Đề xuất đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường trên QL37B (Nam Định)

Thứ năm - 21/05/2015 13:00. Xem: 160
Sáng 21/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề xuất Dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường trên QL37B đoạn qua huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định theo hình thức Hợp đồng BOT. Đồng chí Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định tham dự cuộc họp.

 

Đề xuất đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường trên QL37B (Nam Định)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Ban QLDA 6 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cầu Ninh Cường bắc qua sông Ninh Cơ trên QL37B thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định là cầu phao cũ. Theo kế hoạch sẽ đầu tư, xây dựng mới cầu đường bộ Ninh Cường và đường hai đầu cầu nối với QL37B. Chiều dài cầu dự kiến khoảng 750m. Chiều dài đường hai đầu cầu khoảng 350m cho mỗi phía. Tổng chiều dài Dự án 1.500m.

Ban QLDA 6 đánh giá việc đầu tư xây dựng cầu đường bộ Ninh Cường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đường hướng tâm, đường vành đai. Đây là cầu đường đảm bảo lượng giao thông từ khu vực Đông Bắc bộ thông về phía Tây Bắc cũng như lượng giao thông khu vực các tỉnh Hà Nam, Thái Bình… về phía Đông.

Đề xuất đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường trên QL37B (Nam Định)

Cầu phao Ninh Cường hiện tại

Theo nghiên cứu của Tư vấn (Công ty cổ phần Xây dựng VNC), tuyến đường được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, bề rộng mặt đường 7m, nền đường 12m. Về phương án tuyến, Tư vấn đề xuất 3 phương án, sau khi so sánh các phương án, Tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án 1, cầu đi cách cầu phao hiện tại khoảng 50m về hạ lưu với chiều dài 1,5km, khối lượng GPMB và đường gom hai bên cầu ít.

“Ưu điểm phương án 1 là khối lượng GPMB nhỏ, đường gom hai bên cầu ít, tổng mức đầu tư thấp hơn so với phương án 2 và phương án 3, kết cấu thi công đơn giản hơn, các nhà thầu Việt Nam có nhiều kinh nghệm thi công dầm có quy mô tương tự và thời gian thi công nhanh” - Tư vấn cho biết.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long cho biết toàn bộ tuyến QL37B đã được hoàn thành đầu tư xây dựng đạt cấp IV đồng bằng; tuy nhiên để lưu thông qua sông Ninh Cơ kết nối giữa trị trấn Yên Định với thị trấn Liễu Đề vẫn phải qua cầu phao Ninh Cường, trong khi đó cầu phao Ninh Cường chỉ có thể đáp ứng các phương tiện xe máy, thô sơ, xe tải trọng dưới 10T.

“Tới đây tỉnh Nam Định sẽ đầu tư xây dựng tuyến kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Khu kinh tế biển, phương tiện đi qua QL37B, như thế trong vài ba năm nữa toàn tuyến này hình thành thì lưu lượng phương tiện từ phía Nam lên phía Bắc của Tỉnh là rất lớn, nên việc đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường là hết sức cần thiết, thúc đẩy sự phát triển của Tỉnh” - Phó Chủ tịch Bùi Đức Long cho biết.

Đề xuất đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường trên QL37B (Nam Định)

Vị trí đề xuất xây dựng cầu Ninh Cường

Thống nhất với sự cần thiết đầu tư cầu Ninh Cường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục; Tư vấn cập nhật các nội dung, sớm hoàn chỉnh đề xuất dự án (cập nhật quy hoạch giao thông kết nối liên quan đến dự án; vai trò, chức năng của QL37B trong việc kết nối vận tải vùng theo quy hoạch; bổ sung khảo sát hiện trạng khu vực nghiên cứu; tính toán lưu lượng phương tiện…).

“Về công tác GPMB, yêu cầu Tư vấn và các đơn vị liên quan làm việc với địa phương về phương án bồi thường GPMB, đặc biệt là liên quan đến công tác khảo sát kết cấu hạ tầng công cộng, làm sao để giảm chi phí GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật xuống mức thấp nhất” - Thứ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tư vấn khảo sát kỹ vị trí đặt trạm thu phí, phải thuận lợi trong công tác GPMB và các vấn đề khác; Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Ban QLDA 6) phối hợp với Sở GTVT Nam Định thống nhất nội dung để báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch hệ thống đường bộ.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây