“Vua” cao tốc cần “thông” vốn điều lệ để cổ phần hóa

Chủ nhật - 23/08/2015 13:00. Xem: 100
VEC đang kiến nghị Chính phủ chấp thuận phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ để tiến tới cổ phần hóa doanh nghiệp.

 

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào sử dụng đã đem l
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế-xã hội. Ảnh: Xuân Đoàn.

Công tác tái cơ cấu nguồn vốn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã cơ bản hoàn thành. VEC đang kiến nghị Chính phủ chấp thuận phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ để tiến tới cổ phần hóa doanh nghiệp.

Ngân sách Nhà nước không phải cấp mới

Liên quan đến công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) VEC, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị văn bản báo cáo bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ cho VEC làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp (DN), tiến tới CPH.

Theo ông Minh, hiện nay, vốn điều lệ của VEC khoảng 1.018 tỷ đồng nhưng tổng vốn đơn vị huy động để thực hiện đầu tư, xây dựng 5 dự án cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành lên tới trên 125 nghìn tỷ đồng. Do vậy, việc tăng vốn điều lệ cho VEC là rất cần thiết nhằm đảm bảo cân bằng tài chính, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn đầu tư các dự án trong thời gian tới, đồng thời phù hợp với quy định hiện hành, từng bước giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu về mức an toàn. Trên cơ sở đó, ngày 30/3/2015, Bộ GTVT đã có Văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ của VEC từ 1.018 tỷ đồng lên 22.161 tỷ đồng.

Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tiến hành CPH công ty mẹ VEC, chưa tiến hành CPH các dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Việc có thành lập các công ty cổ phần để quản lý, khai thác từng dự án đường cao tốc hay không sẽ phụ thuộc vào quá trình thực hiện CPH, nếu phù hợp và có đủ điều kiện, sẽ thành lập các công ty cổ phần”.

Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ GTVT)

“Giá trị phần vốn Nhà nước đầu tư bằng chính nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư trực tiếp để đảm bảo hiệu quả tại 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, không phải là nguồn tiền Nhà nước cấp mới để bổ sung vốn điều lệ cho VEC”, ông Minh nói và cho biết, khi xây dựng phương án CPH, VEC sẽ bán bớt phần vốn Nhà nước tại DN hoặc thoái vốn. số tiền thu được sẽ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước theo quy định.

Ông Minh cho biết thêm, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã chính thức có văn bản thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT về việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ của VEC lên 22.161 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong các văn bản gửi Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT và VEC giải trình thêm một số nội dung về chủ trương tăng vốn điều lệ, phương án xử lý vốn ODA tại các dự án được chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án,…

“Vấn đề mấu chốt còn vướng mắc trong quá trình CPH VEC là việc xác định phần vốn điều lệ điều chỉnh làm cơ sở xác định giá trị DN. Các cơ quan của Bộ GTVT đang hoàn thiện báo cáo giải trình bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ cho VEC trong cuối tháng này hoặc đầu tháng 9”, ông Minh nói.

Cơ sở để xác định vốn điều lệ của VEC

Liên quan đến các ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Cường, Phó tổng giám đốc VEC cho biết, đề xuất tăng vốn điều lệ cho VEC lên 22.161 tỷ đồng được xác định trên cơ sở Thông tư 220 ban hành ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Theo ông Cường, nếu chiếu theo quy định của Bộ Tài chính, số vốn điều lệ điều chỉnh lại của VEC sẽ là 38.689 tỷ đồng, bao gồm vốn điều lệ đã được duyệt là 1.018 tỷ đồng và 37.671 tỷ đồng vốn đầu tư (tương đương 30% tổng mức đầu tư 5 dự án cao tốc của VEC).

Tuy nhiên, trong Quyết định số 2072 ngày 8/11/2013, của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, nêu rõ: Nhà nước đầu tư trực tiếp vào 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư là 71.602 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA là 50.726 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước là 20.876 tỷ đồng, số còn lại 53.970 tỷ đồng do VEC huy động và vay thương mại. Trong quyết định này, Chính phủ cho phép nguồn vốn ODA và ngân sách Nhà nước là đầu tư trực tiếp của Nhà nước vào 5 dự án, VEC chỉ huy động kinh phí và thu phí để hoàn phần vốn VEC huy động.

“Việc VEC đề xuất tăng vốn điều lệ lên 22.161 tỷ đồng được xác định thấp hơn quy định hiện hành của Bộ Tài chính. bởi VEC đề xuất chỉ điều chỉnh vốn điều lệ tăng riêng đối với phần ngân sách Nhà nước bố trí trực tiếp là 20.876 tỷ đồng và nguồn bán quyền thu phí đường bộ 276,6 tỷ đồng để có thể tính được thời gian khai thác, thu phí và ký hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, ông Cường nói và cho biết, với số vốn điều lệ được điều chỉnh, VEC sẽ đủ điều kiện huy động vốn theo phương thức vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu để tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc tiếp theo.

Về phương án xử lý phần vốn ODA tại các dự án được chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp, lãnh đạo VEC cho biết, sau khi hết thời hạn quản lý, khai thác, thu phí để hoàn lại phần vốn DN huy động, VEC sẽ chuyển trả lại Nhà nước hoặc Nhà nước tiếp tục giao cho VEC khai thác, thu phí. “Số phí thu được sau khi trừ các chi phí cần thiết sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước để hoàn lại phần vốn ODA”, ông Cường khẳng định.

Phân tích thêm về phương án tài chính và việc hoàn lại vốn điều lệ, ông Cường cho hay, sau khi đưa ba tuyến đường cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Nội Bài - Lào Cai vào khai thác, ngoài việc đem lại hiệu quả to lớn về KT-XH, các tuyến cao tốc đã có hiệu quả tài chính cao hơn so với dự báo. do vậy, VEC đã và đang cập nhật lại phương án tài chính của các dự án theo lưu lượng thực tế, mức tăng trưởng lưu lượng, tốc độ tăng mức thu phí,… theo hướng điều hòa chung các dự án hỗ trợ lẫn nhau để giảm thiểu tối đa phần hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, VEC cũng tính toán để thời gian thu phí các dự án có thể hoàn lại vốn điều lệ được điều chỉnh tăng.

“Do các dự án có hiệu quả tài chính khác nhau nên cần hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác. Khi xác định được vốn điều lệ, VEC sẽ CPH trên cơ sở vốn điều lệ cùng với số năm khai thác được ký kết với Nhà nước”, ông Cường lý giải.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây