Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiểm tra khu vực khó GPMB
trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ (Giai đoạn 2)
Dự án cải tạo nâng cấp cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2 dài 30 km tại Hà Nội đi qua địa phận quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín và huyện Phú Xuyên sẽ được xây dựng hoàn chỉnh, với 6 làn xe (xây dựng thêm mỗi bên một làn xe) chiều rộng nền đường mở thành 33,5m.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án hiện đã nhận bàn giao mặt bằng được 85% diện tích, hiện còn hơn 3km bị vướng không thi công được do xôi đỗ và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Còn lại gần 9km chưa bàn giao do vướng đất nông nghiệp, đất công chưa phê duyệt và vướng mắc các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất thổ cư chu yếu năm trên địa phận huyện Thường Tín do có khó khăn trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.
Thứ trưởng kiểm tra tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ
Huyện đang tích cực tuyên truyền vận động người dân chấp hành và cũng có những kiến nghị đối với thành phố để tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ đền bù.
Hiện dự án đã thi công được khoảng 50% khối lượng, chủ đầu tư cho biết nếu sẽ hoàn thành thi công dự án trên toàn bộ phần mặt bằng được bàn giao trước 31/12 năm nay.
Sau khi kiểm tra tại thực địa, tại buổi làm việc với lãnh đạo Huyện Thường Tín cũng như đại diện bà con trong vùng dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh, Dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ là dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy, Bộ sẽ cùng với thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn trong cơ chế GPMB, đẩy nhanh tiến độ dự án, quyết tâm hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018, góp phần giảm ùn tắc tuyến đường cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.
Để kịp tiến độ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu nhà đầu tư mà cụ thể là Doanh nghiệp BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, máy móc, thiết bị thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, có mặt bằng đến đâu làm đến đó.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật làm việc với lãnh đạo địa phương
và cam kết cùng Hà Nội đảm bảo quyền lợi cho bà con khu vực dự án
“Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công, nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý đến an toàn giao thông trên tuyến vì vừa thi công, vừa lưu thông bình thường nên phải có hệ thống cảnh báo ATGT để tránh tuyệt đối tai nạn, thiệt hại về người và phương tiện. Cùng đó phải đảm bảo môi trường, môi sinh và cảnh quan cho khu vực cửa ngõ Thành phố, không làm ảnh hưởng đến tập quán sinh hoạt của bà con khu vực dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nghiêm khắc yêu cầu.
Đối với địa phương, Thứ trưởng trân trọng sự đóng góp của bà con địa phương đã giành quỹ đất cho dự án, góp phần giúp Ngành GTVT hoàn thành nhiệm vụ, là điều kiện tốt để lưu thông, phát triển kinh tế, cải tạo mạng lưới giao thông khu vực cửa ngõ Thủ đô thường xuyên xảy ra ùn tắc vào các dịp lễ, tết.
“Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ GTVT luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp và địa phương phát triển. Đối với dự án này, Bộ luôn luôn lắng nghe, trân trọng ý kiến của lãnh đạo và nhân dân địa phương đồng thời thống nhất, tiếp thu các đề xuất của địa phương trong việc đền bù GPMB. Sau khi có văn bản chính thức của địa phương gửi đến Bộ, Bộ GTVT sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, xử lý mọi yêu cầu của địa phương, phần nào của Bộ sẽ phải giải quyết ngay, phần nào thuộc Hà Nội, Bộ sẽ có đề xuất để đảm bảo quyền lợi của bà con, của địa phương và tạo điều kiện cho nhà đầu tư có mặt bằng đẩy nhanh tiến độ dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện