Nhà đầu tư “hứng” nhiều rủi ro ở dự án PPP

Thứ năm - 18/04/2019 13:00. Xem: 85
Nhiều nhà đầu tư than rằng, họ đang gánh chịu nhiều rủi ro trong quá trình triển khai dự án đối tác công - tư (PPP) tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân được cho là khung khổ pháp luật chưa hoàn thiện.  

 Hầm lánh nạn Hải Vân được CTCP Đèo Cả mở rộng thành hầm đường chính theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Hầm lánh nạn Hải Vân được CTCP Đèo Cả mở rộng thành hầm đường chính theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

 

Khi Nhà nước “đẩy” rủi ro cho doanh nghiệp

Dẫn câu chuyện về một dự án mà Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã triển khai, hợp đồng PPP đã ký và theo đó, sẽ có 7 trạm thu phí được xây dựng, song cuối cùng, Bộ Giao thông - Vận tải “tự ý” cắt đi một trạm mà không thương lượng trước với nhà đầu tư, ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Đèo Cả thẳng thắn thừa nhận, đã có một sự bất bình đẳng giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trong việc thực hiện các hợp đồng PPP đã ký.

“Cơ quan quản lý nhà nước thực tế cũng là một bên của hợp đồng, nhưng họ thường lạm dụng quyền lực của mình để áp chế nhà đầu tư”, ông Thủy nói.

Ngoài chuyện từ 7 trạm thu phí bị cắt xuống còn 6 trạm, ông Thủy cho biết, cũng vì có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước, mà cho đến nay, Đèo Cả vẫn chưa thể thực hiện được việc thu phí tại hầm Hải Vân, trong khi việc này đã được cho phép từ trước đó, khi Đèo Cả được chấp thuận thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1 và thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2.

Theo ông Thủy, giai đoạn I đã hoàn thành từ lâu, với giá trị trên 1.200 tỷ đồng và nhà đầu tư cũng đã ứng hơn 315 tỷ đồng cho công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 từ năm 2016 đến nay. Song việc thu phí thì vẫn chưa thể thực hiện được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình tham vấn lấy ý kiến của các nhà đầu tư để chuẩn bị xây dựng Luật PPP. Ngoài các vấn đề liên quan đến quyết toán dự án, công trình và hậu kiểm dự án PPP, Bộ còn đang lấy ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực đầu tư; quy mô dự án áp dụng hình thức PPP; các loại hợp đồng và nguyên tắc áp dụng; bảo lãnh chính phủ; hoạt động của doanh nghiệp dự án hay sự tham gia của bên cho vay; việc ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thế chấp quyền sử dụng đất của các nhà đầu tư.

“Cần có cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư, khi các bên không tuân thủ hợp đồng. Việc can thiệp bằng các quy định và mệnh lệnh hành chính đã phá vỡ các nguyên tắc của PPP. Trong trường hợp đó, nếu doanh nghiệp gánh chịu thiệt hại thì phải xử lý thế nào?”, ông Thủy bày tỏ quan điểm.

Còn ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) thì băn khoăn, dù hợp đồng quy định rất chặt chẽ, song nếu rủi ro do phía cơ quan nhà nước gây ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

“Về nguyên tắc, cơ quan nhà nước phải đền bù thiệt hại, nhưng ai cũng biết, việc này rất khó. Ai đền, cơ quan ký hợp đồng hay đơn vị nào đền? Thủ tục ra sao?”, ông Tỉnh đặt câu hỏi.

Có cùng nỗi lòng, ông Nguyễn Viết Tân, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco cho biết, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiện can thiệp quá sâu vào các hợp đồng, gây rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư. Do vậy, theo ông Tân, khi xây dựng Luật PPP, phải quy định rất rõ ràng về các nội dung trong hợp đồng, làm sao để hạn chế sự can thiệp này, cũng như có chế tài xử lý trong trường hợp các bên, đặc biệt là phía Nhà nước, không tuân thủ hợp đồng, “đẩy” rủi ro về phía nhà đầu tư.

“Cần sớm ban hành Luật PPP và có quy định rõ ràng, để nhà đầu tư dù có rủi ro, thì cũng có thể định lượng được rủi ro của mình”, ông Tân nói.

Lo lắng chuyện quyết toán

Quyết toán công trình, dự án PPP như thế nào cũng là điều khiến các nhà đầu tư băn khoăn. Theo quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và Thông tư 88/2018/TT-BTC, thì việc quyết toán vốn đầu tư, công trình dự án PPP thực hiện như quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, tức là như dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dương, Phó giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân cho rằng, các dự án PPP không phải là dự án đầu tư công. “Chúng tôi chỉ quyết toán trên cơ sở tôn trọng các hợp đồng đã ký”, ông Dương nói.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu(Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng “không hợp lý”. Quy định như vậy, theo ông Trương, không đảm bảo khoa học vì bản chất việc nhà đầu tư xây dựng công trình vòng đời 20 - 30 năm sẽ khác so với dự án sử dụng vốn nhà nước. Hơn nữa, quy định như vậy cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về kiểm soát đầu ra thay vì đầu vào của dự án.

Ông Trương cho biết, ở Hàn Quốc, người ta xem giá công trình là trọn gói và không quyết toán chi phí xây dựng, mà chỉ kiểm soát chất lượng thông qua nghiệm thu, bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án.

Đây chính là lý do vì sao, trong định hướng xây dựng Luật PPP tới đây, việc quyết toán công trình, dự án PPP được định hướng theo nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận hợp đồng, chỉ nghiệm thu về chất lượng công trình, dịch vụ, trường hợp không đảm bảo chất lượng thì thực hiện điều khoản về phạt hợp đồng, đền bù thiệt hại. 

Không chỉ là chuyện quyết toán, chuyện hậu kiểm các dự án PPP, theo các nhà đầu tư, hiện thực hiện như với dự án đầu tư công thuần túy cũng là không hợp lý. Vì thế, có quá nhiều cơ quan thanh, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ tại một dự án, kiểm tra cùng nội dung, khiến chồng chéo, kém hiệu quả.

“Sau đầu tư vẫn phải xin - cho, đến sửa cái ổ gà cũng phải xin ý kiến là không hợp lý. Quản lý sau đầu tư là quan trọng, nhưng không thể theo cách đó. Như hiện nay, các dự án BOT giao thông không còn là BOT nữa, lãi không được hưởng, lỗ không phải chịu, mà vẫn là kiểu xin - cho”, ông Tỉnh thẳng thắn.

Hành lang pháp lý về PPP chưa đầy đủ, rõ ràng
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quá trình thực hiện các dự án PPP hiện nay có nhiều tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do chưa có định hướng, chiến lược dài hạn, rõ ràng và thống nhất về thực hiện đầu tư theo hình thức PPP; chưa nhận thức đúng về PPP, hành lang pháp lý về PPP chưa đầy đủ, rõ ràng và ổn định; thiếu nguồn lực và công cụ tài chính để thực hiện dự án… 
Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án PPP chưa đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh. Các cơ chế phối hợp, hỗ trợ liên ngành cũng chưa hiệu quả, các đối tác trong nước liên quan chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính…
 
Nguồn: baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây