Rốt ráo làm cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị

Thứ năm - 23/11/2017 12:00. Xem: 90
Bộ GTVT đã chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư về chủ trương nghiên cứu đầu tư bổ sung đoạn Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị vào dự án Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT.      

 

14

Dự án BOT Bắc Giang - TP Lạng Sơn, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500 đang được nhà đầu tư đẩy nhanh thi công, hoàn thành vào năm 2019

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị sẽ được bổ sung vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và phải hoàn thành vào năm 2020 để phát huy hiệu quả đầu tư của toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Đồng thuận cao làm BOT

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn dài 153km sẽ hoàn thành đồng bộ vào năm 2020. Hiện nay, đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Giang dài 46km được đầu tư bằng hình thức BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 7/2016. Trong khi đó, 64km cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (TP Lạng Sơn), kết hợp với tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 đang được triển khai xây dựng theo hình thức BOT và sẽ hoàn thành trong năm 2019. Còn lại, 43km đoạn từ Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị đã được Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư ngày 14/6/2016 với tổng mức đầu tư khoảng 8.743 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2019.

“Tuy nhiên, do gặp những vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là phương án tài chính của dự án do VEC trình Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chưa được thống nhất và thông qua, khiến dự án khó hoàn thành theo kế hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Cửa khẩu Hữu Nghị vào năm 2020”, Văn bản 1189 ngày 1/7/2017 của UBND tỉnh Lạng Sơn gửi Bộ GTVT do ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ký nêu rõ.

Đoạn cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị chậm triển khai không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh Lạng Sơn mà còn đẩy nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn vào nguy cơ vỡ nợ do phương án tài chính của dự án bị phá vỡ. Ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC - nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) nói: “Khi tiếp nhận dự án, theo kế hoạch, đoạn cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị sẽ hoàn thành đồng bộ với dự án Bắc Giang - Chi Lăng vào năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, đoạn tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị vẫn không được thực hiện khiến lưu lượng xe của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sụt giảm so với tính toán ban đầu khi đi vào thu phí. Dòng tiền bị mất cân đối, phương án tài chính dự án bị phá vỡ, nhà đầu tư và ngân hàng sẽ không thể thu hồi vốn”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng, trong hợp đồng dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn quy định, ngoài các trạm thu phí kín trên tuyến cao tốc, nhà đầu tư còn sử dụng hai trạm thu phí hở trên QL1 tại Km 24+900 và Km 93+160 mới đảm bảo phương án tài chính. Việc đặt hai trạm thu phí trên QL1 hiện hữu là khó khả thi vì sẽ có phản ứng của người dân và xã hội.

“Trong điều kiện không bố trí vốn ngân sách Nhà nước để xử lý việc đã đầu tư tăng cường mặt đường QL1, bù đắp hoàn vốn phần đã đầu tư, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh phương án tài chính dự án theo hướng chỉ thu một trạm trên QL1. Điều chỉnh giá vé tăng vào thời điểm thích hợp khi hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; đồng thời bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng kết nối vào dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn và áp dụng  giá thu đồng nhất  trên toàn tuyến đường cao tốc đến cửa khẩu Hữu Nghị”, ông Thưởng cho biết.

Liên quan đến hình thức đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Bộ KH&ĐT cũng có Văn bản 7199 ngày 1/9/2017 và Bộ Tài chính có Văn bản 11481 ngày 29/8/2017 đều đồng thuận với đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn theo hướng, trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc thực hiện đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT sẽ giúp giảm áp lực vay nợ nước ngoài của Chính phủ.

15
Thi công dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn

Giảm áp lực nợ công, giảm cả thời gian thu phí

Về phía Bộ GTVT, trong Thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ngày 13/11/2017 cũng nêu rõ: “Để đảm bảo tính khả thi của dự án, kết nối và hoàn thành đồng bộ toàn tuyến cao tốc Bắc Giang - Cửa khẩu Hữu Nghị trước năm 2020, giảm nợ công của Chính phủ, Bộ GTVT thống nhất đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc giao nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nghiên cứu, tính toán phương án chuyển đổi hình thức đầu tư đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng từ nguồn vay ADB sang đầu tư bằng nguồn vốn trong nước đảm bảo hiệu quả cho toàn tuyến cao tốc”.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 18/11, trong phiên trả lời chất vấn của ĐBQH tại hội trường về kế hoạch triển khai đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - cửa khẩu Hữu Nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi đã trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và Bộ trưởng Bộ GTVT và đã thống nhất không dùng vốn nước ngoài mà làm đoạn tuyến từ Chi Lăng đi cửa khẩu Hữu Nghị bằng hình thức BOT trên tinh thần khắc phục những vấn đề còn tồn tại của hình thức này”.

Sau khi có ý kiến chấp thuận của các bộ, ngành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT giải pháp bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Cụ thể, nhà đầu tư đề xuất Bộ GTVT lựa chọn phương án bỏ một trạm thu phí Km 24+900 trên QL1; đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng triển khai năm 2018, hoàn thành năm 2020; Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng từ 10,81% (theo quy định của Nghị định 15/2015) lên 30%; Lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu đoạn Bắc Giang - TP Lạng Sơn giữ nguyên như hợp đồng dự án là 11,5%/năm, riêng lợi nhuận vốn chủ sở hữu đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng giảm còn 11%/năm; Thời gian hoàn vốn 23 năm; Tập trung nguồn lực đẩy nhanh thi công để tiết giảm tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng do giảm chi phí trượt giá,…

Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn khẳng định, các thông số tính toán cho thấy phương án tài chính của dự án khả thi và đạt được nhiều lợi ích. “Khi thực hiện phương án này, đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ không bị phá vỡ phương án tài chính, còn đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giảm được hơn 2 năm thời gian thu phí. Đồng thời, năm 2018 sẽ triển khai ngay được đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, đến năm 2020 hoàn thành đồng bộ tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc)”, ông Tự nói và cho biết, sử dụng nguồn vốn trong nước sẽ không làm tăng nợ công của Chính phủ. Hơn nữa, lộ trình tăng phí đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thấp hơn phương án vay vốn của ADB.

Trước đề xuất của nhà đầu tư, với chỉ đạo của Thủ tướng phải hoàn thành toàn tuyến cao tốc trong năm 2020, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đã chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư về chủ trương nghiên cứu đầu tư bổ sung đoạn Chi Lăng – Cửa khẩu Hữu Nghị vào dự án Bắc Giang – Lạng Sơn theo hình thức BOT và đồng thời đã gửi văn bản cùng Nhà đầu tư đề nghị đia phương đồng thuận để làm cơ sở báo cáo Thủ  tướng tổ chức thực hiện. “Xác định, nếu tách riêng đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ra thành một dự án, sẽ không thể hoàn được vốn. Do vậy, chủ trương của Bộ GTVT là bổ sung đoạn tuyến này vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn trên cơ sở tính toán lại phương án tài chính đảm bảo hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình”, ông Huy chia sẻ.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây