Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc

Thứ tư - 24/11/2021 12:00. Xem: 219
 Sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến.
Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc

 Đảng ủy Bộ GTVT kết nối trực tuyến với điểm cầu chính của Trung ương tại Bộ GTVT và 66 điểm cầu kết nối với 25 đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Bộ GTVT tổng số gần 800 đại biểu tham dự. Dự hội nghị tại điểm cầu của Bộ GTVT có các đồng chí: Lê Anh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GTVT; Khuất Việt Hùng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; Trần Văn Lâm, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, Vụ trưởng Vụ TCCB; Đào Văn Tiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ; đại diện cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững, đó là: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, sáng tạo, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: văn hóa là một mặt trận quan trọng, “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng. Trong thời kỳ Đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm kế thừa, phát triển tư duy lý luận về văn hóa và chăm lo phát triển văn hóa, con người Việt Nam, coi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Đó là: Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong triển khai các nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người ngày càng chặt chẽ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng lên. Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Quan tâm, tạo cơ chế triển khai chính sách văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hoá công sở, văn hoá gia đình...

Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật tiên tiến và tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động văn hóa đã được quan tâm. Nhân dân các vùng, miền, các dân tộc, các tôn giáo đóng góp sức người, sức của, tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn... Việc xây dựng môi trường văn hóa đạt được kết quả tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” được đẩy mạnh. Sự liên kết, phối hợp giữa ba lĩnh vực: gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho thế hệ trẻ được coi trọng.

 

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu của Bộ GTVT

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hoá, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hoá sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hoá.

Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam…

Sáu là, xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh.

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây