Kết cấu hạ tầng GTVT vùng Tây Nam bộ phát triển vượt bậc trong 5 năm qua

Thứ năm - 10/12/2015 12:00. Xem: 84
 Đây là đánh giá của hầu hết các đại biểu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam bộ được Bộ GTVT và Ban Chỉ đạo miền Tây Nam bộ tổ chức chiều nay (10/12), tại Thành phố Cần Thơ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh dự và chỉ đạo Hội nghị  Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Phó Trưởng ban Thường trực miền Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang; các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan Trung ương và địa phương...

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao sự phát triển vượt bậc kết cấu hạ tầng giao thông tại
khu vực miền Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung trong 5 năm qua

Báo cáo tổng kết 5 năm (2010-2015) về công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam bộ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong lĩnh vực đường bộ: Từ năm 2010 đến nay vùng ĐBSCL đã đầu tư hoàn thành khoảng 34 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 52.471 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.036 km đường và 60,2 km cầu được đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng.

Trong đó có một số dự án quan trọng như cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Lợi, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Quản  Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu, mở rộng QL1 Cần Thơ - Phụng Hiệp, nâng cấp các quốc lộ: QL91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên, QL53, QL54...

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Đây là những công trình quan trọng cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho Vùng Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện nay,  Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai 24 dự án trong thời gian tới, trong đó có 6 dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước; 6 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA; 7 dự án đầu tư theo hình thức BOT.  

Bộ trưởng Đinh La Thăng cam kết sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng
và đóng góp của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp nhằm làm tốt hơn nữa
hạ tầng giao thông tại miền Tây Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung

Riêng đường thủy, đã hoàn thành dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 787 tỷ đồng. Ngoài ra, trên một số đoạn của các tuyến đường thủy nội địa Trung ương đang được tiến hành nạo vét duy tu hàng năm đảm bảo an toàn giao thông thủy, phát huy lợi thế sông nước của vùng ĐBSCL để tăng thị phần vận tải bằng đường thủy nội địa.

Đối với hàng không, giai đoạn 2010-2015 đã hoàn thành 04 dự án với tổng mức đầu tư 5.331 tỷ đồng, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Cần Thơ bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ; đài kiểm soát không lưu CHK Cần Thơ bằng nguồn vốn của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam; nhà ga hành khách - CHKQT Phú Quốc và xây dựng đường đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay - CHKQT Phú Quốc bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật báo cáo kết quả 5 năm thực hiện
phát triển kết cấu hạ tầng GTVT tại khu vực miền Tây Nam bộ (2010-2015)

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã đầu tư cho ĐBSCL xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng 44.084 km đường giao thông nông thôn, tổng số 19.877 cây cầu với tổng kinh phí đầu tư ước tính khoảng 24.379 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 12/2014, toàn vùng có 344/1.284 xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (19 tiêu chí).

Hoạt động vận tải đã từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong và ngoài nước, nhất là vào các dịp lễ, Tết; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, bến xe, cảng biển vào mùa vận tải cao điểm; đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải...

Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo miền Tây Nam bộ, các đồng chí lãnh đạo các địa phương Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến từ thực tế và cụ thể đóng góp nhằm làm tốt hơn công tác phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng: "Ngày xưa tất cả chúng ta từ Cà Mau phải đi đến TP HCM, Hà Nội để đi nước ngoài. Bây giờ đến Cần Thơ thôi là đã bay được rồi. Tôi có cảm giác là một vài năm nữa khi có nhiều tàu bay, mở được nhiều tuyến thì chắc chắn khu vực chúng ta sẽ phát triển mạnh du lịch và nhà đầu tư rất thuận lợi".


Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban chỉ đạo Thường trực, BCĐ Tây Nam Bộ cho biết: Mạng lưới giao thông đường bộ, cầu vượt, đường thủy, hàng hải hàng không, của vùng đã được đầu tư nâng cấp và có bước phát triển vượt bậc.

Phó Ban chỉ đạo thường trực Miền Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, Tây Nam bộ là vùng có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản; đồng thời là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về cả chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Chính vì thế, việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ mang ‎ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực còn nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng thay mặt Chính phủ biểu dương kết quả mà Ngành GTVT đã làm được trong thời gian qua, điều đó đã làm hạ tầng giao thông khu vực này nói riêng và cả nước nói chung phát triển vượt bậc, tạo nên một diện mạo mới.

“Đặc biệt, trong lúc nền kinh tế còn khó khăn nhưng Nghị quyết Chính phủ vẫn yêu cầu chọn việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá quan trọng. Ngành GTVT đã huy động được nguồn vốn lớn từ mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này được Chính phủ và các cơ quan đánh giá cao. Ngành GTVT đã đi đầu trong việc xã hội hoá, là đổi mới tư duy quản lý, đa dạng hoá các hình thức đầu tư. Có thể nói, chưa bao giờ Ngành GTVT phát triển lớn mạnh như vậy. Vùng đồng bằng Sông Cửu Long này là vùng trũng, còn khó khan về nhiều mặt, trong đó có hạ tầng giao thông nay đã được cải thiện”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong vùng Tây Nam bộ cần có sự phối hợp cao hơn nữa để tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông có khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải; ưu tiên đầu tư một số công trình quan trọng, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn và mang tính kết nối, suy nghĩ nhiều hơn đến các dự án đường sắt để tạo sự phát triển cho toàn vùng.

Ngành GTVT cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch, có tầm nhìn rộng hơn để đầu tư hạ tầng giao thông từng bước hiện đại gắn với khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

“Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm lớn đến đầu tư hạ tầng giao thông đường thủy nội địa để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành khi khu vực Tây Nam bộ có thế mạnh về hàng hóa nông sản, trái cây, nhu cầu vận chuyển rất lớn. Muốn kinh tế phát triển được tốt thì hạ tầng phải thuận lợi, nhất là đường sông, bến bãi phải thuận lợi, đi lại phải thuận tiện. Chứ nếu chúng ta không quy hoạch và không có kế hoạch phát triển thì chi phí vận chuyển, vận tải rất cao. Mà giá cao thì cạnh tranh khó. Nông sản sắp tới bước vào hội nhập, k‎ý một loạt hiệp định thương mại tự do với các nước mà chúng ta không cạnh tranh được thì khó. Cứ vận chuyển lên TP HCM bằng ô tô thì làm sao cạnh tranh. Ở đây có cảng biển rồi, có đường sông rồi, rất rẻ mà không làm thì rất lãng phí”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định trong thời gian qua Ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả khả quan được Đảng, nhà nước và nhân dân ghi nhận. Trong đó nổi bật là cải cách hành chính và thủ tục hành chính, hạ tầng giao thông đã tang 36 bậc trong 4 năm vừa qua… điều này có được là nhờ sự chỉ đạo, động viên của Đảng, Chính phủ; sự đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương và đồng thuận của nhân dân.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng hứa sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cũng như các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các địa phương, của doanh nghiệp để làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý Ngành, tất cả vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, đột phá hạ tầng để kinh tế phát triển, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, kết nối vùng miền, đất nước và đủ điều kiện hội nhập quốc tế.

Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo miền Tây Nam bộ cũng trao Bằng khen cho 25 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển hạ tầng GTVT 5 năm 2010-2015.

Nguoonf: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây