Đề xuất sử dụng bê tông nhựa polymer để chống hằn lún?

Thứ tư - 24/06/2015 13:00. Xem: 305
Chủ đầu tư Dự án QL1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh đang cân nhắc việc dùng BTN polymer để chống hằn lún mặt đường.

 

DSC_9094
Các nhà thầu trên tuyến chủ động phân đoạn đảm bảo ATGT.

Chủ đầu tư và các nhà thầu dự án tăng cường kết cấu mặt đường QL1, đoạn tuyến tránh TP Hà Tĩnh đặt quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công đưa dự án về đích trong tháng 8, chào mừng 70 năm Ngày truyền thống ngành GTVT.

Thưởng nóng kích cầu tiến độ

Những ngày đầu tháng 6, trên công trường tuyến tránh TP. Hà Tĩnh, hàng trăm kỹ sư, công nhân các đơn vị vẫn gồng mình làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng kỷ lục. Tại Km 12+400 đoạn qua xã Cẩm Bình, mũi thi công số 1 của Công ty TNHH Hòa Hiệp, kỹ sư Lê Thanh Hùng, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Trời nắng nóng khắc nghiệt nhưng vì tiến độ chung của dự án, chúng tôi vẫn huy động 100% kỹ sư, công nhân tham gia thi công, có ngày đến 50 kỹ sư, công nhân tay nghề cao, triển khai đồng loạt bốn mũi thi công ba ca liên tục. Đến ngày 1/6, đơn vị đã vượt 30% khối lượng công việc theo biểu đồ tiến độ chủ đầu tư đề ra.

Bên cạnh đó, việc theo dõi tiến độ cũng được triển khai thường xuyên. Ngay tại nhà điều hành và các phòng sinh hoạt tập thể của công nhân, nhà thầu Hòa Hiệp đều cho dán thông báo bản giao chỉ tiêu tiến độ, trong đó có kèm quy định về mức thưởng cho đội thi công vượt tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và phạt đội thi công không đảm bảo tiến độ đề ra. “Định mức 1.200m3 base/tuần, 1.300 tấn thảm BTN/tuần là cao nhưng đã có hai đội đạt thưởng, với số tiền là 20 triệu đồng”,  kỹ sư Hùng cho biết.

Tại các mũi thi công của Công ty Cổ phần 484 và Công ty CP Tân Hưng, gần 80% chiều dài tuyến đã được thảm bê tông nhựa lớp 1 cả hai chiều đường. Dự kiến đến 1/7 các nhà thầu sẽ bước sang giai đoạn thảm bê tông nhựa lớp trên và thi công hệ thống đảm bảo ATGT, phấn đấu trong tháng 8 sẽ đưa toàn bộ tuyến đường vào khai thác.

Kiến nghị dùng Polymer chống hằn lún bánh xe

Ông Vũ Đình Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (đại diện chủ đầu tư) cho biết:  “Ngoài quy định, tiêu chuẩn hiện hành, chúng tôi xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, hệ thống kiểm soát quản lý chất lượng của nhà thầu và TVGS. Tất cả vật liệu trước khi đưa về bãi tập kết phải được kiểm tra, thí nghiệm, vật liệu cho kết quả đạt yêu cầu mới được đưa vào ủ trộn, phục vụ thi công. Sau từng công đoạn thi công của nhà thầu, chủ đầu tư, TVGS đã có những biện pháp kiểm soát chất lượng độc lập, đảm bảo tất cả các hạng mục sau khi hoàn thành đều đạt tiêu chuẩn đề ra”.

Một yếu tố khác là dự án phải thực hiện trong điều kiện “vừa thi công, vừa khai thác”. “Các nhà thầu trên tuyến không được làm đại trà mà phải chia mũi, phân đoạn thi công theo từng 300m đường rồi tổ chức rào chắn điều tiết giao thông. Bên trái làm, bên phải phương tiện vẫn lưu thông bình thường”, ông Hùng cho hay. 

Ngoài ra, phía chủ đầu tư cũng cắt cử riêng một đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác ATGT và vệ sinh môi trường theo dõi giám sát quá trình tổ chức của các nhà thầu 24/24h, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhà thầu giải quyết vấn đề phát sinh khi có sự cố xảy ra. Nhờ đó, 5 tháng qua trên toàn tuyến không xảy ra bất cứ vụ ùn tắc, va chạm giao thông nào.

Liên quan đến lo ngại về hằn lún vệt bánh xe mà các dự án đang gặp phải, Phó Tổng giám đốc Vũ Đình Minh cho biết: Do nắng, nóng kéo dài, hiện nhiều đoạn tuyến trên QL1 đã xuất hiện tình trạng mềm hóa bê tông nhựa (bê tông nhựa) dẫn đến hằn lún vệt bánh xe. Trong khi đó, những đoạn tuyến sử dụng BTN polymer thì tình trạng này hầu như không xảy ra. Chính vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu và đề xuất phương án sử dụng BTN polymer thay thế BTN tiêu chuẩn ở lớp mặt. Quan điểm của Bộ cũng như công ty là dù có sử dụng BTN polymer nhưng cũng không làm thay đổi tổng mức đầu tư.

Tuyến tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài 16km đã được đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ năm 2009. Trải qua gần 6 năm khai thác, ngày 29/1 vừa qua, tuyến này được triển khai dự án tăng cường mô đun kết cấu mặt đường lên Eyc≥160Mpa để phù hợp với điều kiện khai thác và kết cấu chung trên toàn tuyến QL1 từ Thanh Hóa đi Cần Thơ với thời gian thực hiện dự án là 8 tháng.

Dự án do Tổng công ty Sông Đà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT với tổng kinh phí 305 tỷ đồng. Ba nhà thầu thi công dự án gồm Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty TNHH Tân Hưng, Công ty CP 484.

 

 

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây