Tin Hội thảo góp ý nội dung dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về “Thép kết cấu chịu thời tiết – yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử - Chỉ dẫn sử dụng trong xây dựng cầu” mã số TC 1538

Thứ ba - 22/12/2015 12:00. Xem: 143
 Năm 2015, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ thực hiện dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về “Thép kết cấu chịu thời tiết – Yêu cầu kỹ thuật, Phương pháp thử và chỉ dẫn sử dụng trong xây dựng cầu”, mã số TC 1538. Dự án này do Viện thực hiện với sự hợp tác và tài trợ của Tập đoàn thép JFE, Nhật Bản, chủ trì biên soạn – TS. Lê Quý Thủy.

Nằm trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, ngày 23/12/2015, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã tổ chức Hội thảo góp ý nội dung dự thảo tiêu chuẩn nêu trên. Tham dự Hội thảo, có TS. Đỗ Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, chủ trì Hội thảo; đại diện lãnh đạo, các chuyên gia kĩ thuật tham gia dự án của Tập đoàn thép JFE; nhóm các chuyên gia biên soạn của Viện và đông đảo các nhà khoa học, kĩ sư quan tâm trong và ngoài Viện.

Hiện nay, thép chịu thời tiết (còn được gọi là thép chống ăn mòn khí quyển) đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt trong xây dựng cầu thép do ưu điểm nổi bật của nó là hình thành một lớp gỉ là màng oxit để bảo vệ bề mặt thép chống lại các yếu tố ăn mòn và cuối cùng ngăn chặn sự phát triển ăn mòn. Ngoài ra nó còn có các ưu điểm nổi bật khác như màu sắc đẹp, độ ổn định cao về chất lượng, tính chất hàn tốt, không cần phải sơn bảo vệ, không cần phải sơn phủ và giảm được tối đa chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Ở Nhật Bản, hiện nay đã có hơn 6.500 cây cầu được xây dựng bằng thép chịu thời tiết. Hàng năm tại nước này, người ta xây dựng thêm khoảng gần 200 cây cầu mới bằng loại thép chịu thời tiết. Theo thống kê, gần đây có khoảng 20% cầu thép xây dựng mới là từ thép chịu thời tiết.  

Từ kết quả nghiên cứu trong vòng 3 năm trở lại đây của Tập đoàn thép JFE Nhật Bản kết hợp với Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh dự báo rằng, ở Việt Nam có nhiều vùng phù hợp với việc xây dựng cầu bằng thép chịu thời tiết tùy thuộc vào lượng muối trong không khí và khoảng cách từ bờ biển. Chỉ tính riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long, với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, trong tương lai phải cần đến khoảng 30.000 cây cầu lớn nhỏ. Nếu xây dựng các cầu này bằng thép chịu thời tiết thì chúng ta có thể giảm thiểu công việc bảo trì và chi phí do không cần sơn và sơn lại. Tuy nhiên, cần phải có việc điều tra, thống kê và chỉ ra môi trường ăn mòn tại các vùng miền để sử dụng thép chịu thời tiết cho phù hợp. 

Về tiêu chuẩn thép chịu thời tiết, nước ta đã có tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6521:1999, Thép kết cấu bền ăn mòn khí quyển, được dịch từ tiêu chuẩn ISO 4952:1981. Tuy nhiên, trong khi tiêu chuẩn ISO 4952 đã được bổ sung, sửa đổi 3 lần  thì TCVN 6521:1999 vẫn chưa được sửa đổi lần nào. Hiện nay tiêu chuẩn ISO 4952 đã bị bãi bỏ và được thay thế bởi một tiêu chuẩn khác, với số hiệu hoàn toàn khác là ISO 630-5. Như vậy, TCVN 6521 mặc dù vẫn còn hiệu lực ở nước ta nhưng không còn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế nữa. Ngoài ta, để sử dụng thép chịu thời tiết cho các công trình cầu, các nước thường ban hành tiêu chuẩn chỉ dẫn sử dụng, trong khi tiêu chuẩn này Việt Nam lại chưa có.

 Tại Hội thảo, nhóm biên soạn đã trình bày sự cần thiết, cơ sở xây dựng và nội dung dự thảo tiêu chuẩn. Dự thảo tiêu chuẩn đã đưa các yêu cầu kĩ thuật đối với vật liệu thép kháng thời tiết, phương pháp lấy mẫu, kiểm tra và thực hiện các phép thử, và đặc biệt là đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho việc thiết kế kế, chế tạo, lắp đặt và quy trình bào trì đối với kết cấu sử dụng thép kháng thời tiết trong xây dựng công trình cầu. 

Thông qua hội thảo, nhóm biên soạn đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích của các chuyên gia, nhà quản lý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn.

  

 

Một số hình ảnh Hội thảo 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây