Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu và học tập của các thành viên trong Dự án hợp tác kỹ thuật do JICA tài trợ về “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất dọc các tuyến giao thông chính tại Việt Nam”

Chủ nhật - 08/11/2015 12:00. Xem: 160
Năm 2010, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ là chủ dự án Hợp tác kĩ thuật sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thực (ODA) do Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ về “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro do trượt đất dọc theo các tuyến giao thông chính tại Việt Nam”. Tính từ thời điểm được phê duyệt (tháng 12/2012) cho đến nay, dự án đã triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng 04 cấu phần và dự kiến kết thúc vào tháng 8/2016. Một trong những mục tiêu và kết quả quan trọng của dự án là phát triển nguồn nhân lực phục vụ việc sử dụng có hiệu quả trong quá trình triển khai tại Việt Nam công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất đã nghiên cứu và phát triển thông qua dự án. 

 Về đào tạo dài hạn, dự án đã lựa chọn và cử 06 nghiên cứu viên, kĩ sư độ tuổi từ 25 đến 35 tham gia chương trình đào tạo sau đại học tại Nhật Bản, gồm 01 nghiên cứu sinh chuyên ngành nhận biết và đánh giá rủi ro trượt đất và 05 thạc sĩ các chuyên ngành về quan trắc cảnh báo sớm; phân tích đánh giá rủi ro trượt đất và mô phỏng trượt đất. Đến nay, 05 cán bộ đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, trong đó 01 cán bộ chuyển tiếp lên nghiên cứu sinh; bổ sung 03 nghiên cứu sinh bán thời gian.

Về đào tạo ngắn hạn: Viện đã cử 04 cán bộ đối ứng tham gia 07 khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản về phân tích không ảnh và bản đồ; thí nghiệm đất trong phòng và mô phỏng trên máy tính; công nghệ khoan sâu xác định mặt trượt. Ngoài ra, Viện còn tổ chức 02 đợt phổ biến kiến thức và chuyển giao công nghệ do các chuyên gia phía Nhật Bản trực tiếp giảng dạy về các nội dung: hướng dẫn chuyển giao công nghệ nhận dạng sụt trượt bằng phân tích không ảnh và hướng dẫn chuyển giao công nghệ khoan dò mặt trượt.

Ngày 6/10/2015, Viện đã tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu và học tập của các hành viên trong Dự án với. Tham dự hội thảo, về phía Nhật Bản có Ông Kanda Tsuyoshi - đại diện đơn vị tài trợ, văn phòng JICA tại Hà Nội và các chuyên gia đối ứng Nhật Bản từ Hội trượt đất quốc tế (ICL). Về phía Việt Nam, có Ông Nguyễn Xuân Khang - Viện trưởng, Giám đốc dự án; đại diện Ban quản lý dự án; các thành viên của dự án; các chuyên gia đến từ Hội trượt đất GTVT, trường Đại học GTVT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mỏ địa chất và nhiều nghiên cứu viên quan tâm.

Tại hội thảo, các thành viên dự án lần lượt trình bày 10 báo cáo kết quả nghiên cứu, trong đó đi sâu phân tích các đặc điểm trượt đất, cơ chế hình thành trượt đất, các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến sự hình thành trượt đất (tác động của mưa lớn, địa chất, sự thay đổi hệ số ổn định do biến dạng địa hình…); ứng dụng thiết bị máy cắt vòng và các mô hình mô phỏng trượt đất trong phòng và tại hiện trường trong nghiên cứu cơ chế hình thành trượt đất.

Nội dung và chất lượng các báo cáo tại hội thảo khẳng định đội ngũ cán bộ được đào tạo dài hạn tại Nhật Bản trong khuôn khổ của dự án có kết quả học tập tốt, đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt trong việc tiếp nhận kiến thức, kĩ thuật mới và cùng nghiên cứu phát triển công nghệ đối ứng với phía Nhật Bản. Các thành viên chủ chốt trong các nhóm hoạt động thường xuyên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản và Việt Nam đã nắm bắt được những kĩ thuật mới về thu thập dữ liệu, sử dụng phần mềm phân tích bản đồ, phần mềm mô phỏng trượt đất và vận hành thiết bị thí nghiệm trong phòng, quan trắc tại hiện trường, hoàn toàn có thể chủ động phối hợp với các chuyên gia phía Nhật Bản trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu của dự án và làm chủ công nghệ sau dự án.

Một số hình ảnh Hội thảo

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây