Đầu tư công ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Thứ ba - 07/11/2017 12:00. Xem: 86
Chính phủ đề xuất Quốc hội áp dụng hình thức đầu tư công đối với 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020      

 

14

Chinh phủ đề xuất đầu tư, mở rộng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, từ 2 làn lên 4 làn bằng hình thức đầu tư công - Ảnh: Tạ Tôn

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thay vì làm BOT, Chính phủ đề xuất Quốc hội áp dụng hình thức đầu tư công đối với 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. 

Phương án lựa chọn phù hợp

Theo Tờ trình của Chính phủ gửi đến Quốc hội, giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư khoảng 654km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chia thành 11 dự án thành phần. Trong đó, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT đối với 8 dự án thành phần thuộc các đoạn Mai Sơn - Bãi Vọt, Nha Trang - Dầu Giây. Còn lại, 3 dự án thành phần, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 phải áp dụng hình thức đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15km, hiện đang thực hiện đầu tư với quy mô hai làn xe nên việc dừng lại để đầu tư theo hình thức PPP là không phù hợp, để hoàn chỉnh thành quy mô 4 làn xe chỉ cần bổ sung vốn Nhà nước khoảng 1.612 tỷ đồng. Đối với đoạn Cam Lộ - La Sơn, theo Nghị quyết 66 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh cần đầu tư giai đoạn 2014-2017 theo hình thức BT. Theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải đoạn Cam Lộ - La Sơn có lưu lượng thấp hơn so với các đoạn ưu tiên đầu tư giai đoạn 2017-2020 nên khả năng thu hút các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT rất khó khăn.

Lưu lượng xe thấp không khả thi làm BOT

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trong Tờ trình về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ đưa ra 11 dự án thành phần. Trong đó, 3 dự án thành phần đầu tư bằng hình thức đầu tư công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.

Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ đưa ra. Bởi, đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu chỉ dài 7km, ở đầu và cuối cầu Mỹ Thuận 2 đã có các dự án BOT là Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Bây giờ, chúng ta tiếp tục làm dự án cầu Mỹ Thuận 2 bằng hình thức BOT sẽ rất khó để thuyết phục người dân, nên dự án này thực hiện bằng hình thức đầu tư công là hợp lý. Đối với đoạn Cam Lộ - La Sơn lưu lượng xe không nhiều. Việc kêu gọi đầu tư bằng BOT sẽ rất khó khăn vì phương án thu hồi vốn cho nhà đầu tư không đảm bảo nên Nhà nước phải đầu tư.

Hoài Thu (Ghi)

Còn lại, dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tĩnh không thông thuyền lớn nên phải sử dụng kết cấu đặc biệt (cầu dây văng), tổng mức đầu tư cao, việc đầu tư theo hình thức BOT sẽ không hiệu quả, khó đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tuyến cao tốc và việc giải ngân toàn bộ phần vốn Trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2017-2020 không khả thi.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, việc áp dụng hình thức đầu tư công cho 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 theo báo cáo của Chính phủ là phù hợp. Ông Kiên phân tích, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã được đầu tư hai làn bằng vốn Nhà nước, nếu bây giờ để nhà đầu tư mở rộng thêm hai làn bằng hình thức BOT, rồi cho nhà đầu tư thu phí cả dự án sẽ không phù hợp.

“Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn chỉ dài khoảng 15km và đã làm được một nửa (2 làn), Nhà nước tiếp tục bỏ vốn đầu tư để mở rộng lên 4 làn sẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Kiên nói và cho biết, cầu Mỹ Thuận 2 là dự án ưu tiên đặc biệt của Chính phủ để thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Tây Nam bộ.

“Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 7km, tổng mức đầu tư cao, không phù hợp đầu tư bằng hình thức BOT, nên áp dụng hình thức đầu tư công là hợp lý. Đến khi hoàn thành, có thể thu phí hay không thu phí sẽ tùy thuộc vào giai đoạn sau”, ông Kiên chia sẻ.

Đề cập đến đoạn Cam Lộ - La Sơn, ông Kiên cho biết, theo Nghị quyết 66/2013 của Quốc hội về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh cần đầu tư đoạn tuyến này trong giai đoạn 2014 - 2017 theo hình thức BT. “Bản chất của các dự án BT là Nhà nước bố trí ngân sách trả sau cho nhà đầu tư, nên việc lựa chọn đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công là hợp lý”, ông phân tích.

Đảm bảo hiệu quả đầu tư, loại bỏ bất cập

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Chính phủ về phương án đầu tư các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam. “Bộ GTVT và Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư BOT đối với 8 dự án cao tốc làm mới hoàn toàn trên tuyến Bắc - Nam là phù hợp, chắc chắn sẽ không có ý kiến phản đối khi tiến hành thu phí. Còn lại, dự án chỉ mở rộng thêm hai làn như Cao Bồ - Mai Sơn và hai dự án đặc thù gồm: Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 áp dụng hình thức đầu tư công là phù hợp”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, thời gian qua, chủ trương thu hút nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông rất đúng đắn. Thực tế, chủ trương này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn một số tồn tại như một số tuyến đường nhà đầu tư chỉ nâng cấp, mở rộng rồi tiến hành thu phí dẫn tới phản ứng của người dân tại một số trạm thu phí.

“Đối với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, hiện chúng ta đã làm được hai làn, nên việc đầu tư, mở rộng thêm tuyến đường lên 4 làn theo hình thức đầu tư công là cần thiết. Riêng với dự án cầu Mỹ Thuận 2, tổng mức đầu tư lớn, áp dụng hình thức đầu tư công sẽ hiệu quả hơn làm BOT. Sau khi hoàn thành, Nhà nước có thể thu phí để hoàn vốn, bởi thu phí cầu người dân sẽ đồng tình”, ông Thanh chia sẻ.

Liên quan đến hình thức đầu tư các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ: “Đối với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và cầu Mỹ Thuận 2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cơ bản tán thành áp dụng hình thức đầu tư công, sau đó tổ chức thu phí, do việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT có chi phí đầu tư cao và không hiệu quả bằng đầu tư công”.

Đối với đoạn Cam Lộ - La Sơn, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, việc áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT là không phù hợp. “Dự án qua đoạn này chỉ có quy mô 2 làn xe và khó có thể tổ chức thu phí kín. Trường hợp thu phí hở sẽ không đảm bảo được tính công bằng, dễ gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị việc thu phí đối với đoạn Cam Lộ - La Sơn nên áp dụng trong giai đoạn sau khi mở rộng thành 4 làn xe”, báo cáo thẩm tra cho biết.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây