Bộ trưởng báo cáo Chủ tịch nước về một số dự án giao thông

Thứ năm - 31/07/2014 13:00. Xem: 133
Chiều ngày 1/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tình hình thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn hai tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT tại Phủ Chủ tịch.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT tại Phủ Chủ tịch.
 
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, sau khi đến thăm và làm việc tại Hải Phòng và Quảng Ninh, lãnh đạo các địa phương này bày tỏ rất quan tâm tới các dự giao thông đang triển khai trên địa bàn. Tại các buổi làm việc với Chủ tịch nước, hai địa phương đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT trong việc triển khai, hiện thực hóa các quy hoạch về hệ thống giao thông quan trọng trên địa bàn như: cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện, Cái Lân, hệ thống đường sắt Hà Nội – Quảng Ninh… 
 
Đây cũng chính là lý do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang muốn làm việc với Bộ GTVT để nắm bắt một cách toàn diện về quy hoạch, tiến độ và kế hoạch triển khai các dự án nêu trên.
 
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không thiếu vốn
 
Báo cáo Chủ tịch nước về Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đây là công trình quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Dự án có chiều dài hơn 105km, với 6 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h. Tổng mức đầu tư tại thời điểm phê duyệt là 24.566 tỷ đồng, nhưng hiện đang được điều chỉnh do phát sinh khối lượng (kéo dài dự án, thêm cầu chui và cầu vượt tại các nút giao) và trượt giá nên đến thời điểm hiện nay mức đầu tư khoảng 44.522 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
 
Giải đáp băn khoăn của Chủ tịch nước về suất đầu tư, Bộ trưởng cho biết, suất đầu tư tại dự án này là 354 tỷ đồng/km, thấp hơn với cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
 
Về suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, ngay buổi sáng nay trong buổi làm việc với Bộ GTVT, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) đã đánh giá suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam tương đương với các nước, không cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới. 
 
Về tiến độ của Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Bộ trưởng cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành hơn 64% khối lượng, cơ bản hoàn thành công tác GPMB, thiết kế kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật đối với các gói thầu xây lắp. 
 
Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo hoàn thành dự án để có thể thông xe đoạn tuyến Hải Phòng – Hải Dương vào tháng 12/2014 và thông xe toàn tuyến trong năm 2015.
 
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được đẩy nhanh thi công để bảo đảm thông xe vào năm 2015.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được đẩy nhanh thi công để bảo đảm thông xe vào năm 2015.
 
Chủ tịch nước cho biết, trong chuyến làm việc vừa qua, lãnh đạo Hải Phòng tỏ ra lo ngại những khó khăn về vốn có thể ảnh hưởng đến tiến độ của dự án này? Báo cáo Chủ tịch nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, đến thời điểm này đã huy động đủ vốn cho dự án:
 
“Việc huy động phần vốn vay đã cơ bản đáp ứng cho dự án và cũng đã có phương án đàm phán đủ toàn bộ chi phí dự án, kể cả phần trượt giá. Đến nay, đã huy động từ trong nước 12 nghìn tỷ đồng và huy động được từ các tổ chức tài chính nước ngoài 570 triệu USD và đang đàm phán để vay 1.030 triệu USD từ các ngân hàng của Pháp và Trung Quốc, Ấn Độ…”.
 
Bộ trưởng cũng cho biết, công tác GPMB tại dự án này cũng cơ bản hoàn thành. Hiện chỉ còn vướng tại một số ít các nút giao.
 
Điều chỉnh quy hoạch sân bay Cát Bi để tiết kiệm chi phí
 
Về dự án sân bay Cát Bi, Bộ trưởng cho biết, theo quy hoạch trước đây, đến năm 2015, sân bay này sẽ có công suất nhà ga 2 triệu lượt hành khách/năm và được quy hoạch là một trong mười cảng hàng không quốc tế của cả nước. Do quá trình cải tạo nâng cấp gặp một số khó khăn nên Bộ GTVT đã nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng nhu cầu khai thác và phát triển, tiết kiệm chi phí.
 
Theo quy hoạch điều chỉnh mới, sẽ xây mới đường cất hạ cánh số 2 song song với đường cất hạ cánh hiện hữu và công suất của nhà ga hành khách được nâng lên mức 4 – 5 triệu lượt hành khách/năm. Để triển khai quy hoạch mới này, cảng Cát Bi sẽ được chia làm 2 nhóm dự án gồm: 
 
Đầu tư phát triển khu sân bay với các hạng mục như: xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay. Các dự án này sẽ do UBND TP.Hải Phòng đầu tư với tổng mức đầu tư 3.660 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công vào tháng 3/2013 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2015.
 
Phần đầu tư phát triển khu hàng không dân dụng gồm: nhà ga hành khách sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không VN làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.190 tỷ đồng. Bên cạnh đó là dự án Đài kiểm soát không lưu do Tổng công ty Quản lý bay VN làm chủ đầu tư với tổng mức xấp xỉ 79 tỷ đồng. Nhóm dự án này dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 10 năm nay và hoàn thành trong năm 2015.
 
Năm 2030, tổng hàng hóa qua các cảng Hải Phòng sẽ đạt 100 triệu tấn
 
Về việc kết nối và triển khai các dự án cảng biển nước sâu phía Bắc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt và triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, gồm hai hợp phần: Xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho cảng trong các giai đoạn như: luồng tàu, vùng quay tàu, đê chắn sóng và chắn cát, đường ngoài cảng…
 
Bên cạnh đó là hợp phần đầu tư 2 bến với chiều dài 750 mét và các trang thiết bị khai thác, xếp dỡ cho tàu có tải trọng đến 100 nghìn DTW (tải trọng tổng cộng trên tàu).
 
Cả hai hợp phần của dự án này đều sẽ hoàn thành trong năm 2017. Sau khi hoàn thành, lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ tăng thêm từ 12,8 – 13,1 triệu tấn, đạt công suất 35 triệu tấn/năm trong giai đoạn đến năm 2030. 
 
Với việc hoàn thành toàn bộ dự án này, đến năm 2017, tổng lượng hàng thông qua cảng biển Hải Phòng sẽ đạt 72,8 – 73,1 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ đạt 95 – 100 triệu tấn.
 
Lạch Huyện sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc.
Lạch Huyện sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc.
 
Để kết nối cảng cửa ngõ Lạch Huyện với KCN Đình Vũ và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư xây dựng đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện với chiều dài 15,63km và dự kiến hoàn thành tháng 5/2017. Hiện nay, Quảng Ninh cũng đang xúc tiến nối từ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng xuống Hạ Long. Nếu tuyến này được triển khai sẽ giảm 60 km từ Hà Nội đi Hạ Long.
 
Về chủ trương nâng cao hiệu quả khai thác cảng Cái Lân (Quảng Ninh) được đưa vào khai thác từ tháng 8/2012 nhưng đến nay chưa khai thác đúng với khả năng, Bộ trưởng cho biết: “Sở dĩ việc khai thác chưa đạt được mong muốn là do tác động từ sự suy giảm hoạt động hàng hải, thương mại thế giới và khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải biển. Vì vậy, phải đến năm 2019 mới bắt đầu có lãi thay vì từ năm 2015 như kế hoạch. Theo báo cáo, các đơn vị thuê khai thác là Vinalines và cảng Quảng Ninh khó có khả năng góp vốn bổ sung do những khó khăn về tài chính. Trong trường hợp xấu nhất sẽ phải thoái vốn của phía Việt Nam trong liên doanh”.
 
Tập trung phát triển cảng nước sâu Lạch Huyên
 
Về hệ thống đường sắt Hà Nội – Quảng Ninh và các tỉnh liên quan, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã hoạch định các tuyến đường sắt chủ đạo kết nối giữa các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh và với các tỉnh thành khác trong vùng. Trong các tuyến đường sắt đã được quy hoạch nêu trên, hiện mới đang triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân với chiều dài 129 km và chia làm 4 tiểu dự án. Do thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP nên 3 tiểu dự án đang bị giãn tiến độ đến sau năm 2015, chỉ bố trí vốn để hoàn thành Tiểu dự án 1 (Hạ Long – Cái Lân)…
 
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những nỗ lực của ngành GTVT và sự chỉ đạo quyết liệt của cá nhân Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đưa ra những gợi ý trong việc thực hiện các dự án nêu trên như: cần nghiên cứu thêm về suất đầu tư đường cao tốc; cân nhắc việc lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý để không chỉ bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà còn bảo đảm mục tiêu an ninh quốc phòng…
 
Về hệ thống cảng biển, Chủ tịch nước cho rằng nên tập trung phát triển cảng nước sâu tại Lạch Huyện. Đối với các cảng còn lại có thể xem xét thực hiện các chức năng khác như du lịch để bảo đảm sự văn minh, trật tự.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây