Thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm vì xe quá tải

Thứ năm - 24/04/2014 13:00. Xem: 143
Có một cách tính khá đơn giản để định lượng sự tàn phá của xe chở quá tải đối với cầu đường là khi xe chở vượt tải trọng được phép chở lên "n" lần thì sự phá hoại của nó tương đương với một số lượng xe là "n" lũy thừa bốn. 

 

Những chiếc xe chở gỗ có trọng tải cả trăm tấn từ biên giới Lào về miền Trung
Những chiếc xe chở gỗ có trọng tải cả trăm tấn từ biên giới Lào về miền Trung

Cụ thể là khi một xe tải chở vượt tải trọng lên gấp hai lần thì sự phá hoại đường của nó tương đương với ảnh hưởng của 16 xe chở đúng tải, còn nếu chở gấp ba thì tương đương với  81 xe...
 
Số liệu đếm xe của một công ty tư vấn vào hai ngày 23 và 24/3/2014 vừa qua (trước khi triển khai các trạm cân lưu động) trên một đoạn tuyến có lưu lượng xe tương đối thấp của QL1 tại Hà Tĩnh cho thấy, bình quân một ngày-đêm có khoảng 800 xe container, hơn 3.000 xe tải nặng và khoảng 1.000 xe khách cỡ lớn. Giả sử 10% số xe container và xe tải này chở gấp 2 và 10% chở gấp 3 tải trọng được phép chở của xe thì sự tàn phá của chúng sẽ tương đương 36.860 xe tải/ngày-đêm. 

Theo các tiêu chuẩn hiện hành được sử dụng để thiết kế đường ô tô thì hệ số tính đổi thành xe tiêu chuẩn (PCU) của xe tải thay đổi từ 2,5 đối với xe tải 3 trục đến 5 đối với xe kéo rơ - moóc, xe container. Nếu lấy trung bình hệ số tính đổi cho mọi loại xe tải là 3,75 thì số lượng xe tính đổi thành xe tiêu chuẩn PCU sẽ là 138.225 PCU/ngày-đêm. 
 
Khi có 10% xe tải chở quá tải trọng gấp 2 và 10% xe tải chở quá tải trọng gấp 3 thì sự phá hoại đường do chúng gây ra sẽ gấp hơn 23 lần khả năng chịu đựng của con đường theo thiết kế.

Con số này gấp hơn 23 lần so với lưu lượng tối đa PCU/ngày-đêm được sử dụng để thiết kế đường cấp III có 2 làn xe. Như vậy, khi có 10% xe tải chở quá tải trọng gấp 2 và 10% xe tải chở quá tải trọng gấp 3 thì sự phá hoại đường do chúng gây ra sẽ gấp hơn 23 lần khả năng chịu đựng của con đường theo thiết kế. Hay nói cách khác, đáng lẽ con đường đảm bảo chất lượng phục vụ vận tải được 15 năm như thiết kế đề ra thì chỉ còn tồn tại được 7, 8 tháng vì những xe chở quá tải này.

Trong khi đó, lợi nhuận vận tải thu được là không đáng kể so với thiệt hại gây ra. Các số liệu nghiên cứu ở bang Washington (Mỹ) cho biết, với cự li vận chuyển là 50km thì khi xe chở quá tải 38% sẽ gây ra thiệt hại cho nền kinh tế gấp 3,5 lần so với lợi nhuận kinh doanh vận tải thu được. Còn nếu chở gấp đôi, gấp ba như các xe tải đang lưu hành ở nước ta hiện nay, chắc chắn là con số lợi nhuận mang lại cho kinh doanh vận tải chỉ là dăm, mười phần trăm so với chi phí mà xã hội phải bỏ ra để sửa chữa cầu đường. 

Các phóng sự truyền hình trong những ngày đầu tháng 4/2014 đều cho biết các xe chở dưa hấu, chở xoài, chở gạo... nếu không chở gấp 2, gấp 3 trọng tải cho phép thì... không thể có lãi!  Có nghĩa đã chở hàng bằng xe tải ở nước ta thì phải chở vượt tải gấp 2, gấp 3? Và nếu như vậy thì chỉ một vài năm sau khi đưa vào khai thác, chỉ cần vài chục phần trăm xe chở quá tải kiểu này, con đường sẽ bị băm nát. Mà thực tế đang diễn ra như vậy.
 
Đáng lẽ phải sử dụng tốt trong 10 năm đầu thì do xe chở quá tải, chưa  đến một năm đưa vào sử dụng, đường mới làm đã phải đại tu. Theo các dự án đang được triển khai hiện nay thì chi phí đại tu cho 1km đường ô tô cấp III có 2 làn xe là vào khoảng trên dưới 10 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng cho QL1 với quy mô 2 làn xe, chi phí này sẽ là khoảng 2,3 tỷ USD/năm? Và cả hệ thống đường bộ Việt Nam sẽ là bao nhiêu?
 
Đường mới đưa vào khai thác đã bị biến dạng mà nguyên nhân chủ yếu do xe chở quá tải tàn phá
Đường mới đưa vào khai thác đã bị biến dạng mà nguyên nhân chủ yếu do xe chở quá tải tàn phá

Đầu năm 2013, Tổng cục trưởng TCĐBVN Lê Đình Thọ, nay là Thứ trưởng Bộ GTVT, nhận định: “Xe chở quá tải có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp vài trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng sức tàn phá hệ thống đường bộ có thể lên tới chục nghìn tỷ đồng. Nghịch lý này không thể chấp nhận được! Bởi, tiền làm đường dù là vốn ngân sách hay vốn vay nước ngoài đều là tiền của người dân đóng góp từ thuế”. Thứ trưởng Lê Đình Thọ còn cho biết, khi ông còn là Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thanh Hóa, ông đã phải đau xót trước những công trình đầu tư xây dựng, nâng cấp với số vốn hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng như QL217, đường Nghi Sơn - Bãi Trành, đường Lang Chánh - Yên Khương ... chỉ sau một thời gian ngắn đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí chỉ vài tháng sau khi đưa vào khai thác thì xe chở quặng quá tải đã cày xới khiến con đường trở lại như... chưa nâng cấp.

Đấy là chỉ mới kể đến thiệt hại do xe chở quá tải tàn phá hệ thống đường bộ. Còn thiệt hại do xe chở quá tải gây ra TNGT thì sao? 

Xe chở quá tải, xếp hàng vượt quá quy định về kích thước (quá khổ) không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thao tác kỹ thuật của lái xe như không kịp phản ứng, căn đường và xử lý tình huống không chuẩn xác... mà còn là nguyên nhân gây ra các hư hỏng đột ngột như nổ lốp, giảm hoặc mất hiệu lực của hệ thống phanh, lật xe khi vào cua... sẽ dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng. Kiểm soát giao thông chặt như nước Mỹ mà theo công bố của cơ quan an toàn phương tiện liên bang (FMCSA), thiệt hại bởi tai nạn do xe tải gây ra hàng năm lên đến 19 tỷ USD. Theo số liệu của cảnh sát New York (NYPD) 70% là do xe chở quá tải, tức là thiệt hại do xe chở quá tải gây tai nạn hàng năm ở nước Mỹ là hơn 13 tỷ USD. Rất tiếc là hiện nay chúng ta chưa có số liệu thống kê được công bố về thiệt hại hàng năm do xe chở quá khổ, quá tải gây tai nạn. Chắc chắn là con số này cũng phải là hàng tỷ đô la. 

Nương tay với xe chở quá khổ, quá tải đang gây thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế của nước ta. Mặt khác, kiểm soát xe chở quá tải trên đường bộ còn là công cụ hữu hiệu để xóa bỏ giá cước ảo trong vận tải đường bộ, xóa bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải, phát triển cân đối và bền vững các loại hình vận tải. 

Chính vì vậy, tại Hội nghị nâng cao năng lực, chất lượng của vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải để giảm tải cho vận tải đường bộ vào ngày 18/4/2014 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định kiểm soát tải trọng không gây khó khăn cho người dân mà phải tạo điều kiện đưa giá cước về đúng giá thị trường. 

Kiểm soát chặt xe chở quá tải, quá khổ trên hệ thống đường bộ không những giảm được hàng tỷ đô la thiệt hại mỗi năm mà còn là khâu đột phá để đưa hoạt động vận tải đi đúng quy luật nhằm phát triển bền vững ngành GTVT.

Có thể nói rằng, ngành GTVT chưa từng có cuộc cải tổ vận tải nào có quy mô lớn và tính chất quyết liệt như hiện nay.
 

PGS. TS. Tống Trần Tùng

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng KHCN Bộ GTVT


Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây