Cao tốc Bến Lức – Long Thành: Xây dựng công trường kiểu mẫu

Thứ tư - 13/05/2015 13:00. Xem: 91
Các thiết bị, nhân công đã được huy động để triển khai các gói thầu rầm rộ ngay từ đầu.

 

2
Hàng chục thiết bị máy móc, hàng trăm công nhân hối hả trên công trường

 Chi phí cao do nền đất yếu

Mới đây, PV đã có một chuyến thị sát công trường thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành, qua đó nhiều người đã lý giải được vì sao cao tốc này có suất đầu tư cao hơn so với nhiều tuyến đường khác.

Những ngày đầu tháng 5, từ Quốc lộ 50 (H.Nhà Bè, TP.HCM) chúng tôi xuống ca nô để đi thẳng ra sông Soài Rạp. Qua vị trí đối diện cảng Hiệp Phước, ông Đặng Hữu Vị - Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, cho biết nơi đây sẽ là vị trí cầu Bình Khánh bắc qua để nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ. Cầu Bình Khánh được thiết kế kết cấu dây văng, dài 2,76km, có khẩu độ nhịp chính dài 375m, trụ cao 155m.

Cách đó không xa, trên sông Lòng Tàu là thêm cây cầu Phước Khánh cũng có quy mô tương tự nhưng dài 3,18km, khẩu độ nhịp chính dài 300m nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Cả hai cầu đều có tĩnh không thông thuyền 55m, lớn hơn cả cầu Cần Thơ, đảm bảo cho tàu 50.000DWT lưu thông.

4
Dự án đi qua vùng đất đầm lầy nên phải xây dựng hơn 20km cầu cạn và hai cầu lớn là cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh

Nhìn vào bình đồ cho thấy, vị trí mà chúng tôi đang đứng là một bãi đầm lầy toàn dừa nước. “Khảo sát địa chất cho thấy có nơi túi bùn sâu đến 40m nên không thể làm đường trên nền đất yếu mà phải tiến hành xây dựng 20km cầu cạn nên chi phí rất cao”, ông Vị nói.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57,8km thì có 47km của dự án (đoạn từ Km 0+000 – Km 21+744 và Km 32+450 – Km 57+700) đi qua địa bàn TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai thuộc khu đông dân cư nên chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Dự án tiến hành GPMB luôn cho cả giai đoạn 2 nên ông Vị cho biết chỉ riêng tiền GPMB cũng đã trên 4.000 tỷ đồng. Chỉ riêng giai đoạn I, tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD).

Dẫn chúng tôi đi khảo sát các nút giao giữa cao tốc Bến Lức – Long Thành với QL1, QL50 đoạn qua địa phận TP.HCM cho thấy đây là khu vực dân cư khá đông đúc. Mặc dù các gói thầu qua khu vực này đã được khởi công, chủ đầu tư cũng đã chuyển kinh phí GPMB cho địa phương, nhưng vẫn chưa có mặt bằng sạch để nhà thầu triển khai công trường.

Xây dựng dự án kiểu mẫu

Ca nô đang đi trên sông Soài Rạp, ông Đặng Hữu Vị chỉ tay về hướng những chiếc giá long môn, cần cẩu đang nhô lên giữa bạt ngàn rừng dừa nước và cho biết đó là công trường của gói thầu J2 nhà Liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) – Tổng Công ty XDCT giao thông 4 (Cienco 4) thi công. Gói thầu J2 được Thủ tướng phát lệnh khởi công từ tháng 7/2014, có lý trình bắt đầu từ Km 24+503 đến Km 29+264 với tổng chiều dài hơn 4,7km, gồm cầu sông Chà và cầu cạn qua huyện Cần Giờ.

Ông Kazumitsu Tahara – Giám đốc dự án gói thầu J2 đưa chúng tôi lên một đài tháp cao gần 20m. Đây có thể nói là dự án duy nhất có một đài tháp cao như thế này. Ấn tượng với mọi người là trên đỉnh tháp có bảng hiệu với dòng chữ rất lớn “Hướng tới công trường kiểu mẫu của Cienco 4”. Từ vị trí trên cao có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ gói thầu và hướng tuyến của dự án.

Chỉ tay về hướng các cần cầu đang thi công, ông Tahara cho hay các nhà thầu bắt tay vào thi công từ tháng 10/2014 đến nay sau 6 tháng đã đạt 10% khối lượng. Theo hợp đồng, gói thầu J2 thực hiện trong 32 tháng nhưng Liên danh nhà thầu đã lập tiến độ rút ngắn còn 28 tháng và sẽ tiếp tục rút ngắn trong quá trình thi công.

Ông Đàm Xuân Toan – Phó tổng giám đốc Cienco 4, cho biết đến nay đã hoàn thành các hạng mục phụ tạm gồm: đường công vụ, nhà ở công nhân, bãi đúc dầm, hai trạm trộn… Hạng mục chính đã khoan được 50/608 cọc khoan nhồi, đúc 50/1017 dầm. Trên công trường hiện có khoảng 600 công nhân cùng hàng chục thiết bị máy móc thi công rầm rộ. Đơn vị thi công đã dẫn riêng một đường ống nước sạch từ Cần Giờ vào công trường để phục vụ sinh hoạt. nhà ở công nhân cũng có điều hòa. “Dù dự án mới bắt đầu nhưng chúng tôi đã hoàn tất phần chuẩn bị, giờ chỉ có tập trung thi công”, ông Toan nói. Nhà thầu Tuấn Lộc cũng đã tập trung thiết bị để sẵn sàng thi công cầu Chà.

1
Liên danh Sumitomo - Cienco 4 quyết tâm xây dựng gói thầu J2 trở thành công trường kiểu mẫu

Ông Toan cho biết thêm, điểm đặc biệt ở dự án này là Liên danh nhà thầu sử dụng công nghệ thi công hiện đại. Nếu như ở các công trình khác ván khuôn từ bệ, thân trụ lên xà mũ đều chia nhỏ, thì ở dự án này được đúc thành một khối. Cốt thép được sản xuất đồng bộ trước thành khung, sau đó dùng cần cẩu đưa vào ván khuôn để đổ trụ. Nhà thầu lắp 3 giá long môn để lắp đặt hệ ván khuôn, đà giáo và sau này dùng để lao lắp dầm. Công nghệ này đã được nhà thầu Simitome áp dụng thi công Vành đai III (Hà Nội) và Cienco 4 áp dụng tại cầu Kỳ Lam (tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Theo ông Toan thì ưu điểm của công nghệ này là nhanh, đẹp, an toàn và hiệu quả hơn khi áp dụng trên một công trường lớn.

“Quyết tâm của chúng tôi là xây dựng dự án này thành dự án kiểu mẫu của Cienco 4 về chất lượng, tiến độ, an toàn. Mục tiêu là nâng tầm của Cienco 4 lên chuyên nghiệp hơn và các nhà thầu khác của Việt Nam cũng thấy đó để phấn đấu”, ông Tahara nói.

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây