ chức hàng năm.
 
6. Dịch vụ tư vấn khảo sát, tìm nguyên nhân và thiết kế xử lý các sự cố công trình:
Viện đã được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng tín nhiệm và giao nhiều nhiệm vụ khảo sát, đánh giá nguyên nhân sự cố công trình. Trong các năm 2007-2008, Viện đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá sự cố cầu Bung (tỉnh Gia Lai) để làm cơ sở cho địa phương xây dựng lại công trình, đánh giá tác động của sự cố va tàu vào cầu Mương Chuối (TP. Hồ Chí Minh) và lập dự án sửa chữa .
 
Gần đây, trong năm 2009 khi sự cố cầu Bính (Hải Phòng) xảy ra do phương tiện sà lan trôi gây va đập vào dầm cầu, Viện cũng đã cử các chuyên gia tham gia vào Tổ nghiên cứu sự cố cầu Bính của Bộ GTVT để tư vấn giúp TP Hải Phòng đánh giá nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục.
 
7. Hoạt động dịch vụ nghiên cứu thiết kế và chế tạo một số thiết bị thi công chuyên dùng phục vụ thi công và bảo trì các công trình GTVT:
Từ năm 2005 tới nay, Viện đã nghiên cứu thành công một số dây chuyền thiết bị thi công, được thực tế chế nhận đưa vào áp dụng trong xây dựng công trình thay thế nhập ngoại như hệ thống đồng bộ nâng dầm thay gối cầu; thiết bị vận hành xe đúc hẫng phục vụ xây dựng cầu BTCT DƯL theo công nghệ đúc hẫng; các loại kích nâng và kích kéo thủy lực tới 3000kN; hệ thống thiết bị nén tĩnh phục vụ công nghệ kiểm tra sức chịu tải cọc khoan nhồi tới 50.000kN; thiết bị tạo tia nước áp suất cao (tới 800 bar) và bơm vữa xi măng áp suất cao (tới 150 bar) phục vụ công nghệ làm sạch, bơm vữa mở rộng đáy cọc khoan nhồi; thiết bị thi công cọc xi măng đất phục vụ gia cố nền đất yếu; thiết bị khoan xiên phục vụ công nghệ neo trong đất; thiết bị đo lực căng cáp cầu dây văng; hệ thống điều khiển tự động trạm trộn bê tông xi măng, bê tông asphalt... ngoài ra, Viện đã nghiên cứu nhằm hiện đại hóa các thiết bị thí nghiệm như thiết bị kiểm tra mác bê tông tới từ 1.000kN tới 3.000kN điều khiển kỹ thuật số; máy keo thép tới 2.000kN; thiết bị uốn mẫu bê tông, thiết bị kiểm tra độ lún nền đường; thiết bị kiểm tra tà vẹt bê tông DƯL; thiết bị mài mòn Los Angelet, máy đầm bàn... các dụng cụ thí nghiệm như khuôn bê tông các loại, phễu đo độ sụt, phao cavariep, phễu rót cát, thước đo độ phẳng mặt đường...
 
Các thiết bị và dụng cụ thí nghiệm này đã trở thành thương phẩm và được nhiều nhà thầu trong nước chấp nhận đưa vào công trình thay thế nhập ngoại, mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và xã hội; với giá chỉ bằng 40-70% thiết bị tương đương nhập ngoại... Nhiều thiết bị được quảng cáo và được trao tặng cúp vàng tại Hội chợ Công nghệ Techmart 2005, 2008, 2009.
 
8. Hoạt động dịch vụ đào tạo và thông tin:
Cho đến nay, cơ sở đào tạo TVGS của Viện đã hoàn thành mở 79 khóa tại 3 miền và đã cấp chứng chỉ đào tạo để trình Bộ Xây dựng xét duyệt cấp chứng chỉ hành nghề TVGS cho gần 8000 kỹ sư, kịp thời phục vụ đáp ứng đòi hỏi bức thiết của ngành GTVT tại hàng trăm Dự án xây dựng công trình GTVT.
 
Trong giai đoạn này, Viện đã mở rộng các lọai hình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành như thí nghiệm viên, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý phòng thí nghiệm, định giá xây dựng, kiểm định đánh giá chất lượng cọc, an toàn lao động… tất cả nhằm mục đích phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành GTVT. Trong loại hình dịch vụ này, Viện có thế mạnh ở chỗ ngoài đội ngũ đông đảo cán bộ KH&CN có kinh nghiệm và thực tiễn, Viện còn có hệ thống đầy đủ các phòng thí nghiệm để phục vụ cho học viên tham quan và thực hành. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo TVGS của Viện được đánh giá đảm bảo chất lượng tốt. Ngoài ra, với chức năng là một cơ sở giáo dục đại học, trong thời gian qua Viện đã tiếp nhận và đào tạo nhiều NCS khoa học tại Viện, cũng như phối hợp tham gia với các trường Đại học trong lĩnh vực đào tạo cao học.
 
Với việc xây dựng và duy trì 8 mũi nhọn trong hoạt động dịch vụ KH&CN của Viện, trong thời gian qua hoạt động KH&CN của Viện đã có bước tăng trưởng tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi để Viện bước vào giai đoạn quá độ tiến tới kết thúc trong thời gian tới quá trình chuyển đổi cơ chế theo Nghị định 115/ CP của Chính Phủ.
 
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ GTVT và với chính sách mới về chuyển đổi cơ chế hoạt động KH&CN theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ, các đơn vị nghiên cứu công lập, trong đó có Viện KH&CN GTVT sẽ thành công trong hoạt động KH&CN của mình trong giai đoạn tới và sẽ góp phần nhỏ bé nhưng xứng đáng vào sự nghiệp chung CNH ) HĐH ngành GTVT nước ta.

 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây