Nâng cao chất lượng đường cao tốc Việt Nam

Thứ năm - 27/11/2014 12:00. Xem: 124
Để góp phần từng bước bảo đảm, nâng cao chất lượng đường cao tốc Việt Nam, ngày 26/11, Bộ GTVT đã phối hợp với Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng đường cao tốc nhìn từ nhiều phía”.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội thảo

Chất lượng đường cao tốc chưa đảm bảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, xây dựng đường cao tốc hiện đang gặp phải một số khó khăn như: Huy động nguồn lực đầu tư tài chính; thiếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ về đường cao tốc, hệ thống tiêu chuẩn đường cao tốc; quản lý, khai thác, vận hành đường cao tốc…

Bên cạnh đó chất lượng đường cao tốc là cả một vấn đề, ông Trịnh Viết Linh (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT) nhận định, thời gian gần đây, nhiều tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng, chỉ sau thời gian ngắn đã xuất hiện tình trạng lún, nứt. Ngoài yếu tố chủ quan do việc thảm mặt đường khó đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thì nguyên nhân khách quan là do nhiều tuyến cao tốc được xây dựng trên nền đất yếu nên chất lượng không đảm bảo, còn nhiều sự cố vẫn chưa xử lý dứt điểm được.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Doãn Minh Tâm, chuyên gia nghiên cứu nền đất của ngành GTVT chia sẻ, hiện tại yêu cầu phòng chống đất lún trên đường cao tốc chưa đạt yêu cầu. Trong các tuyến cao tốc đã được xây dựng, đến nay mới chỉ có 10 - 15% tuyến đường đáp ứng yêu được yêu cầu có xây dựng các công trình phòng hộ chống sụt lún. Nhiều công trình phòng chống đất lún chưa đạt mức độ kiên cố hóa theo TCVN 9861:2013 (Tiêu chuẩn quy định các công trình hoặc phi công trình được xây dựng cùng với đường cao tốc để phòng ngừa đất lún và xử lý, khắc phục khi lún xảy ra trong quá trình khai thác).

Xây dựng đường cao tốc cần có giải pháp đồng bộ

Theo GS. TS. Trần Đình Bửu – Trường Đại học Xây dựng, thi công đường cao tốc cấp cao đòi hỏi một sự đồng bộ, toàn diện trong các khâu trọng yếu như: Chuẩn bị mặt bằng thi công đầy đủ và sẵn sàng; các loại vật liệu và bán thành phẩm đạt chất lượng; công nghệ thi công thích hợp, tiên tiến theo quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn liên quan; máy móc thiết bị thi công đầy đủ và đồng bộ; đội ngũ công nhân và kỹ thuật viên lành nghề; Nhà thầu đủ năng lực và có kinh nghiệm; Tư vấn giám sát có trình độ, công tâm, có trách nhiệm và đại diện chủ đầu tư có phương pháp quản lý tốt, khoa học, kịp thời…

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng trong xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam, Thạc sĩ Ngô Lâm – Cục Giám định Nhà nước và Chất lượng (Bộ Xây dựng) đề xuất: Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần tăng cường công tác giám sát kiểm tra chất lượng các công trình theo định kỳ; rà soát lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tế; rà soát các quy trình, quy định và bổ sung các thông tư cần thiết về đảm bảo chất lượng.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu các dự án giao thông tăng gấp đôi thời gian bảo hành so với trước đây. Theo đó, các chủ đầu tư, nhà thầu không dám làm bừa, làm ẩu. Chất lượng công trình cũng từ đó được tăng lên, loại bỏ các nhà thầu yếu kém, làm ăn gian dối.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng khoảng 2.235km đường ô tô cao tốc, với tổng vốn dự kiến là 355.490 tỷ đồng; sau năm 2020, xây dựng tổng cộng khoảng 3.518km đường ô tô cao tốc với tổng vốn dự kiến 410.730 tỷ đồng. Hiện, Việt Nam mới có 543km đường cao tốc, nếu tính cả các dự án đang triển khai thì đến 2020 mới có tổng số 1.097km.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây