Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Trạm KTTTX đường bộ

Thứ ba - 07/04/2015 13:00. Xem: 184
Sáng 7/4, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về Đề án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định số 1502/QĐ-TTg ngày 11/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

 Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KTTTX; hạn chế tối đa tiến tới không còn xe quá tải, bảo vệ công trình đường bộ, đảm bảo khai thác an toàn, êm thuận; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình giao thông, giảm chi phí sửa chữa hư hỏng của cầu đường và duy trì tuổi thọ của công trình.

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Trạm KTTTX đường bộ

Đại diện đơn vị Tư vấn báo cáo về dự thảo Đề án tại cuộc họp

Đề án cũng nhằm mục tiêu xã hội hóa nguồn vốn, giảm áp lực việc sử dụng ngân sách nhà nước để trực tiếp đầu tư xây dựng Trạm KTTTX; thiết lập trật tự kỷ cương trong công tác khai thác vận tải đường bộ; tạo môi trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, góp phần giảm thiểu TNGT, bảo đảm trật tự ATGT.

Về kết quả điều chỉnh Quy hoạch, Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến số Trạm KTTTX cố định trên mạng lưới đường bộ sẽ điều chỉnh vị trí các trạm có trong Quyết định 1502 về các trạm thu phí lân cận của các dự án BOT 21 trạm; giữ nguyên vị trí các trạm theo Quyết định 1502 là 23 trạm; bổ sung vị trí các trạm theo các dự án BOT 34 trạm; điều chỉnh vị trí hai trạm thí điểm 2 trạm và bổ sung các trạm cho các dự án đường cao tốc 38 trạm.

Đối với Trạm KTTTX lưu động, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ căn cứ tình hình xe quá tải trên các tuyến đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT) xem xét, quyết định số lượng, thời điểm thành lập Trạm KTTTX lưu động.

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Trạm KTTTX đường bộ

Việc xây dựng Trạm KTTTX bằng xã hội hóa nguồn vốn
sẽ giảm áp lực trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì hoàn chỉnh Đề án trình Bộ trước ngày 15/4 để Bộ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng lưu ý Tổng cục đánh giá kỹ thực trạng KTTTX hiện nay, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối nguồn vốn thực tế, theo các hình thức đầu tư bằng nguồn vốn BOT, trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước.

Thứ trưởng cho biết do sự hình thành, phát triển của các tuyến đường cao tốc, tuyến đường mới, nhu cầu kiểm soát tải trọng xe tăng lên; cần phải bổ sung thêm một số trạm nằm trong Quy hoạch. Đối với các Trạm KTTTX trên đường cao tốc (38 trạm), sẽ bố trí các trạm BOT, các Nhà đầu tư BOT được quyền lắp đặt trạm, kiểm soát tuyến đường để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Đối với các trạm theo Quy hoạch (23 trạm) sẽ điều chỉnh về vị trí, quy mô (chuyển sang Trạm cân điện tử).

Về giải pháp, cơ chế chính sách, Thứ trưởng yêu cầu áp dụng công nghệ phù hợp, hiện đại cho các Trạm KTTTX (do Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm định, cấp phép); kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và nguồn ngân sách khác.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây