Vì sao Tổng cục ĐBVN đề xuất hơn 300 tỷ đồng sửa mặt cầu Thăng Long?

Thứ năm - 24/04/2014 13:00. Xem: 117
 Tổng cục Đường bộ VN vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT xin phê duyệt đầu tư xây dựng dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) với chi phí khoảng 313 tỷ đồng. 

 Ngày 24/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Thắng, Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, mặt cầu Thăng Long đã hỏng nhiều năm nay. Tổng cục Đường bộ VN và các đơn vị chức năng đã phải vá đi vá lại nhiều lần nhưng vẫn không triệt để. Bộ GTVT cũng đã báo cáo Chính phủ nguyên nhân mặt cầu không xử lý được là do kỹ thuật, công nghệ chưa đáp ứng được. Từ nhiều năm trước, lãnh đạo Bộ GTVT phải cử nhiều đoàn  sang học hỏi, tìm công nghệ của các nước Nga, Đức, Mỹ nhưng đều chưa phù hợp. Công nghệ Hall Brother của Mỹ cũng dự định áp dụng thử nghiệm tại cầu Thăng Long, nhưng theo đánh giá ban đầu cũng không hiệu quả.


Theo ông Thắng, sau khi đường Vành đai 3 giai đoạn 2 hoàn thành, còn dư một lượng vốn lớn, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng xin lập dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long theo công nghệ của Nhật Bản bằng nguồn vốn dư của dự án này. Lý do chọn công nghệ của Nhật Bản do công nghệ này đã được áp dụng rất thành công tại dự án cầu Cần Thơ. “Bộ GTVT đã cho nghiên cứu dự án, có lập báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ. Các chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành cả chục cuộc họp, mới có được báo cáo cuối cùng để trình Bộ GTVT. Còn phê duyệt hay không, thời gian triển khai thế nào, Bộ GTVT còn phải nghiên cứu mới quyết định” - ông Thắng nói.  

Theo tờ trình của Tổng cục Đường bộ VN, nếu được Bộ GTVT phê duyệt, đây được xem là đợt sửa chữa có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với những ứng dụng công nghệ mới của Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam. Mục tiêu đầu tư xây dựng là sửa chữa lớp phủ mặt cầu Thăng Long ở phạm vi tầng 2 trên các giàn nhịp thép. Theo đó, sẽ bóc bỏ toàn bộ phần bê tông nhựa và lớp chống thấm cũ, thay thế bằng lớp vật liệu mới có chiều dày tương đương và phải đảm bảo yêu cầu là chịu tác dụng của tải trọng xe, bảo vệ bản thép chống lại tác động oxy hóa và tạo ma sát chống trượt cho lớp bê tông nhựa bên trên.
 
 
 

Việc tổ chức thi công dự án được chia làm 2 giai đoạn là thi công thử nghiệm và thi công đại trà. Trong đó, giai đoạn thi công thử nghiệm kéo dài trong khoảng 6 tháng nhằm mục đích quan sát sự hoạt động của lớp phủ mặt cầu dưới điều kiện tải trọng giao thông thực tế; lựa chọn loại thiết kế hỗn hợp nhựa tốt nhất sử dụng cho công tác sửa chữa khi dùng các vật liệu địa phương trong điều kiện khí hậu ở Hà Nội; Xác nhận loại hỗn hợp nhựa lựa chọn và từng phương pháp thi công liên quan tới độ đàn hồi, độ dính bám, khả năng phòng nước và kháng lún; Kiểm định máy móc, xác định nhân công, vật liệu, đơn giá…

Giai đoạn thi công đại trà sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện khi thi công xong cầu Nhật Tân và cầu Vĩnh Thịnh để tổ chức phân luồng giao thông, điều tiết giao thông qua 2 cây cầu này. Cùng với đó, sẽ kết hợp sử dụng phần xe thô sơ ở tầng 1 của cầu Thăng Long và lắp đặt thêm cầu phao. Sẽ đóng toàn bộ tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ việc thi công sửa chữa mặt cầu và giám sát chặt chẽ chất lượng trong quá trình thi công. Khi đó, mặt cầu sẽ được rải lớp phủ theo từng lô (10 lô). Dự kiến, thời gian thi công trên công trường sẽ được rút ngắn từ 3,5 đến 4 tháng, thời gian giải thể dự kiến từ 0,5 đến một tháng.

Cơ quan quản lý dự án là Ban quản lý dự án 6 (thuộc TCĐBVN), Tư vấn lập dự án là Katahira & Engineers International. Thời gian thực hiện dự án từ 2014 - 2016.
 
Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây