Khuyến khích xã hội hóa khai thác hạ tầng giao thông đường bộ

Thứ tư - 24/04/2019 13:00. Xem: 67
Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB.    

 

Keyword đầu tiên có dấu
Bộ GTVT tiếp tục mục tiêu đến năm 2020 đạt hơn 2.200km cao tốc (Cầu Long Thành trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) - Ảnh: VEC

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2019/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (GTĐB).

Khuyến khích xã hội hóa khai thác

Theo đó, mọi tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định, tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB do Nhà nước đầu tư, quản lý (không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản, gồm: Cơ quan được giao quản lý tài sản ở trung ương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về GTĐB; ở địa phương là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn.

Nghị định nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB phải được bảo trì theo quy định. Việc bảo trì tài sản bảo đảm tuân theo trình tự, quy trình, kế hoạch và tiêu chuẩn, định mức nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng, khai thác tài sản.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức bảo trì đối với từng hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

3 phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Nghị định cũng quy định rõ phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB.

Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức khác với quy định, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan lập Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/6/2019. Bãi bỏ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây