Nhượng quyền khai thác đường cao tốc: Giải pháp huy động vốn sáng tạo

Thứ năm - 25/05/2017 13:00. Xem: 71
Xung quanh Đề án nhượng quyền vận hành, khai thác (O&M) Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Thế Cường khẳng định trong bối cảnh các nguồn lực hạn chế như hiện nay thì việc nhượng quyền khai thác các tuyến đường cao tốc được coi là giải pháp huy động vốn sáng tạo, thông minh.    

 

đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đề xuất Bộ Giao thông chuyển nhượng quyền khai thác Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Vậy Ông có thể cho biết câu chuyện này là như thế nào?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường: Đúng là như thế. VEC thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc đầu tư các tuyến đường cao tốc quốc gia. Hiện nay trong bối cảnh nợ công của Chính phủ đã chạm trần, khả năng huy động nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc là rất khó khăn, do vậy từ năm 2016 VEC đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp huy động vốn để đầu tư mới các tuyến đường cao tốc, trong đó có việc chuyển nhượng vận hành khai thác các dự án đường cao tốc đã xây dựng, tức là lấy hạ tầng đã được đầu tư để chuyển nhượng, tạo nguồn vốn đầu tư các tuyến đường cao tốc mới – “Lấy hạ tầng tạo ra hạ tầng”. Đây cũng là chủ trương mới Chính phủ đang chỉ đạo triển khai.

Đề án nhượng quyền khai thác Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được VEC nghiên cứu hơn 1 năm, hiện Đề án đã được trình lên Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Chính phủ để xin chủ trương trước khi thực hiện. Cũng cần làm rõ thêm, đây là chủ trương nhượng quyền vận hành khai thác chứ không chỉ đơn thuần là bán quyền thu phí. Trước đây phần lớn ở các dự án chỉ thực hiện bán quyền thu phí, tức là Chủ đầu tư tuyến đường đó vẫn phải thực hiện công tác sửa chữa, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường; nhưng Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền vận hành khai thác thì họ sẽ phải nhận cả quyền thu phí, khai thác vận hành, duy tu bảo dưỡng… tuyến đường. Nếu khai thác quá mức, họ sẽ phải chi phí cho duy tu rất lớn – Đây là hình thức để gắn trách nhiệm Nhà đầu tư nhận nhượng quyền - vừa khai thác, vừa phải duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng tuyến đường, tránh tình trạng Nhà đầu tư chỉ tập trung tận thu nguồn thu phí mà lơ là công tác bảo dưỡng, bảo trì  tuyến đường, làm ảnh hưởng chung đến chất lượng và tuổi thọ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Quyền lợi của Nhà đầu tư sẽ được đảm bảo như thế nào khi họ nhận nhượng quyền khai thác Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường: Đối với người chuyển nhượng, như VEC, việc huy động nguồn vốn đòi hỏi có nhu cầu đầu tư ngay, trong khi việc hoàn vốn một tuyến đường cao tốc thường kéo dài 20-30 năm. Vì thế, nếu chờ hoàn vốn tuyến đường này rồi mới tiếp tục đầu tư tuyến đường mới thì hệ thống giao thông vận tải nước nhà khó bắt kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Việc chuyển nhượng ngay đồng nghĩa với việc Nhà đầu tư đầu tư vốn ban đầu và tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai. Bên chuyển nhượng – VEC – sẽ có nguồn vốn đầu tư ngay; còn đối với Nhà đầu tư, họ sẽ thu phí, khai thác trong quãng thời gian căn cứ vào hợp đồng nhượng quyền và họ tìm kiếm lợi nhuận trong quá trình khai thác tuyến đường.

Rõ ràng việc bỏ ra một số tiền không nhỏ để được nhận quyền khai thác Nhà đầu tư đòi hỏi phải có những ràng buộc về vấn đề tài chính. Vậy, nhượng quyền khai thác có làm tăng thời gian thu phí của tuyến đường khi mà mức tăng trưởng lưu lượng không như kỳ vọng của Nhà đầu tư?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường: Nhượng quyền khai thác là một hình thức hợp tác công-tư (PPP): Nhà đầu tư bỏ vốn và được nhận quyền khai thác tuyến đường để hoàn vốn. Thời gian thu phí kéo dài bao lâu là dựa trên cơ sở giá trị chuyển nhượng. Hiện VEC xây dựng rất nhiều kịch bản, phương án về thời gian chuyển nhượng, có thể 20 năm, 25 năm hay 30 năm, tùy theo số vốn Nhà đầu tư có thể huy động để chi trả. Nhìn chung, theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, thời gian nhượng quyền khai thác thường kéo dài 25-30 năm. Các tuyến đường cao tốc VEC đầu tư hiện đang áp dụng mô hình của Hàn Quốc – đầu tư theo hình thức BOO (Xây dựng – Sở hữu – Khai thác). Các nước trên thế giới, đặc biệt như Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng rất phổ biến hình thức đầu tư này: Nhà đầu tư là doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước bỏ vốn đầu tư ban đầu, sau đó khai thác vận hành; sau khi hoàn vốn sẽ tiếp tục khai thác thu phí tuyến đường để đầu tư các tuyến cao tốc mới, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Do vậy, việc chuyển nhượng khai thác tuyến đường chỉ là chuyển nhượng trong một giai đoạn nhất định, còn thời gian thu phí không bị kéo dài hay rút ngắn như các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT.

Lưu lượng phương tiện của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình luôn ấn tượng và liên tục tăng, đặc biệt trong 3 năm gần đây, mức tăng trưởng đạt 20–30%/năm, luôn cao hơn dự báo trong phương án tài chính.

Lưu lượng phương tiện của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình luôn ấn tượng và liên tục tăng, đặc biệt trong
 3 năm gần đây, mức tăng trưởng đạt 20–30%/năm, luôn cao hơn dự báo trong phương án tài chính. Ảnh Vietnam+

Trong Đề án nhượng quyền O&M, có một đề xuất rất đáng chú ý, đó là khi nguồn thu thu phí của Nhà đầu tư giảm hơn 20% so với mức kỳ vọng sẽ có hình thức hỗ trợ Nhà đầu tư. Cụ thể hình thức này là như thế nào, thưa Ông?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường: Đây là một trong những giải pháp, cơ chế về phòng ngừa rủi ro được đặt ra trong các hợp đồng hợp tác công-tư (PPP). Kinh nghiệm của hầu hết các nước trên thế giới, việc hợp tác giữa các đối tác công-tư đều có những ràng buộc với nhau về quyền và nghĩa vụ.

Như mọi người đều biết, nguồn vốn đầu tư các tuyến đường cao tốc là rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài 20-30 năm. Đây là khoảng thời gian rất dài, những rủi ro trong tương lai là rất khó lường trước hết được. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, các Nhà đầu tư thường đề xuất cơ chế phòng ngừa rủi ro về doanh thu, tức là trong trường hợp doanh thu bị sụt giảm đến ngưỡng nào đó thì Nhà nước sẽ hỗ trợ; ngược lại, nếu doanh thu tăng vượt ngưỡng quy định, Nhà nước sẽ thu thêm tỷ lệ phần tăng thêm. Tất nhiên, điều này đòi hỏi phải có cơ chế giám sát thực hiện hợp đồng các bên rất chặt chẽ. Cơ chế phòng ngừa rủi ro về doanh thu không phải là cơ chế mới, mà đã được các quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng khá phổ biến.

Khi doanh thu của Nhà đầu tư sụt giảm theo ngưỡng quy định, tùy theo cách đặt vấn đề trong hợp đồng, có thể có 2 cách: một là Nhà nước sẽ bù trực tiếp; hai là kéo dài thời gian thu phí. Thông thường những Nhà đầu tư có nguồn lực tài chính mạnh thì họ thường áp dụng hình thức kéo dài thêm thời gian thu phí; còn hầu hết các Nhà đầu tư thông thường lại không muốn áp dụng hình thức đó, vì khi doanh thu của Nhà đầu tư sụt giảm tức thì thì họ rất cần đảm bảo để bù ngay được dòng tiền của họ. Đó là đề xuất của các Nhà đầu tư khi vào Việt Nam hiện nay, không chỉ ở các dự án đường cao tốc do VEC đầu tư, mà ngay cả các dự án BOT hay PPP Chính phủ đang kêu gọi đầu tư thì họ đều đề xuất hướng phòng ngừa rủi ro này.

Đối với Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hiện có bao nhiêu Nhà đầu tư quan tâm mong muốn được nhượng quyền vận hành khai thác và tính khả thi của Đề án, thưa Ông?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường: Hiện nay, trong quá trình triển khai, VEC đã tiếp xúc rất nhiều đối tác trên thế giới, như Nhà đầu tư Vinci (Pháp) – nhà chuyển nhượng cao tốc hàng đầu châu Âu, hay Cintra (Tây Ban Nha); Nexco Central (Nhật Bản); KEC, Doosan (Hàn Quốc). Đặc biệt gần đây phía Nhật Bản đã cử đoàn gồm các Nhà đầu tư tỉnh Aichi quan tâm đến lĩnh vực này và thường xuyên trao đổi, phối hợp với VEC để nghiên cứu các đề án về chuyển nhượng.

Vấn đề nhượng quyền khai thác là hình thức khá phổ biến trên thế giới và đem lại hiệu quả tích cực trong huy động vốn tái đầu tư hạ tầng giao thông. Việc nhượng quyền khai thác Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có điểm gì mới và có tránh được tình trạng tái diễn như các dự án BOT thời gian qua như việc Nhà đầu tư bắt buộc phải miễn phí, giảm phí?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Cường: Thực ra câu chuyện chuyển nhượng quyền khai thác vận hành chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và hoàn toàn khác với hình thức hợp đồng BOT. Cũng cần phải nói rõ, việc đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua là việc ký kết hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư thực hiện đầu tư tuyến đường từ khi giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng cho đến khai thác vận hành, trải qua nhiều công đoạn trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Việc nhượng quyền khai thác những dự án đường bộ cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư là nhượng quyền những dự án đã hoàn thành và đã đưa vào khai thác, đã xác định rõ nguồn vốn đầu tư, kinh phí đầu tư, doanh thu thực tế và tăng trưởng lưu lượng hàng năm… Nghĩa là, các yếu tố đầu vào tương đối ổn định và rõ ràng, sai số sẽ nhỏ hơn so với các dự án đầu tư theo hình thức BOT. VEC cũng như các Nhà đầu tư sẽ có những cơ sở vững chắc để xác định các thông số liên quan đến thời gian thu phí hoàn vốn.

Mức tăng trưởng lưu lượng tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện nay diễn biến như thế nào, thưa Ông?

Từ khi đưa vào vận hành khai thác, tăng trưởng lưu lượng của Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình luôn ấn tượng và liên tục, đặc biệt trong 3 năm gần đây, mức tăng trưởng đạt 20–30%/năm, luôn cao hơn dự báo trong phương án tài chính.

Xin cảm ơn Ông!

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây