|
Vận tải đường sắt sẽ được tái cơ cấu theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình
(ảnh chụp cải tạo đường ke ga trong ga Hà Nội) |
Tái cơ cấu mạnh mẽ, toàn diện các lĩnh vực
Theo Đề án tái cơ cấu ngành GTVT vừa được Chính phủ phê duyệt, cả 5 lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thuỷ và hàng không sẽ được tái cơ cấu toàn diện, triệt để.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành GTVT mới được Thủ tướng phê duyệt, lĩnh vực đường bộ, phấn đấu đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh đạt khoảng 54,4%.
Vận tải đường sắt sẽ được tái cơ cấu theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình.
Về đường thủy nội địa, tái cơ cấu theo hướng chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn.
Vận tải đường biển sẽ tái cơ cấu theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải biển tuyến Bắc - Nam.
Về hàng không, tái cơ cấu vận tải hàng không theo hướng nâng thị phần hàng không giá rẻ, có khả năng cạnh tranh, tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế.
|
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Hoằng cho biết, Bộ GTVT đang tiến hành xây dựng riêng một chương trình hành động để triển khai Đề án tái cơ cấu ngành GTVT. Chương trình này sẽ tập trung vào 10 nội dung nhằm tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chủ trương, nội dung Đề án đến tất cả các cơ quan đơn vị trực thuộc.
Chương trình hành động cũng chú trọng vào đổi mới thể chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về quy hoạch. Bên cạnh đó, còn hàng loạt vấn đề khác như đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, khai thác có hiệu qủa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; tăng cường quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành GTVT, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực.
Đối với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, ông Hoằng khẳng định, sẽ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn theo từng chuyên ngành… Ngành GTVT cũng ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng kết nối các phương thức vận tải. Trong đó chú trọng kết nối đường sắt với cảng biển, cảng sông chính; vận tải hành khách công cộng đô thị với nhà ga đường sắt, cảng hàng không; đầu tư các công trình hậu cần vận tải container lớn tại các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là các cảng cạn có kết nối đường sắt, đường thuỷ nội địa…
|
Vận tải đường biển sẽ tái cơ cấu theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương |
Ưu tiên số một là tái cơ cấu, đổi mới thể chế chính sách
Chỉ đạo triển khai Đề án, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Tái cơ cấu ngành phải trên cơ sở tái cơ cấu từng lĩnh vực. Ngành GTVT phải kết nối được các lĩnh vực với nhau thành một thể thống nhất. Thực hiện tái cơ cấu ngành GTVT, phải triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu vận tải, tái cơ cấu thể chế chính sách để quản lý phát triển, đầu tư phát triển, quản lý khai thác.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh ưu tiên số một là tập trung tái cơ cấu, đổi mới thể chế chính sách phát triển GTVT trên tất cả các lĩnh vực từ đầu tư phát triển, quản lý, ATGT... “Không đổi mới được thể chế chính sách thì không thu hút được đầu tư phát triển. Không thay đổi được tư duy quản lý thì sẽ chỉ ăn đong” - Bộ trưởng nói.
Một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới thể chế chính sách, Bộ trưởng phân tích: Yêu cầu kết nối các phương thức vận tải nhưng quan trọng là chúng ta phải đưa ra được thể chế chính sách để phát triển vận tải đa phương thức. “Chúng ta cứ nói là làm vận tải đa phương thức đi nhưng cơ chế nào để doanh nghiệp đầu tư?” - Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Cùng với đổi mới thể chế chính sách, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Mục tiêu là tất cả các lĩnh vực giảm từ 20-50% thủ tục hành chính. Phải rà soát lại cụ thể từng lĩnh vực.
Nguồn: Giaothongvantai.com.vn