Sẽ cân xe tự động đại trà tại trạm thu phí

Thứ ba - 06/10/2015 13:00. Xem: 101
Hầu hết các quốc lộ, đường cao tốc sẽ được lắp cân tự động, khi đó việc KSTTX sẽ có tính bền vững cao.

 

18
Hệ thống cân tĩnh của trạm KTTTX cố định trên QL18 tỉnh Quảng Ninh

Bộ GTVT đang trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà trước đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hầu hết các quốc lộ, đường cao tốc sẽ được lắp cân tự động, khi đó việc kiểm soát tải trọng xe sẽ có tính bền vững cao.

Nhân rộng các trạm cân cố định

Ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tuy nhiên đến nay, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên cả nước mới xây dựng được 2/13 trạm tại Quảng Ninh trên QL18 và trạm Dầu Giây trên QL1 (Đồng Nai), trang bị 67/142 bộ cân lưu động cho 63 tỉnh, thành và các cục quản lý đường bộ.

Lý do điều chỉnh Quy hoạch, theo ông Chung, từ năm 2012 đến nay, nhiều chiến lược, quy hoạch điều chỉnh giao thông đường bộ được phê duyệt, khiến cơ cấu thị phần của các phương thức vận tải thay đổi theo hướng giảm tải cho vận tải đường bộ. Do đó, lưu lượng trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc có sự biến động, thay đổi so với kịch bản dự báo trước đây.

Theo Quy hoạch điều chỉnh, sẽ có 50 trạm KTTTX cố định được đầu tư xây dựng, trong đó có 25 trạm kết hợp với trạm thu phí, 25 trạm độc lập. Về việc bố trí trên các tuyến đường, 13 trạm sẽ được đặt trên QL1, 6 trạm trên đường Hồ Chí Minh. Đối với các tuyến đường cao tốc, đường xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo theo hình thức xã hội hóa, căn cứ vào điều kiện thực tế, Bộ GTVT quyết định lắp đặt các thiết bị kiểm tra tải trọng.

“Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư các dự án BOT đã đề xuất lắp thiết bị cân để kiểm soát tải trọng tại trạm thu phí. Mặt khác, công nghệ cân ngày càng hoàn thiện, có độ chính xác cao, việc thiết kế, bố trí cân trong phạm vi trạm thu phí và áp dụng chế tài xử phạt là khả thi”, ông Chung nói và cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đã nghiên cứu, rà soát, tham mưu với Bộ GTVT trình Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch này theo hướng tích hợp trạm KTTTX cùng với trạm thu phí của các nhà đầu tư.

“Việc đầu tư trạm KTTTX cố định theo hướng kết hợp với trạm thu phí thể hiện rõ ưu việt về mặt kinh phí, diện tích sử dụng đất, vận hành và nhân lực thực hiện. Vai trò của trạm KTTTX lưu động và cân xách tay có tính linh hoạt cao nhưng không thể thay thế được chức năng của trạm KTTTX cố định”, ông Chung nói.

Là địa phương thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng xe, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bắc Giang cho biết, trạm KTTTX lưu động có thể cơ động di chuyển kiểm soát đầu nguồn hàng, nơi có nhiều phương tiện quá tải hoạt động. Tuy nhiên, hiện hoạt động trạm Bắc Giang còn nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực, điều kiện làm việc vất vả vì không có trụ sở, chỗ ăn nghỉ.

“Bên cạnh đó, tính ổn định của thiết bị không cao, khi mưa to hoặc nắng nóng quá thiết bị hay trục trặc. Điểm nữa là các trạm lưu động không có hệ thống cân lọc xe quá tải nên việc dừng xe vào cân hoàn toàn do cảm quan của con người, độ chính xác không cao, mất nhiều thời gian”, ông Mạnh nói.

Xe quá tải sẽ… hết đường trốn?

Là đơn vị lắp đặt hệ thống KTTTX tại trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai từ rất sớm, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành và Bảo trì đường cao tốc VN (VEC O&M) cho biết, VEC đang triển khai hai công nghệ kiểm soát tải trọng xe là cân thạch anh và cân động tốc độ chậm. Hai loại cân này đều phát huy hiệu quả vì có tính ổn định cao, ít phải duy tu sửa chữa, quá trình cân nhanh và không bị ảnh hưởng của thời tiết như cân lưu động. Khi phát hiện xe quá tải sẽ gửi kết quả cho lực lượng CSGT hai đầu tuyến để xử phạt.

Khi mới đưa vào sử dụng, hệ thống kiểm soát tải trọng này thường xuyên gặp phải sự chống đối của lái xe. Nhưng với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, đến nay đã đi vào nề nếp, lái xe đã chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, để kiểm soát tải trọng xe bền vững, ông Tuấn cho rằng, cần có sự kết nối giữa các trạm cân với hệ thống dữ liệu đăng kiểm phương tiện của Cục Đăng kiểm VN. vì khi xe đi qua trạm thu phí, nếu không có dữ liệu đăng kiểm sẽ khó có căn cứ xác định xe đó có quá tải hay không.

Còn theo ông Chung, ngoài việc kiểm soát tối đa phương tiện ngay từ nguồn hàng, cửa khẩu, bến cảng, hệ thống cân cố định sẽ được lắp đặt trên các tuyến trọng điểm, hành lang vận tải đường bộ chính, các đầu mối vận tải lớn. Vị trí các trạm KTTTX cố định sẽ được điều chỉnh về trạm thu phí lân cận của những dự án BOT chưa có chức năng kiểm soát của trạm KTTTX.

“Hiện nay, một số trạm cân ghép với trạm thu phí đã được triển khai, như ở QL1 tỉnh Quảng Bình, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tình trạng xe quá tải giảm rõ rệt. Hệ thống cân cố định sẽ được gắn trên tất cả các làn xe chạy, đề phòng trường hợp xe đi vào làn xe con. Không còn có chuyện xe đi qua trạm cân dừng hay không dừng. Công nghệ hiện đại cũng giải quyết được vấn đề xe đi qua các trạm cân lưu động có thể dừng hay không dừng phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức chấp hành của lái xe. hiện có nhiều trạm xe dừng rất nhiều, nhưng số xe vi phạm rất ít, chỉ chiếm 1-2%. Các trạm cân lưu động hiện nay sẽ được chuyển về các đường tỉnh, huyện, xe quá tải sẽ hết đường trốn tránh”, ông Chung cho biết.

Nguồn: atgt.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây