Đặt hàng đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực GTVT

Thứ hai - 26/05/2014 13:00. Xem: 109
 Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực, giữa nhà trường và các doanh nghiệp cần có sự phối hợp mang tính chiến lược, dài hơi.

 Ông Trần Bảo Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GTVT cho biết: Theo quy hoạch nguồn nhân lực đã được phê duyệt, đến năm 2015 ngành GTVT cần khoảng 550.000 người. Đến năm 2020 số lượng nhân lực ước tăng lên hơn 630.000 người, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo là khoảng 97%.

Ước tính, đến năm 2020 tỷ lệ nhân lực cần được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ trong toàn ngành chiếm khoảng 30-35% trong tổng số nhân lực đã qua đào tạo. Như vậy số cần được nâng cao trình độ rất lớn.

Tuy nhiên, khi đánh giá về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho ngành GTVT hiện nay, tại cuộc tọa đàm "Kết nối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động" (Báo GTVT tổ chức chiều ngày 26/5), đa số các doanh nghiệp hàng đầu của ngành GTVT chưa thực sự hài lòng.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, chương trình đào tạo trong các trường hiện nay chủ yếu nặng về lý thuyết thời gian dài, thực hành chưa tương xứng. Nhiều em dù đã hoàn tất khóa học 4 năm, nhưng kinh nghiệm thực tế của các em rất thiếu.

 

Thừa nhận bất cập giữa đào tạo và thực tế chưa có sự ăn khớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ GTVT Nguyễn Hoàng Long cho biết: Yêu cầu công nghệ ngày càng cao, trong khi các chương trình giảng dạy của nhà trường bất cập do trang thiết bị có hạn. Mặc dù đã điều chỉnh rất nhiều, nhưng tỷ lệ giờ học giữa lý thuyết và thực hành vẫn là 60/40. Điều đó chứng tỏ hiện trạng đào tạo vẫn còn khoảng cách lớn với thực tiễn.

 

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 cho biết, để giải quyết tình trạng lao động sau khi được đào tạo về làm việc chưa đáp ứng được ngay, gần đây Cienco 4 đã trực tiếp đến các trường để hợp tác, đặt hàng để đào tạo; phối hợp với nhà trường tuyển dụng; hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn... 

Tổng công ty cũng đã nhiều lần làm việc với các trường để đào tạo thạc sỹ, trực tiếp tài trợ học bổng cho sinh viên loại giỏi. Chẳng hạn như năm 2013, Cienco 4 đã tài trợ sinh viên 95 cháu loại giỏi. Tổng công ty cũng phối hợp với các trường giới thiệu các công nghệ mới để nhà trường giới thiệu cho sinh viên phù hợp...

Tổng công ty cũng phối hợp với các trường đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án, công trình. Thực tế, khi được nhận vào làm việc, đa phần các em đều tiếp cận công việc nhanh và sau này gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Được biết, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện Bộ GTVT đang rà soát lại chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Đây là cơ sở để các trường trong ngành GTVT định hướng phát triển. 

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, giải quyết bài toán chất lượng nhân lực, giữa nhà trường và các doanh nghiệp cần có sự phối hợp mang tính chiến lược, dài hơi. Trước hết nhà trường phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch để đặt hàng cụ thể với nhà trường.

Theo ông Thọ, khi đã đào tạo theo nhu cầu, đào tạo theo địa chỉ thì phải đào tạo đúng nhu cầu của lĩnh vực ấy một cách toàn diện, kể cả đào tạo đạo đức. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, tạo ra sức mạnh để đem lại hiệu quả, lợi nhuận cho doanh nghiệp, đơn vị…

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây