Giải bài toán hành lang đường bộ, đường sắt khi .. không có tiền

Thứ hai - 14/07/2014 13:00. Xem: 124
 Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo trước mắt tập trung vào những công việc cần thiết nhất mà không cần chi phí hoặc rất ít chi phí để lập lại TTAT hành lang đường bộ, đường sắt.

 

 

Nhà dân ăn sát ngay mặt đường trên nhiều tuyến đường vừa được xây dựng, đặc biệt qua các thành phố, khu dân cư
Nhà dân ăn sát ngay mặt đường trên nhiều tuyến đường vừa được xây dựng, đặc biệt qua các thành phố, khu dân cư

Dọn hành lang an toàn dọc QL và đường sắt 

Bộ GTVT chiều 14/7 đã họp bàn kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về lập lại trật tự an toàn (TTAT) hành lang đường bộ, đường sắt.

Kế hoạch 994 này thay thế hoàn toàn kế hoạch theo Quyết định 1856 của Thủ tướng chính phủ trước đây. Theo báo cáo của Phó vụ trưởng Vụ Kết cắu hạ tầng (Bộ GTVT) Trần Quốc Toản, theo kế hoạch 994, việc thu hồi đất chỉ thực hiện trong phạm vi từ 1-3m đất dọc theo 2 bên đường bộ, và 5m dọc đường sắt, thuộc phạm vi “đất đường bộ” và “đất đường sắt”. Phần đất bên trong rộng từ 15-35m tùy theo cấp đường thuộc phạm vi đất “hành lang ATĐB”, chỉ giải tỏa những vị trí đặc biệt để đảm bảo tầm nhìn.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN nhận định kế hoạch này có tính khả thi cao hơn bởi phần diện tích 1-3m dọc 2 bên đường bộ từ vai đường trở ra, hầu hết đã được đền bù rồi, khi triển khai thi công dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng thực tế đường qua các khu dân cư phần diện tích này vẫn không đảm bảo được, nhà dân nhiều chỗ ra đến sát mép đường. Mốc cắm cọc 1-3m cũng rất nhạy cảm, nếu không quản lý, tuyên truyền tốt thì dân có thể hiểu là mốc có thể làm nhà được, như với mốc 7m trước đây.

Ông Trường cho rằng, phải xây dựng lộ trình để làm dần từng bước, không chỉ mất 5 năm, mà 10 hay 15 năm thì cũng phải làm, tập trung vào các quốc lộ trục chính trước.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu cũng cho rằng muốn thu hồi toàn bộ đất hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, phải có kế hoạch rất cụ thể, phải phối hợp chặt chẽ với từng địa phương. Việc gì phụ thuộc nhiều vào kinh phí thì phải có lộ trình vì Quyết định 994 không ghi kinh phí, xin bố trí vốn lúc này rất khó vì ngân sách rất eo hẹp.

Tại cuộc họp, thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu, mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2020 lập lại được trật tự các hành lang ATGT. Việc này khó nhưng khi triển khai Quyết định 1856 đã làm được 1 phần, nay cần cập nhật bổ sung lại và triển khai tiếp. 

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng đây là việc hết sức cần thiết để thực hiện Chiến lược về ATGT giai đoạn từ năm 2014 – 2020. Song trong điều kiện nguồn lực rất hạn chế, đặc biệt vốn ngân sách đến 2016 đã phân chia xong, thì phải hết sức cân nhắc cách làm.

Cấp thiết nhất mà không cần nhiều tiền thì phải làm ngay

Bộ trưởng chỉ đạo "Vấn đề bây giờ là cách chúng ta làm. Phải xác định việc nào cần thiết nhất mà không cần tiền hoặc cần rất ít tiền để làm ngay". 

Từ nay đến 2016, theo Bộ trưởng, chỉ tập trung mạnh vào tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng quy hoạch và thỏa thuận đấu nối đường ngang với quốc lộ, cắm mốc giới bàn giao cho địa phương, rà soát cắm lại hệ thống biển báo giao thông..

Những việc cần phải có tiền, cần nhiều tiền mới làm được  như giải tỏa, đền bù, tổ chức tái định cư, đầu tư xây dựng mới... thì phải để sau 2016.

Với đường sắt, Bộ trưởng đề nghị cũng theo cách triển khai như vậy. Ông yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp điều độ lại giờ chạy tàu tránh giờ cao điểm qua các khu dân cư đông đúc; tổ chức lại giao thông, phân luồng phân làn, quy định giờ giấc cho phép xe chạy cho hợp lý để giải tỏa bớt khó khăn về giao thông hiện nay.

Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây