Bộ GTVT Sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016

Thứ ba - 12/07/2016 13:00. Xem: 68
Sáng nay, 12/7/2016, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016, tại 5 điểm cầu: Trụ sở Bộ GTVT, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và tỉnh Đắk Lắk.  Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan Đảng, nhà nước, các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ GTVT; đại diện lãnh đạo 63 Sở GTVT của các tỉnh, thành cùng các doanh nghiệp liên quan.

 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT điều hành Hội nghị

6 tháng, hoàn thành kế hoạch hầu hết các mặt công tác

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành GTVT, hầu hết các mặt công tác trong 6 tháng đầu năm 2016 của ngành GTVT đã hoàn thành kế hoạch đề ra.


Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2016

Trong đó, có một số kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được quan tâm, chú trọng; đã kịp thời hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và các Nghị định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực GTVT để trình Chính phủ đúng kế hoạch. Công tác quản lý vận tải, bảo đảm TTATGT tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tiếp tục kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương. Việc thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc, trả lời, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh đã góp phần tạo lập sự công bằng trong hoạt động vận tải, thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải phát triển. Công tác quản lý nhà nước, rà soát, đánh giá quá trình tổ chức triển khai, hiệu quả đầu tư của các dự án, nhất là các dự án BOT, BT được tăng cường đã góp phần hạn chế, khắc phục các tồn tại và phát huy hơn nữa hiệu quả đầu tư phát triển KCHTGT. Công tác quản lý KCHTGT các lĩnh vực tiếp tục được tăng cường, nhất là trong việc quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu đường bộ... góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng KCHTGT và tạo sự an toàn, thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông. Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tục được đẩy mạnh; đặc biệt là đối với các Tổng công ty lớn và các đơn vị sự nghiệp công.


Đại biểu dự tại điểm cầu trực tuyến TP.HCM

Công tác CCHC, cải cách TTHC tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả nhất là việc đẩy mạnh triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Cụ thể, về một số mặt công tác, báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản QPPL, chiến lược, quy hoạch và đề án khác về GTVT;

Hoạt động vận tải đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, ngay cả trong các đợt cao điểm. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng lên; giá cước vận tải được kiểm soát chặt chẽ; Sản lượng vận tải 6 tháng đầu năm 2016 đạt 617 triệu tấn hàng, tăng 8%; đạt 1.805,2 triệu lượt hành khách, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2015.


Các đại biểu dự tại điểm cầu Đắk Lắk

“Bộ đã chủ động đối thoại, trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vận tải để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Sau gần 2 năm chính thức đi vào hoạt động, tuyến vận tải ven biển đã và đang phát huy được tối đa sự kết nối giữa các cảng thủy nội nằm sâu trong đất liền với các cảng biển, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu để sớm triển khai tuyến vận tải Việt Nam - Thái Lan - Campuchia. Qua triển khai phương án thay thế tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài vận tải công-ten-nơ nội địa bằng tàu Việt Nam, sản lượng vận tải nội địa của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã tăng khoảng 8% - 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đội tàu đưa vào khai thác nội địa tăng từ 19 tàu lên 34 tàu so với trước đây“, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, về công tác đầu tư, phát triển KCHTGT: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã hoàn thành đúng và vượt tiến độ 33 công trình, dự án; hoàn tất công tác chuẩn bị, khởi công 13 công trình, dự án. Đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo khách quan, đánh giá đúng thực chất các chủ thể tham gia hoạt động quản lý, thực hiện dự án; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ. Đã tổ chức đánh giá công tác đầu tư KCHTGT theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015. Tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn 1, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ đang tích cực làm việc với Bộ Xây dựng để nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án tuyển chọn kiến trúc công trình xây dựng nhà ga và đài kiểm soát không lưu; đồng thời, Bộ cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tập trung nghiên cứu và xây dựng cơ chế đặc thù về công tác GPMB cho Dự án, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7/2016.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Bộ cũng đã triển khai thực hiện đầu tư 41 cầu treo dân sinh giai đoạn 2, trong đó: 21 cầu đã hoàn thành, 17 cầu đang triển khai thi công. Bộ cũng đã phê duyệt dự án đầu tư và đang tiến hành rà soát, chuẩn xác lại danh mục các cầu trong phạm vi 50 tỉnh trên cả nước để đưa vào Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương.

Kết quả thực hiện các dự án ước đạt trên 27 nghìn tỷ đồng, đạt 40,85%; giải ngân gần 28 nghìn tỷ đồng, đạt 41,75% kế hoạch năm 2016. Các cơ quan, đơn vị đã lập, trình duyệt quyết toán 399 công trình, dự án, đạt 52% kế hoạch; hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 374 công trình, dự án, đạt 52% kế hoạch năm 2016.


Tại Cần Thơ


Tại Đà Nẵng

Hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ TƯ cũng được đảm bảo hoạt động tốt. Tổng thu phí sử dụng đường bộ 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2.947,4 tỷ đồng, đạt 47,45% kế hoạch năm 2016. Đã giao kế hoạch chi Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương năm 2016 cho Tổng cục ĐBVN với tổng giá trị 7.149,8 tỷ đồng và đã giải ngân 3.710 tỷ đồng; hoàn tất thủ tục phân bổ nguồn 35% từ thu phí ô tô cho Quỹ BTĐB các địa phương với tổng số tiền là 2.476,6 tỷ đồng và đã giải ngân 1.180 tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được triển khai tích cực. Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, phê duyệt đơn vị tư vấn và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đối với 02 Bệnh viện và 02 Trường thuộc Bộ. Đồng thời, đánh giá kết quả cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương, trên cơ sở đó sẽ phối hợp với Bộ Y tế để hoàn thiện phương án cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đã hoàn thành quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với 11 công ty cổ phần; đã phê duyệt ANA Airlines Nhật Bản là cổ đông chiến lược của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP và 2 bên đã chính thức hoàn thiện ký kết hợp đồng mua bán cổ phần; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã hoàn thành việc chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/4/2016 và Bộ đã phê duyệt Tập đoàn ADP là nhà đầu tư chiến lược của ACV, dự kiến cơ bản hoàn thành các nội dung chính của hợp đồng trong tháng 9/2016; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ theo kế hoạch, đặc biệt là đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)…

Về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện, ban hành Quy định đánh giá, xếp hạng năng lực nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP do Bộ GTVT quản lý. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành.

Cùng đó, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 46 công trình, dự án; hoàn tất thủ tục chuẩn bị để khởi công, triển khai xây dựng 34 công trình, dự án. Quyết liệt, đẩy nhanh việc hoàn thành quyết toán các dự án, đặc biệt là các dự án BOT. Tập trung xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 Dự án đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo kế hoạch đã xây dựng. 

6 tháng đầu năm, TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí

Hội nghị cũng được nghe Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch báo cáo về tình hình bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT 6 tháng cuối năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Thạch cho biết, tình hình an ninh, trật tự tại các đầu mối vận tải trọng điểm được duy trì tốt, không để xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông kéo dài. Đã triển khai thực hiện tốt kế hoạch bảo đảm TTATGT phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cuộc bầu cử HĐND các cấp và Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường, triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, đến nay, phương tiện vi phạm chở hàng quá tải đã giảm hẳn (giảm khoảng 91% so với thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm soát tải trọng đồng loạt trên phạm vi toàn quốc), đã có 212/222 doanh nghiệp cảng biển ký cam kết không xếp hàng hoá quá trọng tải quy định. Trong 6 tháng đầu năm, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra 500.432 xe, phát hiện, xử lý 36.871 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 7,37%).

Tình hình TNGT 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015, cả nước xảy ra 10.227 vụ, làm chết 4.362 người, làm bị thương 8.939 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 952 vụ (-8,52%), giảm 116 người chết (-2,59%), giảm 1.213 người bị thương (-11,95%).

Việc hoàn thành đưa vào khai thác một số công trình hầm đường bộ, cầu vượt tại TP. Hà Nội và đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt, xe khách kết nối Trung tâm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với các Sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã góp phần giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tại TP. Hà Nội, đã giải quyết được 13/44 điểm ùn tắc giao thông; trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, chỉ xảy ra 12 vụ ùn ứ giao thông (không quá 30 phút).

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Hoằng cũng trình bày tại Hội nghị Báo cáo về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư 6 tháng đầu năm, giải pháp bảo đảm hoàn thành công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2016;

Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc báo cáo về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2016.

Ngay sau phần trình bày báo cáo chuyên đề của lãnh đạo các cơ quan tham mưu Bộ GTVT, các đại biểu tham dự Hội nghị tại Trụ sở Bộ GTVT và các điểm cầu đã có nhiều ý kiến đóng góp vào các báo cáo cũng như các đề xuất về cơ chế, các giải pháp nhằm phát triển hạ tầng giao thông và đảm bảo TTATGT hiệu quả hơn.

Cục trưởng Cục QLXD&CL CTGT Trần Xuân Sanh khẳng định, nhiều dự án giao thông đã hoàn thiện rất lâu nhưng chưa thể làm hồ sơ hoàn công và quyết toán được. Phân tích về các nguyên nhân chủ quan và khách quan, ông Sanh cho rằng các nhà thầu không lưu tâm đến việc này từ lúc bắt đầu triển khai dự án, nên khi hoàn thiện thì hồ sơ không đúng thời gian, khối lượng và yêu cầu thủ tục.

Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Xuân Sanh cho rằng đây là trách nhiệm của các Ban QLDA, khi thực hiện dự án đến đâu phải làm theo hồ sơ đến đó và khi dự án hoàn thành thì Ban QLDA phải  mời TVGS, nhà thầu hoàn thiện hồ sơ hoàn công, có thể đối chiếu với nhật ký công trình để hoàn thiện hồ sơ hoàn công…

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Nguyễn Xuân Cường khẳng định, với tinh thần không bao che, không dung túng, Tp.HCM đang quyết liệt dẹp nạn xe dù, bến cóc trên địa bàn Thành phố. 6 tháng, các bến bãi tự phát giảm từ 150 xuống còn 40 vị trí; khu vực trung tâm mất ATGT vì bến cóc xe dù đã được cải thiện rõ rệt. “Thành phố cũng đang triển khai các buổi làm việc, tìm cơ chế phù hợp đầu tư bến bãi để giải quyết triệt để vấn đề này”, ông Cường cho biết.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết Thành phố cũng đang tập trung phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Cảng  Cát Lái quy hoạch lại hạ tầng, xây dựng cầu vượt…

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Thành phố cũng đã và tăng cường kiểm tra xử lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. 6 tháng đầu năm, Hà Nội 11562 trường hợp, thu phạt hơn 21 tỷ đồng; tước hơn 1000 GPLX. Thành phố cũng đang có chủ trương mở thêm 8 tuyến vận tải hành khách công cộng; Sắp xếp khoa học các bến xe, giảm việc đi qua các khu trung tâm; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng; tăng cường kiểm soát kinh doanh vận tải…
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất với Chính phủ có cơ chế đặc thù cho việc cấp bách giải quyết các điểm đen đảm bảo ATGT; chế tài quản lý xe taxi truyền thống và taxi Uber, Grap…

Đánh giá năng lực quản lý dự án qua khả năng quyết toán công trình

Kết luận tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa hoan nghênh và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị đồng thời yêu cầu văn phòng tiếp thu để lấy cơ sở đưa vào nhiệm vụ cần triển khai trong 6 tháng cuối năm cũng như các năm sau.

Đánh giá về công tác giải ngân 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, đây  là năm chuyển giao của 2 nhiệm kỳ nên ít nhiều ảnh hưởng đến nhiệm vụ triển khai nhiệm vụ của ngành GTVT.


Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo tại Hội nghị

“Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho GTVT còn hạn hẹp, do vậy các cơ quan chức năng cần phải lựa chọn dự án cấp bách, có sự lan toả, kết nối của từng địa phương, từng vùng để đầu tư”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định,  thời gian vừa qua ngành GTVT đã triển khai được nhiều dự án BOT, điều này góp phần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Trong 6 tháng cuối năm và trong nhiệm kỳ 2016-2020, ngành GTVT vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án BOT nhưng tập trung vào các dự án mới và minh bạch chọn lựa dự án, chọn lựa nhà đầu tư,minh bạch công tác thu phí cũng như quyết toán trong quá trình đầu tư, hoàn thành dự án, và đặc biệt là tại mỗi khu vực, địa phương có dự án BOT thì người dân vẫn có quyền lựa chọn quyền đi lại của mình.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định, việc giải ngân, thanh quyết toán công trình  trong thời gian vừa rồi chưa tốt, đối với cả 2 nguồn là ngân sách nhà nước và đầu tư đều chậm.

“Hiện Bộ đang thành lập hội đồng đánh giá năng lực của các Ban Quản lý dự án công trình giao thông ở cả địa phương và các Ban trực thuộc Bộ. Theo quan điểm của Bộ thì năng lực quyết toán dự án cũng thể hiện năng lực quản lý dự án của các Ban QLDA. Bộ sẽ xem xét năng lực của các Ban QLDA ở địa phương, nếu tốt sẽ giao quyền quản lý; các Ban thuộc Bộ, nếu chưa quyết toán được các dự án đã hoàn thành thì sẽ không được giao thêm việc mới”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho biết, Bộ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện thu phí tự động, tránh tiêu cực; Bộ GTVT cũng đang tập trung hoàn thiện đề án đường cao tốc Bắc Nam từ  Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh; kiện toàn và nâng cao năng lực ngành Đường sắt; tăng cường các phương thức vận tải để giảm tải cho đường bộ...

Đối với công tác đảm bảo TTATGT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, 6 tháng đầu năm mặc dù giảm nhưng nếu không quyết liệt thì 6 tháng cuối năm sẽ việc hoàn thành mục tiêu là rất khó, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, nhiều vụ TNGT đường thủy.

“Kết quả đạt được là nhờ sự sâu sát, nỗ lực của lãnh đạo các địa phương, các cấp các ngành. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, Bộ GTVT đề nghị các địa phương, các cơ quan nhà nước kiện toàn văn bản, thể chế, bộ máy thực hiện công tác đảm bảo TT ATGT”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

 

Cổng Thông tin Bộ GTVT

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây