Doanh nghiệp đề xuất không chỉ định thầu cao tốc Cao Bằng-Lạng Sơn

Thứ sáu - 04/01/2019 12:00. Xem: 84
Tập đoàn Đèo Cả đề nghị tỉnh Cao Bằng tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình đối tác công tư (PPP).      

 

Thi công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Tập đoàn Đèo Cả đề nghị tỉnh Cao Bằng đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng - Hữu Nghị)

Đấu thầu để dự án công khai, minh bạch

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận 451 ngày 7/12/2018, dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) sẽ được triển khai đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2025 do UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án phân kỳ đầu tư và cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 20%, ngân sách địa phương 20%, vốn của nhà đầu tư và vốn tín dụng 60%. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, ngân hàng và nhà thầu trong nước có năng lực, có kinh nghiệm để thực hiện dự án.

Liên quan đến dự án này, mới đây, Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị được tỉnh Cao Bằng mời tham gia Ban chỉ đạo dự án với vai trò là nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu dự án đã có văn bản đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng và Ban Chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ông Đỗ Văn Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận 451 ngày 7/12/2018 và Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức PPP, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ có hai phương án lựa chọn nhà đầu tư, gồm: Chỉ định thầu và đấu thầu rộng rãi trong nước.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, trường hợp thực hiện phương án chỉ định nhà đầu tư, UBND tỉnh Cao Bằng cần tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn cho dự án sẽ kéo dài và không đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, dư luận xã hội vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều đối với các dự án thực hiện theo phương án chỉ định nhà đầu tư. Hơn nữa, khi thực hiện chỉ định nhà đầu tư sẽ không thể hiện được trách nhiệm của các bên, thiếu khách quan và tạo ra tiền lệ xấu.

 “Do đó, để đảm bảo việc triển khai dự án công khai, minh bạch và khuyến khích các nhà đầu tư trong nước cùng tham gia nghiên cứu các giải pháp tối ưu, Tập đoàn Đèo Cả đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng lựa chọn phương án đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án”, Văn bản của Tập đoàn Đèo Cả nêu rõ.

Hoàn trả chi phí nhà đầu tư đề xuất dự án không trúng thầu

Trước đề xuất của nhà đầu tư đã và đang tham gia hàng loạt dự án PPP giao thông lớn trong nước (hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng - Hữu Nghị,…), vừa qua, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã có văn bản phản hồi về kiến nghị của Tập đoàn Đèo Cả. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Tập Đoàn Đèo Cả khẩn trương thực hiện lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định của Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức PPP để UBND tỉnh Cao Bằng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

“Tập đoàn Đèo Cả sẽ tham gia trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án. Trong trường hợp Tập đoàn Đèo Cả có hồ sơ đề xuất được phê duyệt nhưng không được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án, thì việc hoàn trả các chi phí lập hồ sơ dự án cho Tập đoàn Đèo Cả sẽ căn cứ theo quy định của Nghị định 63/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP”, Văn bản của UBND tỉnh Cao Bằng nêu rõ.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo quy hoạch trước đây, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được nghiên cứu dài 144km (TMĐT: 47.000 tỷ đồng). Sau khi được tỉnh Cao Bằng mời tham gia nghiên cứu dự án, Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Tư vấn xây dựng A2Z đã rà soát và tối ưu phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối với tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kéo dài đến hai cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam để phát huy hiệu quả kết nối các cửa khẩu của hai tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn và áp dụng các công trình hầm xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình, chiều dài dự án rút ngắn xuống 115km, tổng mức đầu tư giảm xuống còn khoảng 20.939 tỷ đồng.

Trên cơ sở nghiên cứu của tư vấn, cuối tháng 11/2018, UBND tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Chính phủ đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (TMĐT: 20.939 tỷ đồng) theo hình thức PPP, với cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 7.546 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư, vốn vay tín dụng 13.894 tỷ đồng.

Dự án được đề xuất phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 (từ 2019 - 2022) đầu tư đoạn từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP.Cao Bằng dài khoảng 80km, phần nền đường đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe đối với những vị trí đào sâu, đắp cao, phần móng và mặt đường làm 2 làn xe, phần cầu đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe… với tổng vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và 6.000 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư, vốn vay tín dụng.

Giai đoạn 2 (sau năm 2022) đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe cơ giới từ Lạng Sơn - TP Cao Bằng và làm tiếp đoạn tuyến từ TP.Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Nguồn: baogiaothong.vn

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây