Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải đường sắt

Thứ tư - 11/02/2015 12:00. Xem: 103
Phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao; bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả - đây là mục tiêu hướng đến của Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Theo Chiến lược này, đến năm 2020, đáp ứng khoảng 1% đến 2% thị phần vận tải hành khách và 1% - 3% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng được khoảng 4% - 5% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tuyến đường sắt hiện có được tập trung đầu tư nâng cấp, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90 km/giờ đối với tàu khách và 50 - 60 km/giờ đối với tàu hàng; nâng cao năng lực, chất lượng vận tải và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn. Đầu tư, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại các điểm giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 milimét, điện khí hóa trên trục Bắc-Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.

Đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ, Hải Phòng - Lạch Huyện, các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối các tỉnh Tây Nguyên với cảng biển, đường sắt Vũng Áng - Cha Lo (Mụ Giạ) để kết nối với đường sắt của Lào tại Thà Khẹt, đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh kết nối với đường sắt Xuyên Á.

Giai đoạn này ưu tiên đầu tư các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, phù hợp với quy hoạch và khả năng huy động vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chiến lược đề ra mục tiêu đáp ứng khoảng 3% - 4% thị phần vận tải hành khách và 4% - 5% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng khoảng 15% - 20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2050 sẽ đáp ứng tối thiểu 5% - 8% thị phần vận tải hành khách và 5% - 6% thị phần vận tải hàng hóa.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra các giải pháp cần phải thực hiện như tăng cường công tác quản lý nhà nước; huy động nguồn vốn, phát triển nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp đường sắt...

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây