Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải: Khẳng định vị thế và uy tín trong ngành và đất nước

Thứ ba - 18/10/2022 13:00. Xem: 352
 Ngày 14/10/2022 tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Giao thông Vận tải đã tổ chức Hội nghị KH&CN thường niên 2022 chào mừng 66 năm thành lập Viện (10/1956-10/2022). Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá các kết quả nghiên cứu và ứng dụng nổi bật của Viện trong thời gian vừa qua
Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải: Khẳng định vị thế và uy tín trong ngành và đất nước

 Viện KH&CN GTVT thành từ năm 1956, với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) của ngành GTVT.

Từ 2019 đến nay, Viện đã biên soạn và được ban hành 48 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), 9 Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), 2 Quy định kỹ thuật. Tất cả các TCVN, TCCS và các quy định kỹ thuật này đều được áp dụng ngay vào trong hoạt động sản xuất của ngành GTVT. Viện đã thực hiện nghiên cứu 31 đề tài KH&CN, 04 nhiệm vụ môi trường cấp Bộ GTVT. Các đề tài nghiên cứu khoa học do Viện thực hiện đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, được áp dụng vào thực tiễn, đề xuất được định hướng cho việc nghiên cứu, phát triển vật liệu, công nghệ, giải pháp kết cấu công trình; là cơ sở khoa học để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng mới các TCVN, TCCS đáp ứng yêu cầu thực tế.

 

 

Viện Khoa hoc va Công nghệ GTVT: Góp phần giải quyết nhiều vấn đề "nóng" về KHCN của ngành GTVT - Ảnh 2.

Các đại biểu tại Hội nghị khoa học

 

 

Bên cạnh đó, bằng năng lực và kinh nghiệm, thời gian qua, Viện đã giải quyết được một số vấn đề "nóng" của ngành về vật liệu, công nghệ trong xây dựng và bảo trì đường bộ, cụ thể như: Tiêu chuẩn nhựa đường PG, phương pháp thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa theo SuperPave; công nghệ mặt đường bán mềm; công nghệ mặt đường bê tông nhựa ấm; phụ gia tăng khả năng dính bám cho bê tông nhựa; lựa chọn mác nhựa đường PG của bê tông nhựa mặt đường sân bay; ứng dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện trong xây dựng kết cấu nền, móng và mặt đường giao thông; thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa chặt theo nguyên lý cân bằng… Ngoài ra, Viện đã chủ động đề xuất với Bộ GTVT nhiều giải pháp như: xây dựng tiêu chuẩn thí nghiệm lún vệt bánh xe, xây dựng hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn hiện có về thi công mặt đường bê tông nhựa, Thông tư kiểm soát chất lượng nhựa đường, đề xuất giải pháp về kết cấu mặt đường...

Nhiều vật liệu mới, công nghệ mới đã được Viện đánh giá trước khi đưa vào ứng dụng thực tế, đạt hiệu quả cao, điển hình như: lớp phủ mỏng có độ nhám cao VTO, lớp phủ siêu mỏng tạo nhám (Novachip); công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ làm lớp móng mặt đường; công nghệ tái chế nóng bê tông nhựa tại trạm trộn; mặt đường bê tông nhựa rỗng (Porous Asphalt) áp dụng cho đường cao tốc và đường cấp cao; lớp phủ Microsurfacing dùng cho bảo trì đường bộ, bê tông nhựa sử dụng nhựa đường cao su hóa khắc phục lún vệt bánh xe cho đường bộ…

Thời gian qua, công tác biên soạn xây dựng tiêu chuẩn của Viện tiếp tục có chuyển biến tích cực, Viện đã hợp tác với một số tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài biên soạn các tiêu chuẩn như bộ tiêu chuẩn về công trình cảng biển, trang thiết bị an toàn giao thông và neo đất SE... Theo kế hoạch khoa học công nghệ hàng năm, Viện là một trong số đơn vị đăng ký nhiều nhiệm vụ thực hiện việc soát xét chuyển đổi, xây dựng tiêu chuẩn trong ngành GTVT. Hầu hết các tiêu chuẩn do Viện chủ trì thực hiện đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu thuỷ văn, vật liệu và trình độ kỹ thuật thi công của Việt Nam, từng bước hòa nhập vào trình độ chung của khu vực và thế giới.

Các tiêu chuẩn sau khi được ban hành, đã đóng góp tích cực vào công tác xây dựng và quản lý công trình giao thông tại Việt Nam. Một số tiêu chuẩn tiêu biểu đã được công bố như: bộ 08/10 TCVN về công trình cảng biển; bộ 06 TCVN về trang thiết bị an toàn giao thông; TCCS 26:2019/TCĐBVN: Hỗn hợp cấp phối đá chặt gia cố nhựa nóng sử dụng trong kết cấu áo đường - Yêu cầu thi công và nghiệm thu; TCCS 29:2020/TCĐBVN: Nền đường đắp đá - Thiết kế, thi công và nghiệm thu; TCVN 12759-1,2:2020: Bê tông nhựa tạo nhám; TCVN 13049:2020: Nhựa đường phân cấp theo đặc tính làm việc - Yêu cầu kỹ thuật; TCVN 13048:2020: Lớp mặt bê tông nhựa rỗng thoát nước - Yêu cầu thi công và nghiệm thu; TCVN 13150-1,2:2020: Lớp vật liệu tái chế nguội tại chỗ dùng cho kết cấu áo đường ô tô; TCVN 12885:2020: Thi công cầu đường bộ; TCVN 11193:2021: Nhựa đường Polime - Yêu cầu kỹ thuật; TCCS 38:2022/TCĐBVN: Áo đường mềm - Các yêu cầu và chỉ dẫn thiết kế; TCVN 13567-1,2,3:2022: Lớp mặt đường bằng hỗn hợp nhựa nóng - Thi công và nghiệm thu; TCCS 41:2022/TCĐBVN: Tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế nền đường ô tô đắp trên nền đất yếu; TCCS 42:TCĐBVN: Đường ô tô cao tốc - Thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng...

Bộ GTVT đã tin tưởng giao cho Viện thực hiện công tác rà soát đánh giá về hiện trạng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và trên thế giới, để từ đó có báo cáo, tham mưa cho Bộ về định hướng xây dựng và thứ tự ưu tiên thực hiện xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển KH&CN trên thế giới, nhu cầu thực tiễn, sử dụng hiệu quả ngân sách được cấp… thông qua việc triển khai nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng hàng năm "Cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện có trong nước và trên thế giới; rà soát và đánh giá, đề xuất điều chỉnh, chuyển đổi và xây dựng mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực xây dựng công trình giao thông của ngành GTVT".

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây