Viện Khoa học và Công nghệ GTVT khai giảng Chương trình đào tạo Thẩm tra viên ATGT đường bộ khóa 6 dành cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại tp. Đà Nẵng

Thứ ba - 12/11/2013 12:00. Xem: 108
Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang là một vấn đề bức xúc của xã hội. Từ nhiều năm nay, các cấp bộ ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng, trung bình mỗi ngày cướp đi sinh mạng của hơn 30 người và làm bị thương hàng chục người khác. Tổn thất này đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, người thân và xã hội. Để giải quyết vấn nạn trên, công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật về an toàn giao thông đã được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp bộ ngành từ Trung ương đến địa phương.

     Triển khai nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong năm an toàn giao thông 2013 của Bộ GTVT, ngày 13/11/2013 tại Thành phố Đà Nẵng, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã tổ chức Khai giảng chương trình Đào tạo Thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ Khóa 6 dành cho các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên.

 

    Đại diện cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang Viện trưởng đã đọc diễn văn khai mạc và chỉ đạo công tác đào tạo tại Thành phố Đà Nẵng. Viện trưởng đã phát biểu cảm ơn Lãnh đạo Bộ GTVT, các Vụ chức năng và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tạo điều kiện, chỉ đạo Viện triển khai công tác tổ chức đào tạo.

 

     Thay mặt cho các Sở GTVT và Ban an toàn giao thông của các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, ông Ngô Khắc Thinh, P. Trưởng phòng quản lý đô thị, Phó ban trực Ban an toàn giao thông Thành phố Nha Trang đã phát biểu ý kiến cảm ơn Bộ GTVT, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong khu vực. Với gần 45 học viên đến từ các Sở GTVT, Ban an toàn giao thông và một số doanh nghiệp sẽ là hạt nhân trong công tác Thẩm tra, Thẩm định an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ khu vực Miền trung và Tây Nguyên.

 

     Từ năm 2011 đến nay, được Bộ GTVT giao nhiệm vụ xây dựng nội dung chương trình và tổ chức đào tạo, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã triển khai đào tạo được 5 khóa với tổng số học viên là trên 300 học viên. Khóa 1 Thí điểm tại Đồng Nai (63Học viên), Khóa 2 tại TP. HCM năm 2012 (90 Học viên), Khóa 3 tại Hải Phòng năm 2012 (63 Học viên), Khóa 4 tại Hà Nội năm 2013( 31 Học viên), Khóa 5 tại TP. HCM 2013 (66 Học viên).

 

     Là đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ đầu ngành, sau hơn 55 năm trưởng thành và phát triển, hiện nay Viện là một trong 41 Viện nghiên cứu cấp Quốc gia của Việt Nam, có quy mô và mức tăng trưởng được xếp hạng thuộc loại khá trong khối nghiên cứu KH&CN công lập gồm trên 560 các đơn vị trên phạm vi toàn quốc. Trong nhiều năm qua, Viện đã triển khai nghiên cứu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về lĩnh vực an toàn giao thông, ngoài ra công tác đào tạo xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng rất được quan tâm.

 

     Trong thời gian tới Viện Khoa học và Công nghệ GTVT mong muốn sẽ được Lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm, tiếp tục giao nhiệm vụ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và chủ trì thực hiện các dự án về an toàn giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc.

 

     Lễ khai giảng Chương trình đào tạo Thẩm tra viên ATGT đường bộ khóa 6 dành cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại tp. Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp và kết thúc vào hồi 11h cùng ngày.

 

Một số hình ảnh trong buổi Lễ Khai giảng được tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng

PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang Viện trưởng - Viện Khoa học và Công nghệ GTVT phát biểu khai mạc tại buổi Lễ Khai giảng

 

Đ/c Ngô Khắc Thinh, P. Trưởng phòng quản lý đô thị, Phó ban trực Ban an toàn giao thông Thành phố Nha Trang phát biểu ý kiến

 

Ảnh lưu niệm các đại biểu tham dự Lễ Khai giảng Chương trình đào tạo Thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ Khóa 6 tại Thành Phố Đà Nẵng

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây