Khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật về “Phát triển công nghệ đánh giá rủi do sạt lở đất và đào tạo tại Việt Nam” do Bộ GTVT chủ trì dự họp với JICA Nhật Bản.

Chủ nhật - 25/03/2012 13:00. Xem: 209
Chiều ngày 23/3/2012 tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã diễn ra Hội nghị Khởi động Dự án Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro sụt trượt đất dọc theo các tuyến đường chính tại VN do Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có:

-       Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức

-       Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GTVT.

-       Vụ Kế Hoạch đầu tư – Bộ GTVT.

-       Vụ Môi trường – Bộ GTVT.

-       Vụ Khoa học công nghệ - Bộ GTVT.

-       Sở Giao Thông vận tải tỉnh Sơn La.

-       Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – Jica.

Về phía Viện Khoa học và Công nghệ GTVT có:

-       Lãnh đạo Viện.

-       Ban chỉ đạo dự án ODA

 

Theo các nhà khoa học, hàng năm, về mùa mưa bão, nhiều tuyến đường miền núi đi qua các khu vực có địa hình và địa chất phức tạp ở nước ta thường xảy ra hiện tượng trượt đất nghiêm trọng. Hậu quả của hiện tượng này là không chỉ gây ra thiệt hại về người và của mà còn làm tắc đường, ảnh hưởng lớn đến ngành GTVT và hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều năm qua, ngành GTVT đã tích cực khắc phục các sự cố thiên nhiên do bão lũ và sụt trượt đất gây ra, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường. Tuy nhiên, do trình độ công nghệ dự báo còn ở mức độ hạn chế nên công tác quan trắc và khả năng cảnh báo sớm hiện tượng trượt đất trên các tuyến đường giao thông ở nước ta còn rất khiêm tốn.

Trước thực trạng đó, từ năm 2010, Viện KH&CN GTVT đã tích cực và chủ động phối hợp với Hội Trượt đất quốc tế xây dựng đề án xin nguồn tài trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản về việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ phục vụ cho công tác khảo sát, đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm hiện tượng sụt trượt đất trên đường giao thông ở VN.

 

Tháng 4/2011, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ cho VN dự án ODA không hoàn lại, là Đề án Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro sụt trượt đất dọc theo các tuyến đường trục tại VN. Đề án này đã được Bộ GTVT giao cho Viện KH&CN GTVT chủ trì thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia Nhật Bản đến từ Hội trượt đất quốc tế, từ cơ quan KH&CN Nhật Bản và từ các trường ĐH nổi tiếng của Nhật Bản. Phối hợp thực hiện dự án, về phía VN là các đơn vị thuộc ngành GTVT và một số Sở GTVT tại các địa phương thường xảy ra hiện tượng sụt trượt đất trên đường giao thông.

Mục tiêu chính của dự án là nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới, hiện đại của Nhật Bản cho VN trong lĩnh vực khảo sát, đánh giá rủi ro do trượt đất và thí điểm lắp đặt hệ thống quan trắc nhằm theo dõi và cảnh báo sớm hiện tượng này xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với người và tài sản của nhân dân.

Tại buổi Hội thảo, ông Kyoji Sassa, Trưởng Dự án phía Nhật Bản, Chủ tịch Hội trượt đất quốc tế đã đưa ra nền tảng kỹ thuật của Dự án và dự kiến các kết quả thực hiện trên cơ sở những nghiên cứu thực tế.

Công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất nhằm giảm thiểu thảm họa này trên các tuyến giao thông chính được phát triển thông qua hợp tác nghiên cứu trên cơ sở công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và khả năng để sử dụng có hiệu quả công nghệ đó tại VN. Mục tiêu tổng quan của dự án là xã hội hóa việc phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất và hệ thống cảnh báo sớm sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho các tuyến giao thông chính và khu vực dân cư miền núi của VN, ông Kyoji Sassa khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã giới thiệu cho các nhà khoa học của Nhật Bản và VN tham gia dự án các đoạn, tuyến đường của VN thường gặp hiện tượng thiên tai này. Thứ trưởng cũng lưu ý đoàn nghiên cứu thực hiện dự án không nên lắp đặt thí điểm hệ thống quan trắc cảnh báo riêng ở khu vực Sơn La mà nên chia đều ra nhiều địa phương khác; mời đoàn khảo sát nghiên cứu thực tế một số tuyến đường mà Bộ GTVT đang khảo sát thi công, góp ý về hướng tuyến cũng như các cảnh báo sớm về sụt trượt để kịp thời thay đổi hướng tuyến, tránh rủi ro.

Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cũng đề nghị các nhà khoa học từ Nhật Bản và VN, qua dự án này đưa ra những câu trả lời xác đáng vì lý do nào khu vực xảy ra trượt đất, đồng thời khuyến cáo người dân tại địa phương và có ý kiến tới chính quyền địa phương, Bộ GTVT và Chính phủ để có những điều chỉnh trong xây dựng hạ tầng cũng như sinh hoạt để phòng tránh cũng như cách khắc phục và xử lý hậu quả thiên tai...

Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cũng hy vọng đoàn nghiên cứu của JICA, Hội trượt đất quốc tế, Viện KH&CN GTVT sẽ đưa ra những nghiên cứu hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam nhằm hỗ trợ, bổ sung cho VN giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do sụt trượt đất gây ra.

 PV.Q.Lâm

 

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây