Dự án tuyến metro số 1 Hà Nội: Lại thêm một lần điều chỉnh

Chủ nhật - 03/03/2019 12:00. Xem: 103
Chủ đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (Ngọc Hồi - Yên Viên) đang cần thêm “biển chỉ dẫn” mới để công trình có quy mô vốn lên tới 81.537 tỷ đồng chạy đúng hướng.

 Vướng thẩm quyền điều chỉnh

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình số 1471/TTr- BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (Ngọc Hồi - Yên Viên).

Trong số các nội dung quan trọng mà Bộ GTVT cần xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đáng lưu ý là vướng mắc liên quan đến thẩm quyền điều chỉnh các dự án thành phần vốn được phân kỳ nhiều lần trong quá trình nghiên cứu tuyến metro số 1.

Theo Tờ trình số 1471/TTr-BGTVT, trên cơ sở phương án phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT kiến nghị cho phép thực hiện Dự án giai đoạn I nhằm phục vụ trước mắt cho việc di dời hạ tầng đường sắt tại ga Hà Nội và ga Giáp Bát hiện có ra ga Ngọc Hồi, đáp ứng yêu cầu là khu đầu mối phía Nam của đường sắt quốc gia và là tiền đề phát triển đường sắt đô thị sau này. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đang tiến hành nghiên cứu điều chỉnh dự án giai đoạn IIA và các đoạn còn lại để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến chỉ đạo.

.

Phối cảnh Tổ hợp ga Ngọc Hồi.

 

Tuy nhiên, do Luật Đầu tư công năm 2014 không quy định cụ thể việc điều chỉnh dự án đang trong quá trình thực hiện, mà phát sinh các tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 33, Nghị định số 131/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về dự án trọng điểm quốc gia quy định, các dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các thay đổi thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia được tiếp tục triển khai thực hiện; chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện đến người quyết định đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện dự án.

“Do vậy, để triển khai Dự án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể về thủ tục. Trường hợp cần thiết xem xét, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội để có ý kiến chỉ đạo đối với kế hoạch triển khai toàn bộ dự án tương tự như 2 dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.HCM”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT kiến nghị.

Cần nguồn lực lớn

Cần phải nói thêm rằng, tuyến metro số 1 được bắt tay nghiên cứu rất sớm, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đã phải trải qua khá nhiều lần tách nhập và điều chỉnh.

Trong Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2002, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng được phân kỳ thành 3 giai đoạn: Giai đoạn I - xây dựng tổ hợp Ngọc Hồi, cải tạo ga Gia Lâm, ga Yên Viên, với mục đích là di dời toàn bộ ga Hà Nội và ga Giáp Bát; Giai đoạn II - xây dựng đoạn tuyến trên cao Gia Lâm - Ngọc Hồi và các ga trên tuyến (gồm cả thiết bị để khai thác đoạn này); Giai đoạn III - xây dựng đoạn Gia Lâm - Yên Viên, hoàn chỉnh đưa vào khai thác toàn bộ Dự án.

Song từ năm 2004 đến nay, Dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Tại thời điểm hiện tại, tuyến metro số 1 gồm các dự án thành phần: Giai đoạn I điều chỉnh; Giai đoạn IIA điều chỉnh và Giai đoạn IIB.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Dự án giai đoạn I điều chỉnh sẽ chỉ tập trung đầu tư xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi để đảm bảo hoạt động đồng bộ khi thực hiện di dời hạ tầng đường sắt tại ga Hà Nội và ga Giáp Bát ra ga Ngọc Hồi. Vào tháng 4/2017, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án với tổng mức đầu tư là 19.046 tỷ đồng, thời gian hoàn thành là năm 2024.

Trong khi đó, Dự án Giai đoạn IIA điều chỉnh có mục tiêu xây dựng đoạn tuyến Ngọc Hồi - ga Giáp Bát và ga Giáp Bát - ga Hà Nội. Trên cơ sở phương án phân kỳ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn nghiên cứu điều chỉnh Dự án (trong đó có nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao đi chung kết cấu hạ tầng). Theo dự kiến của tư vấn, tổng mức đầu tư của Dự án giai đoạn IIA khoảng 30.427 tỷ đồng. Đối với đoạn tuyến còn lại (từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm và kéo dài đến ga Yên Viên, trong đó có cầu đường sắt vượt sông Hồng) sẽ được phân kỳ triển khai vào các giai đoạn sau của dự án (giai đoạn IIB). Sơ bộ rà soát cho thấy, nhu cầu vốn để thực hiện đoạn tuyến còn lại ước tính khoảng 32.064 tỷ đồng.

 Đối với Dự án giai đoạn IIA, Bộ GTVT đang chuẩn bị các thủ tục để điều chỉnh dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Với tổng mức đầu tư các dự án toàn tuyến metro số 1 đã lên tới khoảng 81.537 tỷ đồng, việc tìm đủ nguồn lực đầu tư để đảm bảo mục tiêu của toàn dự án thực sự là bài toán khó”, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận.

Theo Bộ GTVT, hiện nay, Ban Quản lý dự án đường sắt đã có Tờ trình số 111/TTr-BQLDAĐS ngày 21/1/2019 đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án giai đoạn I, theo đó, dự kiến thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu nêu trên từ quý I và quý II/2019, theo tiến độ dự án đã chậm gần 2 năm và dự kiến hoàn thành năm 2026.
 
Nguồn: baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây