Không còn nỗi lo con nước dữ Khe Ang

Thứ ba - 19/08/2014 13:00. Xem: 139
Ngày 19/8, những người thợ cuối cùng thi công cầu Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã rút khỏi công trường để chuẩn bị thông xe kỹ thuật cây cầu sau 5 tháng thi công. Lễ khánh thành cầu Khe Ang dự kiến sẽ được tổ chức đúng vào ngày khai giảng năm học mới. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm thầy, cô, học trò của xã Nghĩa Hồng cũng như hàng vạn người dân nơi đây không còn cảnh lội tràn, thấp thỏm nỗi lo an toàn sinh mạng nơi dòng Khe Ang mỗi khi mùa mưa về...

 

Tràn Khe Ang - con tràn tử thần đã cướp đi sinh mạng của nhiều người
Tràn Khe Ang - con tràn tử thần đã cướp đi sinh mạng của nhiều người

Bữa ni hết cơ hội lên báo...

Gần một năm sau sự cố trôi xe tại Khe Ang, chúng tôi trở lại nơi đây, bà Lê Thị Huệ, người dân sống ngay cạnh bờ Khe Ang, nơi ngôi nhà của bà cũng đã trở thành “Sở chỉ huy” việc tìm kiếm nạn nhân trôi xe năm trước. Chỉ có điều, tâm trạng của bà Huệ năm nay đã khác: “Rứa là bữa ni sắp có cầu đi rồi đó chú hầy! Chắc dì con ta nỏ còn có dịp gặp nhau”. Chồng bà, ông Nguyễn Ngọc Bân đang ngồi tuốt lá dừa làm chổi cũng góp chuyện: “Mấy hắn mần cái cầu nhanh quá, tính ra 150 ngày, cầu xong tôi chắc cũng hết cơ hội xuất hiện trên ti vi, trên báo như năm trước, cũng chẳng còn phải nửa đêm dậy lo cứu người cứu xe như mấy chục năm qua, bữa ni mời nhà báo ăn gà Nghĩa Hồng chia vui nhé”. 
Theo thống kê của UBND tỉnh Nghệ An,  năm 2011, nước lũ đã gây ra 48 vụ trôi xe, năm 2012, 30 xe máy và một xe ô tô con cũng bị nước cuốn trôi, trong đó vụ trôi ô tô làm hai người chết, mất tích. Gần đây nhất, vào ngày 19/9/2013 (Rằm tháng 8 Âm lịch), chiếc ô tô 7 chỗ, chở 7 người trong một gia đình, bị dòng nước dâng nhanh cuốn xuống lòng Khe Ang khiến năm người thiệt mạng.  

Trong câu chuyện, ông Bân, bà Huệ nói với chúng tôi về sự vui mừng của người dân được đáp ứng sự khao khát có một cây cầu nơi đây giờ đã thành hiện thực: “Ngày nào cũng có người lên đó coi anh em họ làm cầu, bữa lao dầm, cả trăm người ra xem”, ông Bân nói. 

Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hồng, ông Đinh Văn Minh xúc động chia sẻ: Cầu Khe Ang được xây dựng không chỉ xóa đi một “điểm đen”  mất ATGT mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội của gần bốn vạn dân thuộc xã Nghĩa Hồng và các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh.

Đã tham gia thi công không nhiều công trình nhưng với cầu Khe Ang, kỹ sư Vương Đình Hà, người chịu trách nhiệm TVGS công trình cho chúng tôi biết về tình cảm của người dân trong vùng đối với công nhân thi công. Đó là chuyện những ngày thời tiết đổ lửa, nhìn những công nhân thi công cầu lưng đẫm mồ hôi, chỉ hở hai con mắt và bàn tay, người dân hai bên bờ Khe Ang đã pha nước chanh cùng đá lạnh tiếp sức cho họ. Còn ngôi nhà của vợ chồng ông Bân, bà Huệ vừa là nơi nghỉ trọ, vừa là bếp ăn tập thể lúc đông thì trên 20 người, lúc vắng cũng phải đôi mâm. Bà Huệ cũng là người cùng em gái đứng ra nấu cơm cho công nhân, cán bộ thi công từ khi khởi công công trình đến nay với tinh thần anh em đưa tiền để đi chợ và nấu phục vụ chứ không lấy công.
 
Cầu Khe Ang hoàn thành giúp người dân xóa đi nỗi lo mùa nước lũ
Cầu Khe Ang hoàn thành giúp người dân xóa đi nỗi lo mùa nước lũ

150 ngày thi công và dấu ấn đầu tay của chàng kỹ sư trẻ 

Sinh năm 1989, sau ba năm tốt nghiệp khoa Cầu đường ở Anh, chàng trai 25 tuổi, kỹ sư Bùi Thanh Bình được vinh dự giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng công trường thi công cầu, Công ty Cổ phần đầu tư 468. Với cá nhân Bình, quy mô của cầu không lớn, nhưng quá trình thi công, yêu cầu kỹ thuật lại đòi hỏi phức tạp. Không chỉ vậy còn là áp lực về tiến độ vượt mùa mưa để người dân bớt nỗi lo con nước hung dữ tràn về. Vì vậy, trong năm tháng thi công, Bình chỉ vẻn vẹn ba lần về nhà, dù quãng đường chỉ cách công trường gần ba giờ đi xe máy

Trước thắc mắc của chúng tôi về tiến độ hoàn thành công trình chỉ bằng 1/3 tiến độ đề ra, Chỉ huy trưởng Bùi Thanh Bình cho biết: Ngoài chuyện thuộc lòng quy mô thiết kế dự án, tiêu chuẩn thi công để xây dựng biểu đồ tiến độ thì cách tổ chức thi công chính là yếu tố quyết định.
 
Cầu Khe Ang được xây dựng tại Km 46+300 trên Tỉnh lộ 531 cách vị trí Tràn Khe Ang 100m. Dự án do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông VINACO, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư 468 và Công ty CP Hồng An chịu trách nhiệm thi công.

Cầu được thiết kế bằng bê tông cốt thép, bố trí ba nhịp (3x24m), chiều dài cầu tính đến đuôi mố 81m, bề rộng cầu 9m. Cầu có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, đường hai đầu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp 4, nguồn vốn được hỗ trợ từ Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư, vốn khắc phục lụt bão, ngân sách tỉnh.

Tại công trình này, cách mà đơn vị thi công lựa chọn là tập trung hoàn thành phần hạ bộ cầu trước khi lũ tiểu mãn về. Cùng với đó, việc nhà thầu chủ động phương tiện và con người triển khai thi công với hai mũi độc lập từ hai đầu cũng được áp dụng. 

Kỹ sư Vương Đình Hà cho biết thêm: Ngoài chuyện nhà thầu bố trí nhiều mũi thi công độc lập, tăng cường làm ba ca, không kể thời tiết nắng nóng có thời điểm nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ anh em vẫn làm việc thì vật liệu được tập kết ngay tại công trường, sử dụng bê tông tươi thay vì bố trí lực lượng tự trộn. Việc kiểm soát tiến độ cũng được tranh thủ ngay cả trong bữa cơm chiều mỗi ngày: “Cũng chính bởi biện pháp thi công hợp lý, linh hoạt mà ngày 22/3 khởi công, đến tháng 4, nhà thầu thi công xong cọc khoan nhồi và bệ trụ. Một tháng sau đó xong  hai mố trụ đầu cầu cùng  hoàn thiện đúc 12 phiến dầm I 24. Tháng 6 thi công thân trụ, thân mố, tháng 7 lao toàn bộ dầm để 19/8 thông xe kỹ thuật”, kỹ sư Hà vanh vách đọc cho PV tiến độ của công trình.

Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư 468, Đàm Anh Tài cho biết: “Đây là công trình mang tính nghĩa tình của ngành Giao thông chia sẻ với nhân dân các xã trong khu vực. Vì thế, ngoài chuyện tiến độ thì đơn vị thi công cũng hết sức nghiêm túc trong việc thi công nhằm mục đích đưa công trình vào sử dụng đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật cao”.

Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ cho rằng, với yêu cầu cấp bách, nhà thầu Công ty Cổ phần đầu tư 468 và Hồng An đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Sở GTVT giao bằng việc ngày đêm quyết liệt, vượt khó thi công hoàn thành công trình về đích trước mùa mưa, giúp người dân an toàn và thoát khỏi cảnh cô lập ốc đảo. Đây không chỉ xem như một một món quà tặng cho ba vạn dân trong vùng, mà còn góp phần phá thế đứt mạch từ đường tỉnh 531 nối QL48 với QL15 và đường Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa và xuống Quỳnh Lưu. Sở GTVT sẽ coi đây là một trong những tiêu chí để ưu tiên hai đơn vị tham gia xây dựng công trình trong việc tham gia các dự án chỉ định thầu tại địa phương trong thời gian tới.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây