Nghiệm thu cấp Bộ đề tài: "Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ nguồn thủy lực bù tải tự động"

Thứ năm - 20/10/2011 13:00. Xem: 158
Ngày 14/10/2011, tại Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đã họp đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ nguồn thủy lực bù tải tự động phục vụ công nghệ kiểm tra sức chịu tải cọc khoan nhồi theo phương pháp thử tải tĩnh” Mã số DT094017 do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị chủ trì và PGS TS Nguyễn Xuân Khang làm chủ nhiệm đề tài.

Trong những năm gần đây ở nước ta, cọc khoan nhồi đã được sử dụng phổ biến trong xây dựng nền móng các công trình xây dựng, giao thông, bến cảng…Việc kiểm tra đánh giá chất lượng và sức chịu tải của cọc khoan nhồi đã và đang được quan tâm chú ý. Trong các phương pháp thử tải cọc khoan nhồi thì phương pháp thử tải tĩnh truyền thống là phương pháp cho độ chính xác cao nhất và cũng được sử dụng rộng rãi nhất. Ở Việt Nam phương pháp này đã trở nên quen thuộc và được sử dụng khá phổ biến. 

 

 
Để kiểm tra sức chịu tải của cọc khoan nhồi theo phương pháp thử tải tĩnh, cần được đầu tư hệ thống thiết bị trong đó bộ nguồn thủy lực phải có khả năng duy trì tải trọng không đổi theo các qui trình thí nghiệm hiện hành. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các nội dung chủ yếu:
- Tổng quan về hệ thống thiết bị kiểm tra sức chịu tải cọc khoan nhồi;
- Nghiên cứu lựa chọn hệ thống thiết bị phù hợp với công nghệ kiểm tra sức chịu tải cọc khoan nhồi theo phương pháp thử tải tĩnh
- Nghiên cứu thiết kế bộ nguồn thuỷ lực điều khiển tự động;
- Nghiên cứu thiết kế hệ điều khiển bù tải tự động;
- Xây dựng qui trình công nghệ chế tạo thiết bị;
- Chế tạo và thử nghiệm thiết bị tại hiện trường;
- Biên soạn tài liệu hướng dẫn khai thác sử dụng và bảo quản thiết bị.
 
Để chế tạo được thiết bị trong nước, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp KHCN để lựa chọn nguyên lý kết cấu, vật liệu, công nghệ chế tạo… hợp lý, phù hợp với trang thiết bị máy móc, trình độ gia công và nguồn vật liệu sẵn có trong n­ước, nhằm chế tạo thiết bị đảm bảo các tính năng cần thiết mà vẫn phù hợp với điều kiện công nghệ hạn chế hiện nay ở nước ta; đồng thời đã ứng dụng các giải pháp hiện đại hóa thiết bị; giúp cho các chủ đầu tư có cơ sở tin cậy hơn vào kết quả thử nghiệm; giúp cho nhà thầu có thể thuận tiện trong quá trình kiểm tra đánh giá thử nghiệm.
Các giải pháp đã được ứng dụng gồm:
- Số hóa lực nén của hệ kích tác dụng lên cọc, độ lún của cọc và hiển thị trong suốt quá trình thí nghiệm;
- Tự động bù tải trong suốt thời gian gia tải theo từng cấp lực;
- Điều chỉnh được tốc độ gia tải của hệ kích tạo lực nén phù hợp với từng loại cọc, nền và từng quy trình thí nghiệm kiểm tra cụ thể;
- Tự động hóa toàn bộ qui trình thí nghiệm kiểm tra và đảm bảo an toàn cho thiết bị;
- Thiết bị tự động bù tải, khống chế tải trọng hoặc độ lún của cọc, lưu giữ, quản lý các kết quả thí nghiệm.
 
Giải pháp sử dụng biến tần điều chỉnh tốc độ chuyển động của hệ kích tạo lực nén lên cọc phù hợp với nhiều loại kích, số lượng kích; đồng thời phù hợp với tốc độ gia tải của hệ kích nén tĩnh là giải pháp công nghệ mới được nghiên cứu và áp dụng trong đề tài.
 
Các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm đã được phòng thí nghiệm chuyên dùng VILAS-276 kiểm định và cấp chứng chỉ chất lượng. Thiết bị đã được thử nghiệm tại công trường Khu đô thị Ngoại giao đoàn - Nam Thăng Long - Hà Nội, bước đầu cho thấy hệ thống thiết bị làm việc ổn định. Thiết bị có giá thành hạ xấp xỉ bằng 40¸50% thiết bị có tính năng tương đương nhập ngoại, mang lại hiệu quả kinh tế-kỹ thuật.
 
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài đạt mức A và kiến nghị ứng dụng rộng rãi các sản phẩm đề tài vào thực tế sản xuất.

PV. Khắc Hùng. D. Mạnh Khải. U. Quang Lâm

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây