Khép lại dự án thí điểm PPP Dầu Giây - Phan Thiết

Thứ hai - 17/06/2019 13:00. Xem: 98
Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco sẽ nhận được khoản bồi hoàn đầu tiên từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tháng 6/2019, sau khi Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chính thức dừng triển khai vào tháng 3/2018.

 .

Nút giao Dầu Giây, điểm khởi đầu của tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

 

Rõ phương án hoàn trả

Quá trình đóng gói toàn bộ Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP (Dự án PPP cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết) đang đi đến những công đoạn cuối cùng nếu chiểu theo Công văn số 5069/VPCP- KTTH vừa được Văn phòng Chính phủ phát hành vào đầu tuần trước.

Tại công văn số trên, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) căn cứ thẩm quyền và các quy định chịu trách nhiệm rà soát, phê duyệt, kiểm toán, thanh toán chi phí chuẩn bị Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ về Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020

Trong khi đó, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan làm rõ cơ sở pháp lý, gồm: trình tự, thủ tục thực hiện, cơ sở tính toán và phê duyệt chi phí cơ hội, cơ quan có thẩm quyền quyết định và báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2019.

Một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, với chỉ đạo nói trên của Thủ tướng, khả năng rất cao là Bitexco sẽ nhận được khoản bồi hoàn đầu tiên liên quan đến chi phí chuẩn bị đầu tư Dự án PPP cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết ngay trong tháng 6/2019.

“Hiện tiền thanh toán dự kiến lấy từ chi phí chuẩn bị đầu tư dự án thành phần đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã nằm đợi tại Kho bạc Nhà nước gần 1 năm nay”, lãnh đạo Vụ PPP nói.

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng chi phí chuẩn bị đầu tư Dự án giai đoạn 2007-2018 (gồm thuế VAT) do Bitexco thực hiện là 84,1 tỷ đồng. “Các chi phí chuẩn bị đầu tư này đã được Công ty Kiểm toán Deloitte kiểm toán chi phí đến 31/12/2013, Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) rà soát vào năm 2015; Bộ GTVT tiếp tục giao Ban Quản lý dự án Thăng Long xem xét, rà soát chi tiết từ năm 2007 đến tháng 2/2018”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Tại Nghị quyết số 20/NQ-CP, Chính phủ quyết định dừng triển khai Quyết định số 1597/QĐ-TTg ngày 26/10/2012 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện Dự án PPP cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện Dự án.

“Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng triển khai dự án thí điểm và chấm dứt nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án là yếu tố khách quan, do thay đổi về chủ trương đầu tư của Nhà nước”, ông Đông cho biết.

Tiền lệ tốt

Cũng tại Nghị quyết số 20, Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án, chi phí cơ hội cho Bitexco và đàm phán với Bitexco theo 2 phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cụ thể, đối với phương án 1, Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án, Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án được phê duyệt.

Với phương án 2, Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tháng 6/2018, Bitexco đã có ý kiến không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án, đồng thời kích hoạt phương án 1.

Nếu việc tính toán khoản chi phí chuẩn bị đầu tư của Bitexco tương đối thuận lợi (hiện các bên đã thống nhất được số tiền trị giá 84,1 tỷ đồng), thì các cơ quan chức năng lại khá lúng túng trong việc xác định cơ sở xem xét, áp dụng và phương pháp tính toán chi phí cơ hội mà Bitexco được hưởng.

Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, do trong hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc bồi thường chi phí cơ hội cho nhà đầu tư, nên nếu nhà đầu tư xác định chi phí cơ hội là một thiệt hại của mình thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự và văn bản pháp luật liên quan.

Trong khi đó, theo Bộ GTVT, dù chưa có tiền lệ về thanh toán cho nhà đầu tư chi phí cơ hội trong trường hợp thay đổi chủ trương đầu tư của Nhà nước, nhưng theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, việc xác định chi phí cơ hội cho Bitexco đối với Dự án Dầu Giây - Phan Thiết là có cơ sở.

Hiện áp lực với Bộ GTVT là không nhỏ, bởi Nghị quyết số 20/NQ-CP về Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 yêu cầu, nếu Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án, Nhà nước sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Trong khi đó, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ GTVT phê duyệt từ tháng 10/2018. Thậm chí, Hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này đã được phát hành từ hơn 1 tháng nay.

Nguồn: baodautu.vn

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây