Trị xong \"bệnh\" hằn lún vệt bánh xe trên QL1 Vinh - Hà Tĩnh

Chủ nhật - 26/10/2014 13:00. Xem: 161
Áp dụng biện pháp dùng bê tông nhựa polymer thảm mặt đường kết hợp với thiết kế cấp phối phù hợp, đến nay, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (CIENCO 4), chủ đầu tư dự án BOT mở rộng QL1 đoạn Vinh - Hà Tĩnh, tuyến tránh TP Vinh đã cơ bản khắc phục được tình trạng hằn lún vệt bánh xe xảy ra tại hai đoạn tuyến trên.

 

 

Sau hơn một năm triển khai thi công, ngày 19/1/2014, Dự án mở rộng QL1 đoạn Vinh - Hà Tĩnh được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đường này đã xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) khiến nhiều đoạn bị trồi sụt, lún sâu đến 5-6cm. Tương tự, đoạn tránh TP Vinh cũng xuất hiện tình trạng trên. Sau khi nắm được thông tin, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu thi công phải nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục.  

Trong bối cảnh nguyên nhân chính của hiện tượng HLVBX chưa được cơ quan chức năng, các chuyên gia chỉ rõ, CIENCO4 phải tự tìm biện pháp xử lý. Đơn vị đã phối hợp với Trường Đại học GTVT, Viện KHCN GTVT, các chuyên gia nước ngoài cùng nghiên cứu lựa chọn công nghệ, vật liệu đặc biệt khắc phục HLVBX. 

Từ đầu tháng 7/2014, CIENCO 4 đã tiến hành cào bóc, thảm lại mặt đường bằng bê tông nhựa polymer kết hợp với thiết kế cấp phối hợp lý đối với những đoạn mặt đường hằn lún trên tuyến Vinh - Hà Tĩnh và tuyến tránh TP Vinh. Bên cạnh đó, đơn vị còn thí điểm sử dụng thêm một số phụ gia theo đề xuất của chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu mức nhiệt độ hóa mềm và chịu đựng tình trạng xe quá tải phức tạp.
 
Chiều 25/10, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại đoạn đường qua thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), nơi trước đây mặt đường có nhiều vị trí bị lún sâu đến 4-5cm, xuất hiện nhiều các vệt sống trâu, gợn sóng kéo, nhưng nay đã được thảm lại bằng lớp bê tông nhựa polymer giúp các phương tiện lưu thông qua đây dễ dàng, thuận lợi và đảm bảo an toàn. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng Giám đốc CIENCO 4 cho biết, đến thời điểm này, những đoạn mặt đường bị lún từ 2 cm trở lên của tuyến tránh TP Vinh và đoạn Vinh - Hà Tĩnh đều được chủ đầu tư khắc phục sửa chữa xong. “Qua theo dõi trong 4 tháng qua, chúng tôi nhận thấy, tất cả những vị trí được thảm lại bằng bê tông nhựa polymer đều không thấy xuất hiện trở lại hiện tượng hằn lún”, ông Hoa nói. 

Cũng theo ông Hoa, để xử lý, khắc phục HLVBX, đơn vị đã thảm lại gần 34 nghìn m2 mặt đường, trong đó có hơn 31nghìn m2 polymer, trên 2 nghìn m2 bê tông nhựa có thí điểm phụ gia.

Về mặt kỹ thuật, ông Hoa lý giải, khi sử dụng nhựa polymer kết hợp với thiết kế cấp phối hợp lý (dùng đá ở TX Hồng Lĩnh), kết quả thí nghiệm cho thấy mẫu thấp nhất, quay chạy đến 40 nghìn  lượt của thí nghiệm mới hằn lún 7,5mm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 20 nghìn lượt đạt12,5mm. Mỗi loại nhựa sử dụng một loại đá, hỗn hợp cấp phối khác nhau. Đá ở một số mỏ tại TX Hồng Lĩnh phù hợp cho cấp phối dùng nhựa polymer, còn đá ở Hoàng Mai lại thích hợp dùng cho cấp phối bê tông nhựa thông thường. 

“Đến thời điểm này, giải pháp dùng nhựa polymer kết hợp với cấp phối hợp lý mà CIENCO 4 áp dụng để khắc phục HLVBX bước đầu thành công. Đây là một trong những giải pháp mà chúng tôi sẽ ưu tiên để lựa chọn trong thời gian tới. Tuy nhiên, CIENCO4 sẽ tiếp tục nghiên cứu các biện pháp để làm sao tổng thể cường độ chịu lực của mặt đường phải tốt hơn, tránh được hiện tượng vệt hằn, nhưng vẫn đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư”, ông Hoa chia sẻ.
 Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây