Mắc mứu xử lý hậu thí điểm PPP cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Thứ ba - 12/02/2019 12:00. Xem: 94
Không dễ xác định chi phí cơ hội hợp lý để hoàn trả cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco) khi dừng thí điểm Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP, do chưa có tiền lệ.  

  .

 

Dừng cuộc chơi

Gần một năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Nghị quyết số 20/NQ-CP), những vấn đề liên quan đến quyền lợi của Bitexco trong vai trò là nhà đầu tư thứ nhất tại Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Tính chất khó khăn của vấn đề được cho là chưa từng có tiền lệ liên quan đến việc xác định chi phí cơ hội một cách hợp lý để hoàn trả cho Bitexco có thể thấy rõ qua Công văn số 895/BGTVT-ĐTCT dài tới 8 trang A4 vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, tại Nghị quyết số 20/NQ-CP, có hai nội dung quan trọng liên quan đến số phận khá long đong của Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, công trình đường cao tốc đầu tiên được Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) lựa chọn thí điểm đầu tư theo hình thức PPP từ khoảng 10 năm trước.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng triển khai Quyết định số 1597/QĐ-TTg ngày 26/10/2012 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện Dự án. Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án, chi phí cơ hội cho Bitexco và đàm phán với Bitexco theo 2 phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cụ thể, đối với phương án 1 - Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án, Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi Báo cáo Nghiên cứu khả thi (F/S) được phê duyệt.

Với phương án 2 - Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của Dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng triển khai dự án thí điểm, chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện Dự án là yếu tố khách quan, do thay đổi chủ trương đầu tư của Nhà nước. Nghị quyết số 20/NQ-CP cũng giao Bitexco tiếp tục hoàn chỉnh, cập nhật F/S của Dự án. Đến nay, Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt và đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Theo Bộ GTVT, Bitexco đã có ý kiến không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án, đồng thời kích hoạt phương án 1.

Chưa có tiền lệ

Nếu như việc tính toán khoản chi phí chuẩn bị đầu tư của Bitexco tương đối thuận lợi thì các cơ quan chức năng lại khá lúng túng trong việc xác định cơ sở xem xét, áp dụng và  phương pháp tính toán chi phí cơ hội mà Bitexco được hưởng.

Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, do trong hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc bồi thường chi phí cơ hội cho nhà đầu tư, nên nếu nhà đầu tư xác định chi phí cơ hội là một thiệt hại của mình thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự và văn bản pháp luật liên quan.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện không có văn bản pháp lý quy định khái niệm, phương pháp xác định, tính toán chi phí cơ hội. Để đảm bảo tính hợp lý và hài hòa lợi ích với mức độ chia sẻ rủi ro, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, tính toán chi phí cơ hội theo nguyên tắc dựa trên mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng thương mại đối với chi phí thực tế nhà đầu tư đã thanh toán.

Theo Bộ GTVT, dù chưa có tiền lệ về thanh toán cho nhà đầu tư chi phí cơ hội trong trường hợp thay đổi chủ trương đầu tư của Nhà nước, nhưng theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, việc xác định chi phí cơ hội cho Bitexco đối với Dự án Dầu Giây - Phan Thiết là có cơ sở.

Điều đáng nói là, không chỉ việc xác định cơ sở pháp lý, quá trình đàm phán xác định chi phí cơ hội cũng diễn ra khá căng thẳng, kéo dài hơn nửa năm giữa Bộ GTVT với Bitexco.

Vào tháng 6/2018, nhà đầu tư này cho rằng, trong trường hợp tiếp tục triển khai dự án PPP thí điểm, Doanh nghiệp Dự án sẽ được hưởng tỷ suất lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 19%/năm. Đây là giá trị đảm bảo tính khả thi của Dự án đã được công khai trong quá trình sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đầu tư thứ 2.

Trên cơ sở Nghị quyết số 20/NQ-CP và yêu cầu của Bộ GTVT, Bitexco đã lựa chọn  Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) để tính toán, xác định cụ thể chi phí cơ hội của Bitexco đối với dự án này. VVFC đã xác định, thu nhập của Bitexco bằng bình quân gia quyền của tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu theo Báo cáo Tài chính hàng năm của Bitexco trong thời gian thực hiện dự án (2007 - 2018).

Với tính toán này, cùng kết quả rà soát, thẩm định chi phí chuẩn bị đầu tư của Bitexco, tỷ suất lợi nhuận bình quân gia quyền của Bitexco được xác định tương đương 14%/năm; tương ứng chi phí cơ hội đối với phần chi phí Bitexco đã sử dụng từ năm 2007 - 2018 là 101,66 tỷ đồng; chi phí cơ hội của phần vốn phải chuẩn bị sẵn cho giai đoạn thực hiện đầu tư (2013 - 2015) là 2,963 tỷ đồng.

Song Bộ GTVT cho rằng, mức chi phí cơ hội bằng tỷ suất lợi nhuận là 11,77%/năm tương ứng mức lợi nhuận trung bình các dự án BOT giao thông trong thời gian vừa qua (và các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới được phê duyệt) mới phù hợp với thực tế hiện nay. Khi đó, chi phí cơ hội của Bitexco được Bộ GTVT xác định khoảng 79,529 tỷ đồng (giảm 25,095 tỷ đồng so với giá trị Bitexco đề xuất). Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, ngày 26/12/2018, Bitexco đã đồng thuận với chi phí này.

Được biết, tại Công văn số 895/BGTVT-ĐTCT, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao bộ này rà soát, chịu trách nhiệm đối với giá trị phần chi phí chuẩn bị đầu tư mà Bitexco đã thực hiện giai đoạn 2007 - 2018 (khoảng 84,1 tỷ đồng), thanh toán cho Bitexco bằng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án ngay sau khi F/S được phê duyệt.

“Đối với khoản chi phí cơ hội thanh toán cho nhà đầu tư, do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư trong trường hợp dừng thực hiện Dự án bởi chủ trương thay đổi từ Nhà nước, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp, việc hoàn trả chi phí cơ hội có thể xem xét tương tự như bồi thường thiệt hại được quy định tại Bộ luật Dân sự, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc xác định chi phí cơ hội như đã phân tích cho Bitexco”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Vai trò của Bitexco trong Dự án Dầu Giây - Phan Thiết
Tháng 9/2008, Bitexco được Chính phủ giao lập đề xuất Dự án.
Tháng 8/2009, WB chọn Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm sử dụng mô hình PPP mới của Việt Nam.
Tháng 10/2012, tại Quyết định số 1597/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế thí điểm theo hình thức PPP, trong đó, Bitexco đã được chỉ định là nhà đầu tư thứ nhất, giữ 60% cổ phần Doanh nghiệp Dự án.
 
Nguồn: baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây