Vụ trưởng Vụ QLDN Bộ GTVT Vũ Anh Minh báo cáo
các vấn đề liên quan đến chuẩn bị CPH TCT Cửu Long
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, Nguyễn Ngọc Đông, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, các đơn vị liên quan của Bộ GTVT cùng tham dự cuộc họp.
Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cửu Long Nguyễn Văn Dũng cho biết, mục tiêu cổ phần hoá (CPH) của Tổng công ty là nhằm tạo ra một loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, đồng thời huy động vốn các nhà đầu tư và vốn xã hội hoá đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
“Đặc biệt là đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc khu vực phía Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 và sau 2020; Xây dựng TCT thành một doanh nghiệp mạnh của ngành GTVT về đầu tư xây dựng, quản lý dự án, khai thác và bảo trì các công trình cầu lớn, đường bộ, đường cao tốc…, góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia”, ông Dũng nói.
Chủ tịch HĐTV Cửu Long cho rằng, việc CPH cần không ảnh hưởng đến các dự án của đơn vị đang chuẩn bị triển khai và phát triển trong các lĩnh vực. Cụ thể như Dự án giai đoạn 1B đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Mộc Bài…với tổng mức đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 lên tới hơn 58 nghìn tỷ đồng.
Ông Dũng còn cho biết, để thoả mãn điều kiện vay lại vốn OCR và trực tiếp tham gia đầu tư, mức vốn điều lệ của Tổng công ty đảm bảo đối ứng tối thiểu 10% tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020, tương tương với 5.835 tỷ đồng.
Đại diện của TCT Cửu Long cũng cho biết, căn cứ thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phương án sản xuất kinh doanh sau CPH, Tổng công ty đề xuất hình thức cổ phần hoá giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp (146 tỷ đồng) và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho đủ nhu cầu là 5.835 tỷ đồng. Về nhân sự, TCT mong muốn được giữ nguyên hiện trạng lực lượng lao động hiện tại để thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc trước đây, Chính phủ cho phép thành lập Tổng công ty Cửu Long trên cơ sở kế thừa Ban QLDA Mỹ Thuận là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
“Bởi xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu phát triển đường cao tốc của Việt Nam là rất lớn. Để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước hiện đại vào năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ không thể không có đường cao tốc. Việc làm đường cao tốc không chỉ dừng lại ở trục Bắc – Nam mà còn phải có những tuyến cao tốc kết nối các trung tâm, vùng kinh tế lớn để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Để thực hiện thành công quá trình CPH, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ QLDN Bộ GTVT, Tổng công ty Cửu Long phải đánh giá, tổng kết lại những kết quả đạt được theo định hướng, mục tiêu ban đầu đã đặt ra.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) rà soát nguồn tiền sau CPH của các doanh nghiệp thuộc Bộ đã nộp về ngân sách Nhà nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp đủ vốn điều lệ ban đầu cho Tổng Công ty Cửu Long là 1.500 tỷ đồng, theo chỉ đạo trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ lúc thành lập đơn vị này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng đó sẽ được Tổng công ty Cửu Long đầu tư vào các dự án đường cao tốc, trước mắt là Trung Lương – Mỹ Thuận và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.
Về lộ trình CPH, Bộ trưởng cũng đưa ra hai phương án để Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Bộ GTVT và TCT Cửu Long có hướng thực hiện. Đó là Tổng công ty Cửu Long có thể tiến hành CPH số vốn nhà nước 1.500 tỷ đồng hoặc có thể giữ nguyên vốn nhà nước 1.500 tỷ đồng sau đó tăng vốn điều lệ rồi phát hành cổ phiếu ra bên ngoài, với điều kiện việc tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu ra bên ngoài phải gắn với từng dự án cụ thể và thực hiện được.
“Trong tháng 4, Vụ QLDN và Tổng công ty Cửu Long phải có báo cáo tổng kết đánh giá, đề xuất phương án cổ phần hoá để tháng 6/2014 có thể trình Chính phủ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện