Biển báo tại các khu đông dân cư sẽ được điều chỉnh, tăng từ 50km/h lên 60km/h khi đi trên đường đôi, có dải phân cách giữa. |
Tăng tốc độ 10km/h trong khu đông dân cư
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông.
Theo Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2016, trong khu vực đông dân cư, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 60 km/h trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên.
Trong khi đó, trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 50 km/h. Như vậy, so với hiện tại, các phương tiện xe cơ giới sẽ được chạy ở tốc độ tối đa cao hơn 10 km/h trong khu vực đông dân cư.
Ở ngoài khu vực đông dân cư, xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn được phép chạy ở tốc độ tối đa 90 km/h trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Con số tương ứng trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới là 80 km/h.
Trong khi đó, tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là không quá 40 km/h. Tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.
Về việc đặt biển báo hiệu tốc độ, Thông tư quy định không được đặt biển hạn chế độ tốc dưới 50 km/h trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc.
Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định về khoảng cách giữa các xe, thuộc loại xe cơ giới và xe chuyên dùng, khi tham gia giao thông trên đường bộ. Theo đó, khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:
Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc lớn hơn khoảng cách khi đường khô ráo.
Không đặt biển hạn chế tốc độ theo quy hoạch địa giới hành chính
Trong phần giải thích từ ngữ, Thông tư quy định rõ, “Đường bộ trong khu vực đông dân cư” là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, thị xã và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường, có các hoạt động có thể ảnh hưởng đến ATGT đường bộ và được xác định bằng biển báo là đường qua khu đông dân cư (khi cần thiết có thể xác định riêng cho từng chiều đường).
Đối với đoạn đường nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã thì căn cứ vào mức độ đô thị hoá và mật độ dân cư sinh sống bên đường để đặt biển báo hiệu “Bắt đầu khu đông dân cư” và biển báo hiệu “Hết khu đông dân cư” trên các tuyến đường ở vị trí vào – ra đô thị cho phù hợp.
Đặc biệt Thông tư lưu ý: “Không đặt biển báo theo địa giới hành chính được quy hoạch, nếu chưa đô thị hoá hoặc dân cư thưa thớt”. Đối với đoạn đường nằm ngoài nội thành phố, nội thị xã là đoạn đường được xác định là qua khu đông dân cư khi có chiều dài từ 500m trở lên, các lối ra vào nhà trực tiếp với đường có cự ly trung bình từ 6m trở xuống theo chiều ngang và có mật độ các lối ra vào nhà trung bình dưới 10m.
Nguồn: atgt.vn