Hà Nội đổi phương thức đầu tư tuyến metro số 3

Thứ ba - 09/07/2019 13:00. Xem: 83
Hà Nội đã mở “lối thoát” cho việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (Metro số 3) bằng phương án sử dụng vốn ODA.

 .

Hà Nội đã mở “lối thoát” cho việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (Metro số 3) bằng phương án sử dụng vốn ODA..


Hôm nay (8/7), Kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Hà Nội khóa XV chính thức diễn ra để xem xét tình hình nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm và giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2019. Tại kỳ họp này, UBND TP. Hà Nội sẽ trình HĐND về việc đưa Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (vốn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).Đổi phương thức đầu tư

Theo Tờ trình số 90/TTr-UBND ngày 19/6/2019, Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,75 tỷ USD (tương đương hơn 40.576 tỷ đồng), trong đó, vay ODA dự kiến hơn 1,48 tỷ USD (khoảng 32.296 tỷ đồng), vốn đối ứng của ngân sách Thành phố là 271 triệu USD (khoảng 6.280 tỷ đồng). Chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 86,1 triệu USD (1.993 tỷ đồng).

Trong Tờ trình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu, đây là dự án quan trọng quốc gia và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội, Chính phủ là cơ quan thẩm định và trình để Quốc hội phê duyệt dự án này. Song, do UBND TP. Hà Nội là chủ đầu tư, nên HĐND vẫn phải quyết định danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương, theo Luật Quản lý nợ công.

Báo cáo của UBND trình HĐND TP. Hà Nội cũng lý giải, đây vẫn là khoản vay ưu đãi với thời gian ân hạn dài, lãi suất 1 - 4%/năm, thấp hơn nhiều so với huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương (khoảng 7 - 8%/năm). Vì vậy, dự kiến, dự án này sẽ vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số nhà tài trợ khác, cùng với vốn đối ứng của chính quyền Thành phố.

Cách đây một năm, ông Nguyễn Đức Chung từng xin cơ chế đặc thù để tạo nguồn vốn thực hiện các dự án đường sắt đô thị bằng đề xuất kết hợp mô hình đầu tư hợp tác công - tư (PPP) với một phần vốn ngân sách, mà không vay vốn ODA để tránh tăng nợ công của Chính phủ và phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài.

Hà Nội cũng từng đề xuất phương án huy động vốn từ 5 nguồn của Thành phố như tiết kiệm chi thường xuyên, trích từ vượt thu ngân sách, tiền cổ phần hóa các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, xin cơ chế đấu giá quỹ đất đặc thù hay phát hành trái phiếu…

Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, tại thời điểm này, khi Chính phủ chưa có một nghị định chính thức về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT, thì phương án mà Hà Nội đưa ra tại Tờ trình số 90/TTr-UBND được xem là hợp lý.

Tự tin về khả năng cân đối vốn

Giải trình về khả năng cân đối vốn cho dự án này, lãnh đạo Hà Nội cho biết, ADB đã cam kết tài trợ 450 triệu USD trong chương trình tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2020 - 2022 và khẳng định sẽ đưa dự án vào danh mục vay vốn của ADB, nếu Hà Nội lựa chọn đầu tư dự án bằng vốn ODA.

Về nguồn vốn đối ứng 6.280 tỷ đồng, Hà Nội dự kiến thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 353.000 - 358.000 tỷ đồng/năm, đảm bảo bố trí đối ứng thực hiên Dự án từ năm 2021 đến 2025.

Hà Nội dự kiến bắt đầu lộ trình trả nợ vay triển khai dự án từ năm 2026 (sau khi hoàn thành xây dựng và hết thời gian ân hạn từ 5 - 10 năm), việc trả nợ thực hiện theo chu kỳ bán niên (6 tháng một lần) trong vòng từ 20 - 30 năm, tùy điều kiện vay của từng nhà tài trợ.

Các nhà tài trợ như Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Chính phủ Pháp, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ sự quan tâm tiếp tục tài trợ phần vốn ODA còn lại của Dự án.

Báo cáo của Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, trong tháng 6, Thành phố và các nhà tài trợ, trong đó có WB, sẽ ký biên bản ghi nhớ về việc đồng tài trợ với ADB tại Dự án. Nhưng theo tin mà phóng viên có được, việc ký kết này chưa diễn ra.

TP. Hà Nội đang triển khai thực hiện Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội với nguồn vốn ODA vay của Chính phủ Pháp, AFD, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và ADB.

Việc tiếp tục đầu tư xây dựng Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai để hoàn chỉnh toàn bộ Tuyến số 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông từ phía Nam sang phía Tây Hà Nội, đồng thời kết nối với Tuyến số 2 tại ga Hàng Bài, tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị của Thành phố trong giai đoạn đầu, cơ bản giải quyết vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm.

Nguồn: https://baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây