Thành công từ công nghệ tái chế vật liệu mặt đường cũ

Thứ năm - 11/06/2015 13:00. Xem: 145
Một trong những vấn đề gây nhiều hệ lụy trong công tác sửa chữa đường bộ lâu nay là thải ra môi trường một lượng lớn phế liệu rắn rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, trong khi đó phải tốn một nguồn kinh phí đáng kể là vận chuyển vật liệu mới từ nơi khác đến để sửa chữa mặt đường.

 

Xe chuyên dụng Sakai PM 550 thi công tuyến đường theo phương pháp mới
trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Với các nước có nền khoa học phát triển, từ lâu đã có công nghệ tái sử dụng vật liệu mặt đường cũ để sửa đường, riêng tại Việt Nam đây là điều còn khá mới mẻ và còn trong quá trình mày mò nghiên cứu ứng dụng. Thế nhưng  gần đây, Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng ECC (BK ECC) phối hợp với khoa Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nghiên cứu thành công công nghệ này, mở ra cơ hội lớn trong việc thi công sửa chữa mặt đường bị hỏng với giá thành thấp, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ về thành công này, kỹ sư Phạm Hồng Nhân, Phó Giám đốc BK ECC cho biết: Đây là tồn tại từ lâu trong thi công cầu đường, vì mỗi lần sửa chữa đường phải tốn khá nhiều thời gian, kinh phí để bóc tách mặt đường cũ, sau đó chở đi đổ, đưa vật liệu từ nơi khác đến để thi công. Để khắc phục tình trạng này, BK ECC hợp tác với khoa Cầu đường, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tái sử dụng vật liệu mặt đường cũ để thi công. Cái khó mà chúng tôi đã giải quyết được là với điều kiện khí hậu, thời tiết và vật liệu của Việt Nam phải làm sao tìm ra được “tỷ lệ vàng” giữa phế thải bóc tách từ mặt đường cũ, xi-măng và phụ gia để bảo đảm độ kết dính và chịu lực tốt nhất.

Qua quá trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến các mẫu ứng dụng thực tiễn, với sự hỗ trợ đắc lực từ khoa Cầu đường, BK ECC đã giải được bài toán này. Thực tế, các mẫu nghiên cứu sau khi được gửi đến Viện Kỹ thuật hạ tầng (Civil Engineering Institute tại Đà Nẵng) kiểm tra đều đạt chất lượng về độ ổn định khi ngâm mẫu trong nước dung trọng tăng lên rõ rệt, độ đặc chắc của đất cũng tăng lên, trong khi đó tính thấm nước giảm xuống đáng kể.

Chính sự thành công này cho phép BK ECC tiến hành sửa chữa một số tuyến đường trong thành phố và qua nghiệm thu đều cho kết quả tốt. Đặc biệt, trong tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên đơn vị đã mạnh dạn thi công một tuyến đường hoàn toàn mới dài khoảng 50 mét thuộc đường nội bộ của công ty tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, với vật liệu chính là lấy từ nhựa đường cũ được bóc tách từ nơi khác đến.

Với công trình này, lần đầu tiên BK ECC không còn thực hiện phương pháp thủ công là bóc tách nhựa đường rồi trộn với các chất phụ gia đổ vào xe thảm nhựa đường, mà thuê xe chuyên dụng Sakai PM 550 có chức năng vừa chạy trên đường vừa bóc tách nền đường cũ, cán nhỏ, đổ trực tiếp phụ gia trộn đều và cán phẳng trên đường, sau đó xe lu cán qua để bảo đảm độ rắn chắc cho mặt đường. Với công nghệ “một công bốn việc”, trước mắt BK ECC đã giảm thiểu được thời gian thi công và thải chất thải rắn ra môi trường so với cách thi công trước đây.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng khoa Cầu đường, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), đây là hướng đi rất đúng đắn của BK ECC, cần tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, công nghệ này hiện nay BK ECC mới áp dụng ở các tuyến đường nội ô với tải trọng thấp, chưa thể đáp ứng mức chịu tải lớn ở các trục đường có mật độ xe tải lớn hoạt động nhiều. Mặc dù vậy, thời gian đến với sự hợp tác giữa hai đơn vị, cùng những tích lũy được từ thực tiễn, hy vọng công nghệ này sẽ đáp ứng được với các tuyến đường có tải trọng lớn để có thể ứng dụng rộng rãi trên các loại công trình giao thông.
 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây