Đầu tư 1,8 tỷ USD, rút ngắn 4 tiếng tàu Bắc - Nam

Thứ ba - 29/10/2013 13:00. Xem: 120
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có đánh giá Báo cáo cuối cùng của JICA gửi Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc – Nam. Tổng công ty này cũng kiến nghị xây dựng mới một tuyến đường sắt cao tốc với phân kỳ đầu tư hợp lý.

 Không bỏ đường sắt hiện hữu


Theo nghiên cứu định hướng phát triển đường sắt Bắc - Nam trong 5 - 10 năm tới của JICA, không bỏ tuyến đường sắt hiện hữu mà nâng cấp để đáp ứng tốc độ 90km/h, đồng thời xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc mới…

Có 4 phương án nâng cấp tuyến đường sắt đơn khổ 1m hiện tại được JICA đưa ra. Trong đó, phương án A1 là các dự án đang được triển khai để đảm bảo an toàn chạy tàu với khổ đường đơn, không điện khí hóa, tốc độ tàu 90 km/h, thời gian chạy tàu từ Hà Nội – TP Hồ Chí Minh còn 29 giờ. Phương án A2 là tăng cường năng lực vận tải cho tuyến đường sắt đơn cũng với tốc độ 90km/h, thời gian chạy tàu 25 giờ 24 phút, năng lực khai thác 50 tàu/ngày đêm. Chi phí đầu tư ước tính bổ sung của phương án này là 1,8 tỷ USD.
 

 
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: 
Phương án của JICA còn một số điểm chưa phù hợp 

Trong báo cáo của JICA về tàu tốc độ cao còn nhiều điểm chưa thật phù hợp với điều kiện của Việt Nam như tốc độ tàu (lên tới 320km/h vào năm 2030) và thứ tự ưu tiên đầu tư các đoạn. Quan điểm của Bộ GTVT là hạ tầng phải được cải tạo trước, tuyến phải thẳng hơn, đóng bớt đường ngang dân sinh, nâng cấp cầu hầm. Hạ tầng phải làm cho tương lai còn tốc độ khai thác thì phải phân kỳ cho phù hợp với điều kiện thực tế của đầu máy toa xe, trình độ quản lý, trình độ nhân lực để trước hết là phải đảm bảo an toàn.

Phương án B1 nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam thành đường đôi (khổ 1m), không điện khí hóa, nâng tốc độ chạy tàu lên 120km một giờ, thời gian chạy 15,6 giờ, chi phí 14,5 tỷ USD. Cuối cùng là phương án B2 kết hợp đường đôi (sử dụng khổ đường 1.435 mm) và điện khí hóa để tốc độ chạy tàu tối đa đạt 150km/h trở lên, thời gian chạy 12,7 giờ, chi phí 27,7 tỷ USD.

Đánh giá các phương án này, JICA khuyến nghị, phương án A2 là có tính khả thi nhất xét trên cả hiệu quả kinh tế và cả phương diện kỹ thuật và thời gian hoàn thành là 2020 - 2025. 

JICA cũng khẳng định, ngay cả khi có đường sắt cao tốc, vai trò của tuyến đường sắt thường khổ 1m sẽ dành đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách cự ly trung bình, vận tải địa phương ở các đô thị lớn và gom khách cho đường sắt cao tốc. Tuyến đường này cũng đáp ứng được nhu cầu 50 – 60 đôi tàu/ngày vào năm 2030.
 
Phân kỳ đầu tư để làm đường sắt 320km/h

Riêng tuyến đường sắt cao tốc mới, JICA cũng đã nghiên cứu phân kỳ đầu tư để ngân sách ngành Giao thông có thể gánh được khoản đầu tư trong khi vẫn đảm bảo các dự án ưu tiên khác. Theo đó, sẽ khởi công năm  2030 và hoàn thành toàn tuyến sau năm 2040. Trong báo cáo JICA đưa ra để xây dựng ĐSCT tốc độ thiết kế tối đa 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h thì chi phí xây dựng đoạn ưu tiên phía Bắc (Hà Nội - Vinh, dài 284km, khai thác từ năm 2036) là 10,2 tỉ USD với đơn giá 35 triệu USD/km; đoạn ưu tiên phía Nam (TP HCM - Nha Trang dài 366km, khai thác từ năm 2031) là 9,9 tỉ USD với đơn giá 27,1 triệu USD/km.

Theo đại diện lãnh đạo TCT ĐSVN, nếu xác định đường sắt là phương tiện chủ đạo vận tải hành khách trên trục Bắc – Nam thì nên làm theo khuyến nghị của JICA, nâng cấp đường sắt hiện tại lên mức A2 và xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc mới (chỉ chạy tàu khách) với phân kỳ đầu tư hợp lý, phù hợp nguồn lực giai đoạn 5 – 10 năm tới và xa hơn. Cần đưa các khuyến nghị của JICA về cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại xây dựng tuyến mới vào Chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam và thực hiện khi có thể.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây