Bung phao giải cứu tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Thứ năm - 21/03/2019 13:00. Xem: 89
Những giải pháp mang tính căn cơ vừa được Chính phủ thông qua sẽ giúp Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhìn thấy cơ hội thông tuyến vào năm 2020, sau hơn 10 năm vật vã triển khai.

 Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn ngổn ngang.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn ngổn ngang.


Không để nhà đầu tư độc hành

Lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã không giấu được niềm vui sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 99/TB - VPCP, thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào đầu tuần này.

“Chúng tôi cảm nhận được sự đồng hành sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sẽ sớm làm việc với các cơ quan chức năng để cụ thể hóa những giải pháp được Chính phủ thông qua trên hiện trường, mang lại sức sống mới cho Dự án”, lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 20/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước, nhằm không để thời gian thu phí quá dài và phải đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Được biết, sau 10 năm triển khai, đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, với hai lần thay đổi nhà đầu tư, nhưng Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn là nỗi thất vọng lớn. Trong lần tái khởi động vào tháng 2/2015, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành sau 3 năm thi công (năm 2018) để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, ròng rã suốt 4 năm qua, những khó khăn liên quan đến nguồn vốn vay thương mại, đặc biệt là năng lực điều hành yếu kém của các nhà đầu tư khiến thời hạn hoàn thành công trình dù đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gia hạn đến 31/12/2020 cũng trở nên xa vời, khi vẫn chỉ loanh quanh ở vạch xuất phát với vỏn vẹn 16% khối lượng hoàn thành. Những khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của nhà đầu tư yếu kém là những trở lực níu kéo tiến độ công trình.

Để tháo gỡ khó khăn cho Dự án, Thường trực Chính phủ đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang.

“Các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sâu sát, chủ động, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang triển khai Dự án nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện giao ban 2 tháng một lần để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Để hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang, Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình; đồng thời cử cán bộ có năng lực, am hiểu pháp luật về đầu tư PPP để hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang trong quá trình triển khai dự án khi được UBND tỉnh đề nghị.

Được biết, việc chuyển Dự án về cho tỉnh làm cơ quan quản lý có thẩm quyền chính là việc đưa tất cả trách nhiệm về một đầu mối có đầy đủ công cụ, quyền lợi, nghĩa vụ và sát sườn với dự án nhất, để tỉnh chủ động quản lý nguồn và giá cả vật liệu vốn đang rất phức tạp, đồng thời trực tiếp giải quyết tình trạng mặt bằng còn xôi đỗ như hiện nay. Phương án này cũng đã và đang được áp dụng thuận lợi ở những tuyến cao tốc trọng điểm khác như: Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo các chuyên gia, Dự án đã bị đình trệ 10 năm, nếu để Bộ GTVT tiếp tục làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trong khi Bộ lại giao một cơ quan rất ít quyền lực thực tiễn như Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long làm đại diện), thì không có gì đảm bảo Dự án sẽ không bế tắc tiếp.

Thay nhà đầu tư yếu

Liên quan đến cơ chế hỗ trợ cho Dự án, tại Thông báo số 99, Thường trực Chính phủ giao UBND tỉnh Tiền Giang quyết định điều chỉnh dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo doanh nghiệp dự án rà soát lại phương án tài chính của Dự án trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (do không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công) sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành… đảm bảo phương án hoàn vốn của Dự án không quá 15 năm. Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, đảm bảo phương án tài chính của Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2019.

Trước đó, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc Nhà nước hỗ trợ Dự án bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án và ký Hợp đồng BOT, trong đó quy định, ngoài việc thu phí trên chính tuyến, nhà đầu tư được tiếp nhận quyền quản lý, khai thác và thu giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong thời hạn 8 năm 2 tháng.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3, Điều 82, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giátài sản”. Như vậy, phương án hỗ trợ nguồn doanh thu thu phí tại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là không thể thực hiện được.

Theo tính toán của Bộ GTVT, trong trường hợp ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 3.900 tỷ đồng để đảm bảo tính khả thi tài chính, Dự án vẫn cần tới 21 năm mới có thể hoàn vốn, kéo dài gần gấp 3 lần thời gian hoàn vốn trong hợp đồng BOT.

Về vấn đề tài chính, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tổ chức thẩm định lại phương án tài chính theo đúng quy định của pháp luật; sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm bảo đảm tiến độ Dự án.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án sẽ phải xây dựng tiến độ tổng thể và giải pháp thực hiện, thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cam kết đẩy nhanh tiến độ Dự án, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn.

Liên quan đến việc chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng Dự án cho nhà đầu tư khác, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về quản lý dự án theo hình thức PPP. Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp dự án, UBND tỉnh Tiền Giang xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với hợp đồng Dự án; bảo đảm nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra khiếu kiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án và thông tuyến vào năm 2020.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2019, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT cho phép bổ sung nhân sự điều hành doanh nghiệp dự án, bao gồm các chức danh chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, cố vấn từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nhằm tăng cường năng lực quản trị, điều hành công trình xây dựng tuyến cao tốc huyết mạch từ Trung Lương đến Mỹ Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn.

Để Dự án hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT thống nhất việc thay thế và kế thừa toàn bộ số cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, một trong 6 thành viên liên danh nhà đầu tư tại doanh nghiệp dự án (30% vốn điều lệ) bằng Công ty cổ phần Đèo Cả.

“Nếu Yên Khánh không được thay thế bằng một nhà đầu tư có năng lực, ngân hàng sẽ không giải ngân và như vậy Dự án chắc chắn sẽ đứng bên bờ đổ vỡ”, ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết.

Kiểm toán Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét sớm thực hiện kiểm toán Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngay trong tháng 3/2019 như đề xuất của doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được Văn bản số 30/BOT-TLMT ngày 22/2/2019 của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận về việc sớm tiến hành kiểm toán Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT.

Các nội dung được đề xuất kiểm toán tại Dự án gồm: tính tuân thủ hồ sơ pháp lý; tổng mức đầu tư điều chỉnh, phương án tài chính; xác định năng lực, thực trạng của nhà đầu tư, nhà thầu tham gia dự án hiện nay, qua đó có khuyến nghị khắc phục những bất cập và tồn tại. Phạm vi kiểm toán là từ khi triển khai Dự án đến ngày 28/2/2019.

Nguồn: baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây