Chuyên gia giao thông “bốc thuốc” trị hằn lún mặt đường

Thứ hai - 27/07/2015 13:00. Xem: 91
PGS.TS. Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT cho rằng, để giảm tình trạng hằn lún mặt đường, cần thiết phải nghiên cứu cải thiện tính năng của nhựa bằng các giải pháp sử dụng chất phụ gia.

 

Các chuyên gia của Trường ĐH GTVT và chuyên gia Ng
Các chuyên gia của Trường ĐH GTVT và chuyên gia Nga kiểm tra mẫu bê tông nhựa trong phòng thí nghiệm.

Nhiều dự án được “phòng bệnh” kịp thời

Trước tình trạng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) xuất hiện trở lại trên một số tuyến quốc lộ, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT,  từ 2014,  Trường ĐH GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên gia nghiên cứu xử lý tình trạng HLVBX. Sau hơn một năm nghiên cứu, nhóm chuyên gia của nhà trường đã đưa ra các nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng này”, PGS.TS. Trần Đắc Sử cho biết.

Theo đó, Trường ĐH GTVT đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khoa học công nghệ GTVT và Công ty CP UTC2 với trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, đồng bộ phối hợp với các nhà khoa học của trường trực tiếp tư vấn hỗ trợ cho các dự án để sửa chữa khắc phục HLVBX trên các tuyến: QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, QL1 đường tránh Vinh, QL1 đường tránh Huế.

Tại những dự án này, Tổ chuyên gia đã tư vấn cho các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc, đúng các chỉ đạo của Bộ GTVT, ứng dụng ngay các nghiên cứu, lựa chọn cốt liệu, thiết kế các cấp phối bê tông phù hợp cho dự án, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất và thi công các lớp bê tông nhựa. Theo đánh giá bước đầu tại những vị trí xử lý triệt để (cả hai lớp bê tông nhựa) cho kết quả tốt.

Ưu điểm nổi bật khi sử dụng phụ gia SBS là công nghệ trộn đơn giản có thể áp dụng được ở các trạm trộn hiện có tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giá thành sử dụng loại phụ gia này cũng phù hợp nhất trong các giải pháp đã thử nghiệm.

Đặc biệt, công nghệ trộn thêm phụ gia trực tiếp tại trạm trộn tạo ra vật liệu bê tông nhựa có tính năng cao giúp cho tuổi thọ khai thác dài hơn hoặc có cơ hội nghiên cứu để giảm chiều dày kết cấu giúp giảm giá thành xây dựng”.

PGS.TS. Lã Văn ChămGiám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ GTVT(Trường ĐH GTVT)

Đặc biệt, trong quá trình kiểm định chất lượng một số gói thầu tại dự án nâng cấp, mở rộng QL1 qua Khánh Hòa do Ban QLDA 7 phụ trách, các chuyên gia của nhà trường đã phát hiện kịp thời vật liệu đá tại địa phương có tính dính bám kém. “Chúng tôi đã kết hợp với Ban QLDA 7 thử nghiệm và nghiên cứu sử dụng phụ gia Wetfix BE tăng khả năng dính bám đá-nhựa, khắc phục nhược điểm của các mỏ đá tại Nam Trung bộ, ông Sử nhấn mạnh.

Cần thiết phải cải thiện tính năng của nhựa đường

Đối với nhóm giải pháp nghiên cứu chuyên sâu, các chuyên gia của Trường ĐH GTVT cùng các chuyên gia hàng đầu của các nước: Mỹ, Nhật, Nga và Pháp phối hợp nghiên cứu để tìm nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng hằn lún mặt đường.

Sau những chuyến khảo sát trực tiếp tại hiện trường, xem xét nguồn vật liệu, công nghệ thi công các dự án, nhóm chuyên gia đều có chung nhận định: các đơn vị thi công đã cố gắng kiểm soát tốt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ GTVT, trên cơ sở phân tích khoa học, các chuyên gia của trường đã chứng tỏ những đoạn tuyến chịu lưu lượng lớn, chịu tải trọng nặng, ở điều kiện nhiệt độ cao, mỏ vật liệu có chất lượng không cao, việc sử dụng nhựa có độ kim lún 60/70 là chưa phù hợp, nên khả năng xuất hiện hằn lún là rất cao.

Trước thực trạng này, nhóm chuyên gia của trường đã gắn các thiết bị quan trắc nhiệt độ ở các vị trí khác nhau trong kết cấu mặt đường, kết hợp khảo sát lưu lượng xe trên tuyến QL1. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, cần thiết phải nghiên cứu, cải thiện tính năng của nhựa mới có thể tăng khả năng kháng được HLVBX. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm các giải pháp như: Sử dụng nhựa Polimer; sử dụng phụ gia TPP (công nghệ Nhật Bản), sử dụng phụ gia PR-plast (công nghệ Pháp). Đặc biệt, sử dụng phụ gia SBS trộn theo phương pháp của Trường Đại học GTVT (trộn trực tiếp tại trạm trộn bê tông nhựa).

Kết quả kháng HLVBX đối với mẫu lấy tại trạm trộn và tại hiện trường sau khi thi công thử đều tăng và thỏa mãn yêu cầu theo quy định hiện hành, bước đầu quan sát theo dõi tại hiện trường đoạn thảm thử không bị hằn lún.

“Trong thời gian tới, để giải quyết triệt để tình trạng HLVBX, nhà trường sẽ tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu về tiêu chuẩn thiết kế kết cấu áo đường mềm, tiêu chuẩn về nhựa đường sản xuất bê tông nhựa, tổng kết việc sử dụng phụ gia cải thiện tính năng của nhựa”, PGS.TS. Trần Đắc Sử cho hay.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây