Kỷ lục buồn cho các dự án ODA giao thông

Thứ tư - 20/12/2017 12:00. Xem: 80
 Việc cấp vốn không đủ đang kìm hãm tiến độ giải ngân và thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA.  

 Lụt tiến độ giải ngân

Nếu không có gì thay đổi, Dự án Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (thuộc đường vành đai 3 - Hà Nội) sẽ tiến hành động thổ trước ngày 25/12/2017.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT) cho biết, các đơn vị thi công đã chủ động đề nghị độ̣ng thổ sớm hơn so với điều khoản Hợp đồng, nhằm đẩy nhanh công tác di dời, chặt hạ cây xanh có khối lượng rất lớn trên trục đường Phạm Văn Đồng.

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được giao vốn nhiều, nhưng lại giải ngân chậm so với kế hoạch giao vốn do vướng thủ tục pháp lý. Ảnh: Đức Thanh
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được giao vốn nhiều, nhưng lại giải ngân chậm so với kế hoạch giao vốn do vướng thủ tục pháp lý. Ảnh: Đức Thanh

Trước đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã trao 2 gói thầu xây lắp chính của Dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản cho liên danh Sumitomo - Cienco4 (gói thầu 1, với giá trúng thầu 1.448 tỷ đồng) và Tokyu - Taisei (gói thầu số 2, giá trúng thầu 1.210 tỷ đồng).

Trong trường hợp Dự án không kịp động thổ như kế hoạch đề ra, thì năm 2017 sẽ xác lập kỷ lục buồn là năm có số lượng công trình do Bộ GTVT quản lý sử dụng vốn ODA được khởi công ít nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tính tới thời điểm hiện tại, công trình xây dựng cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ (tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định) cũng do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ưu đãi của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF)là dự án mới duy nhất được khởi công trong năm 2017.

Không chỉ khan hiếm dự án mới được triển khai trên thực địa, trong năm 2017, hầu hết các dự án ODA giao thông đều giải ngân không đạt mục tiêu đề ra.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, năm 2017, các dự án ODA giao thông được giao 29.086 tỷ đồng, bao gồm 24.710 tỷ đồng vốn nước ngoài và 4.376 tỷ đồng vốn đối ứng. Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm 2017, tại 20 dự án sử dụng vốn vay từ 7 nhà tài trợ do bộ này quản lý, mới giải ngân được 19.186 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch.

Có hai nghịch lý giải ngân đang diễn ra tại các dự án ODA giao thông:

Một là, các dự án được giao vốn nhiều, nhưng lại giải ngân chậm so với kế hoạch giao vốn do vướng thủ tục pháp lý như Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam…; hoặc các dự án chậm có kết quả đấu thầu như Dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mê Công; Dự án Đầu tư cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 - Hà Nội.

Hai là, việc giao vốn thấp hơn năng lực thi công thực tế đang kéo chậm tiến độ triển khai ở nhiều dự án cao tốc trọng điểm. Tại Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), khối lượng giải ngân toàn công trình đã đạt 70% kế hoạch năm 2017 ( 2.610/3.778 tỷ đồng), so với tiến độ tổng thể (hoàn thành năm 2019) bị chậm khoảng 5%. Theo lý giải của VEC, khó khăn lớn nhất đối với dự án này là vốn đối ứng không đáp ứng kế hoạch và tiến độ dự án. Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung vốn đối ứng, đồng thời, một mặt chỉ đạo VEC tiếp tục ứng trước từ nguồn thu phí để chi trả cho những phạm vi cấp bách (các gói thầu đang thi công khu vực xử lý nền đất yếu, cần thời gian để gia tải).

Khó có thêm dự án mới

Theo Bộ GTVT, kế hoạch vốn ODA năm 2017 được giao thấp so với nhu cầu đang làm phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, nhất là chậm công tác giải phóng mặt bằng, trả thuế nhập khẩu thiết bị, trả thuế VAT...

Tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), vốn đối ứng năm 2017 bố trí cho Dự án quá thấp (8 tỷ đồng), trong khi nhu cầu dự kiến cần khoảng 350 tỷ đồng, nên chưa thể triển khai thực hiện công tác GPMB, dẫn đến chưa thể đấu thầu gói chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu Deport trong khi yêu cầu mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đặt ra là giải phóng mặt bằng 50% diện tích mới được triển khai thực hiện.

Tại Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, khối lượng giải ngân năm 2017 hiện đã đạt 2.529/2.419 tỷ đồng theo kế hoạch (104,5%), bao gồm cả khối lượng vốn do Thành phố chấp thuận tạm ứng trước 500 tỷ đồng trong khi chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn.

Theo số liệu của Ban Quản lý Đường sắt đô thị, tới tháng 11/2017, số vốn ODA đã giao chỉ đáp ứng 36% nhu cầu. Trong năm 2017, Metro số 1 cần tới hơn 5.400 tỷ đồng, tuy nhiên, Trung ương mới chỉ giải ngân được hơn 2.100 tỷ đồng. Theo thống kê của Ban Quản lý Đường sắt đô thị, hiện dự án này vẫn thiếu tới hơn 3.300 tỷ đồng.

Trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Trung ương phải giải ngân gần 21.000 tỷ đồng. Hiện nay, TP.HCM mới chỉ nhận được 7.500 tỷ đồng.

“Việc thanh toán các gói thầu đang gặp khó khăn do Kho bạc Nhà nước TP.HCM ngừng xác nhận các hồ sơ thanh toán của dự án. Nguyên nhân là, số vốn ODA đề nghị xác nhận thanh toán của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đến nay vượt kế hoạch vốn được giao”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

“Điều này làm phát sinh nguy cơ khiếu nại/khiếu kiện từ các nhà thầu nước ngoài, dẫn đến phải đền bù, đặc biệt ảnh hưởng tới cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ”, ông Đông nói.

Tuy nhiên, quan ngại lớn nhất của Bộ GTVT liên quan tới các dự án ODA là, khả năng có thêm các công trình ký được hiệp định tín dụng trong những năm tới sẽ rất thấp.

Tính đến đầu tháng 12/2017, Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Nâng cấp Quốc lộ 19) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới trị giá 150 triệu USD là công trình mới duy nhất ký được hiệp định tín dụng trong năm 2017. Trong khi đó, Bộ GTVT cũng phải chuyển đổi hình thức đầu tư từ vay ODA sang BOT đối với Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư 387 triệu USD, dù đã đạt được thỏa thuận vay vốn với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sau khi chủ đầu tư (VEC) không đáp ứng được năng lực vay.

Trước thực trạng trên, ông Đông cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT thấp hơn nhu cầu, nên việc thu hút thêm vốn ODA và vốn vay ưu đãi là rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc thu hút thêm vốn ODA thông qua ký kết các hiệp định vay mới cũng đang bị vướng do nợ công đã tiến gần mức trần theo Nghị quyết số 10/2011/NĐ - QH13 của Quốc hội.

“Chính phủ sớm có kế hoạch thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với khả năng cân đối tài chính của quốc gia cho từng lĩnh vực cụ thể để Bộ GTVT chủ động xây dựng kế hoạch thu hút vốn từ các nhà tài trợ”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Nguồn: http://baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây