Khắc phục xong hằn lún mặt đường QL1 trước 31/8

Thứ hai - 17/08/2015 13:00. Xem: 100
Các nhà thầu thi công đã khắc phục, sửa chữa trên 450 nghìn m2 diện tích mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe...

 

Cienco-4-đã-khắc-phục-xong-toàn-bộ-những-đoạn-bị-h
Cienco 4 đã khắc phục xong toàn bộ những đoạn bị hằn lún tại dự án Nam Bến Thủy - Tuyến tránh TP Hà Tĩnh - Ảnh: Văn Thanh

Hiện, các nhà thầu thi công đã khắc phục, sửa chữa trên 450 nghìn m2 (đạt 90%) diện tích mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe thuộc các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và một số đoạn do Tổng cục Đường bộ VN đang quản lý khai thác. 

Nhà thầu tự bỏ tiền để dùng nhựa polymer

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư các dự án BOT, nhà thầu thi công đang rốt ráo vào cuộc triển khai xử lý, khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) tại các dự án trên QL1. Dự kiến trước 31/8, công tác khắc phục hằn lún trên QL1 sẽ được hoàn tất.

Thống kê của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho thấy, sau đợt nắng nóng vừa qua, tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và một số đoạn do Tổng cục Đường bộ VN đang quản lý, khai thác xảy ra tình trạng HLVBX với tổng số diện tích mặt đường bị hằn lún là 504.507 m2.

Quy định bảo hành các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 là 48 tháng

Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, để kiểm soát và nâng cao chất lượng công trình giao thông, ngày 25/8/2014, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3230 quy định thời hạn bảo hành cụ thể đối với các dự án giao thông đường bộ theo từng cấp độ. Theo đó, công trình cấp đặc biệt và cấp một, thời hạn bảo hành là 48 tháng; Công trình cấp hai là 42 tháng. Mức bảo hành của các cấp này là 3% giá trị hợp đồng, công trình cấp còn lại thời hạn bảo hành 24 tháng với mức bảo hành 5% giá trị hợp đồng.

Đặc biệt, Bộ GTVT có quy định riêng với các dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên với thời hạn bảo hành là 48 tháng, với mức bảo hành 3% giá trị hợp đồng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, hiện, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành sửa chữa, khắc phục được 90% mặt đường bị hằn lún. Đặc biệt, đoạn từ Hà Nam - Thừa Thiên - Huế đã cơ bản hoàn thành với khối lượng đạt được là 343.707 m2/345.707 m2 mặt đường bị hằn lún. Cụ thể, các nhà thầu thi công trên đoạn tuyến này đã tiến hành cào bóc, đảm bảo an toàn giao thông trên 260 nghìn m2 và cào bóc thảm lại bê tông nhựa mặt đường hơn 83 nghìn m2.

Đối với đoạn Đà Nẵng - Khánh Hòa, hiện tượng hằn lún chủ yếu xảy ra tại các đoạn đường cũ do Tổng cục Đường bộ VN quản lý khai thác, dự án BOT và những dự án đang thi công chưa thảm bê tông nhựa, khoảng 134.307 m2. Các đơn vị thi công trên đoạn tuyến đã thi công hoàn thành sửa chữa được 85.167 m2, còn gần 50 nghìn m2 đoạn do Cục Quản lý đường bộ 3 quản lý đang tiến hành khắc phục. Trong khi đó, tại các dự án đoạn Ninh Thuận - Cần Thơ, các nhà thầu đã khắc phục xong toàn bộ 24.494 m2 hằn lún mặt đường với khối lượng cào bóc đảm bảo ATGT là 9.905 m2 và cào bóc thảm lại bê tông nhựa mặt đường 14.589 m2.

“Bộ GTVT đã có văn bản cho phép nhà thầu sử dụng nhựa polymer để thảm đối với những đoạn đèo dốc, nút giao, còn lại các đoạn khác nhà thầu tự bỏ tiền để dùng nhựa polymer hoặc dùng bê tông nhựa có thêm phụ gia, nhằm đảm bảo ổn định nhiệt độ cho bê tông nhựa, tăng khả năng kháng hằn lún. Theo đánh giá ban đầu, những đoạn tuyến bị hằn lún trên 2,5 cm được xử lý trước 31/7 đến nay cơ bản đạt kết quả khả quan, nhưng vẫn cần theo dõi và kiểm chứng tiếp”, ông Dũng nói.

Doanh nghiệp tự bỏ tiền khắc phục

Thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định của Bộ GTVT, những đơn vị thi công tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đang khẩn trương áp dụng mọi giải pháp để khắc phục tình trạng HLVBX. Trong đó, phải kể đến dự án Nam Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh, một trong những dự án xuất nhiện nhiều nhất hiện tượng hằn lún, với khối lượng trên 120 nghìn m2, đến nay cơ bản đã được khắc phục.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4, nhà thầu thi công dự án) cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã tiến hành cào bóc đảm bảo ATGT trên 100 nghìn m2 mặt đường và cào bóc thảm lại khoảng 11 nghìn m2 mặt đường bị hằn lún.

“Trong tháng 8, chúng tôi sẽ khắc phục toàn bộ các đoạn bị hằn lún từ 2,5 cm trở lên và triển khai xử lý các đoạn dưới 2,5 cm có hiện tượng tiếp tục bị hằn lún. Tất cả các đoạn mặt đường hư hỏng do Cienco4 thi công sẽ được bóc lên thảm lại bằng polymer và nhà thầu sẽ tự bỏ chi phí thực hiện”, ông Huỳnh khẳng định.

Trong khi đó, tại gói thầu số 9 của dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu, Công ty CP Đầu tư và XD giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cũng đang tiến hành cào bóc khoảng 2 km mặt đường bị hằn lún và chuẩn bị thảm lại bằng bê tông nhựa có sử dụng phụ gia SBS.

Chia sẻ về điều này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin cho biết, nguyên nhân dẫn tới hằn lún là do công tác thiết kế cấp phối trước đây chưa phù hợp với điều kiện khách quan như các yếu tố về thời tiết, nhiệt độ, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông,…

“Trong đợt sửa chữa này, chúng tôi đã phối hợp với các chuyên gia của Trường Đại học GTVT tìm ra loại cấp phối tốt nhất, đồng thời tiến hành dùng bê tông nhựa kết hợp với phụ gia SBS nhằm tăng cường khả năng chống chịu với nhiệt độ cao của mặt đường lên trên 700C. Kinh phí khắc phục khoảng 7 tỷ đồng do nhà thầu thực hiện và sẽ hoàn thành trước 31/8”, ông Khôi khẳng định. 

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây