Tuyến đường sắt đi qua 8 tỉnh với nhiều trọng điểm kinh tế, công nghiệp
Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có vị trí rất quan trọng, chạy theo hành lang Đông - Tây, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam. Tuyến đi qua 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng.
"Tuyến đường sắt hiện hữu được xây dựng từ thời Pháp, chỉ được nâng cấp, cải tạo nên hạ tầng vẫn là đường đơn, khổ 1.000mm, đường cong nhiều, năng lực thông qua rất hạn chế. Tuyến đường không thể kết nối hạ tầng đường sắt với các nước khác (thông qua Trung Quốc) do các nước hiện đã khai thác khổ đường sắt 1.435mm. Vì vậy, về lâu dài cần đầu tư tuyến mới khổ 1.435mm, kết nối vào cảng Lạch Huyện", Bộ GTVT thông tin.
Ông Lê Quang Dân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu dài 386 km, trong đó tuyến Yên Viên - Lào Cai dài 283km, tuyến Yên Viên - Hải Phòng cảng dài 104 km. Tuyến đường sắt này đi qua nhiều tỉnh, thành, kết nối bằng đường bộ, đường sắt với các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu du lịch trọng điểm.
Theo ông Dân, về vận tải hành khách, tuyến kết nối vận chuyển khách du lịch đến Sapa, đền Bảo Hà, chợ Bắc Hà (Lào Cai); ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ (Yên Bái); khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ). Với TP Hà Nội cũng có nhiều điểm đến hấp dẫn như: hồ Hoàn Kiếm, lăng Bác Hồ, làng gốm Bát Tràng… Tại Hưng Yên, Hải Dương là các khu du lịch tâm linh như: Phố Hiến, Phố Nối, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc… Tại Hải Phòng là bãi biển Đồ Sơn, khu du lịch đảo Cát Bà… Từ Hải Phòng du khách có thể sang du lịch tại Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút đi xe ô tô.
Với vận tải hàng hóa, tại Lào Cai, tuyến kết nối với khu công nghiệp mỏ apatit (huyện Bảo Hà, Bát Xát), khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng) và cảng cạn ICD khu công nghiệp Đông Phố Mới. Từ Lào Cai xuôi về, tuyến kết nối với nhiều nhà máy công nghiệp như mỏ đá Lâm Giang, cao lanh (Yên Bái), nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ), nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông, các nhà máy tại Hương Canh (Vĩnh Phúc).
Hiện ở Hà Nội còn có khu ICD ga Yên Viên, hàng hóa từ các tuyến tập kết về đây, trong đó có hàng hóa các khu công nghiệp Tiên Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh), từ đó đi tiếp các tuyến nội địa hoặc đi tàu liên vận qua Trung Quốc, sang nước thứ ba.
Tại Hải Phòng, đường sắt kết nối vào các cảng biển khu vực cảng Hải Phòng, Vật Cách và khu cung cấp xăng dầu.
Tiềm năng lớn phát triển vận tải hàng hóa đường sắt
Thông tin với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Cục Đường sắt VN cho biết, tuyến đường sắt khổ 1.435mm đang nghiên cứu sẽ đi qua và kết nối với các khu công nghiệp, kinh tế này. Đồng thời, trong quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương xác định vị trí, dành quỹ đất cho các nhà ga, đường sắt nhánh để kết nối vào các khu công nghiệp, khu kinh tế mới theo quy hoạch của địa phương.
Theo ông Lê Quang Dân, tiềm năng vận chuyển hàng hóa đường sắt tại các khu vực này rất lớn. Điển hình, khối lượng apatit vận chuyển từ đường sắt công nghệ mỏ ra ga Xuân Giao A (Lào Cai), từ đây vận chuyển bằng đường sắt quốc gia đi các nhà máy phân bón và xuất khẩu hàng năm từ 1,2 đến 1,7 triệu tấn năm.
Cũng tại Lào Cai, khu công nghiệp Tằng Loỏng với khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động với các ngành nghề hóa chất, luyện kim, khai thác mỏ. Hiện nguyên vật liệu chủ yếu nhập vào khu công nghiệp vận chuyển bằng đường sắt là than cốc nhập khẩu qua đường Lào Cai khoảng 100.000 tấn/năm, than từ Cổ Loa đi khoảng 20.000 tấn/năm; lưu huỳnh khoảng 40.000 tấn/năm.
Khu vực Phú Thọ, hàng đến và đi trên tuyến này phục vụ cho Công ty Supe & phốt phát hóa chất Lâm Thao có khối lượng khá lớn. Nguyên liệu đầu vào của nhà máy chủ yếu đi bằng đường sắt như: các loại quặng apatit với khối lượng bình quân 540.000 tấn/năm; hóa chất nhập khẩu từ đường Lào Cai về khối lượng 50.000 tấn/năm, lưu huỳnh từ cảng Hải Phòng về khối lượng 40.000 tấn/năm. Hiện đường sắt chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển sản phẩm đầu ra, là các mặt hàng phân bón khoảng 1,6 triệu tấn/năm; trong đó khối lượng đi bằng đường sắt chỉ được 250.000 tấn/năm.
Riêng khu vực Hải Phòng, với mạng lưới đường sắt hiện hữu kết nối vào cảng Hoàng Diệu, cảng Chùa Vẽ, cảng Greenport, cảng Vật Cách sẽ đón bắt được lượng lớn hàng hóa xuất, nhập qua cảng, bao gồm cả hàng rời và hàng container… Hiện khối lượng hàng hóa qua cảng đã đạt khoảng 100 triệu tấn/năm.
Trong đó, riêng vận chuyển bằng đường sắt, hiện hàng liên vận quốc tế từ cảng Hải Phòng xuất sang Trung Quốc rất lớn, khoảng 418.000 tấn/năm, như: lưu huỳnh quặng 180.000 tấn/năm; quặng khoảng 100.000 tấn/năm. Bên cạnh đó còn có các mặt hàng nông sản khu vực miền Trung, Hải Phòng xuất khẩu sang Trung Quốc… Chiều ngược lại, hàng đến là apatit nguyên liệu cho nhà máy phân bón DAP Đình Vũ, apatit cho phân bón miền Nam khối lượng 400.000 tấn/năm. Ngoài ra, là các loại phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường cửa khẩu Lào Cai về cảng Hải Phòng, đi đường biển vào Miền Nam khối lượng 175.000 tấn/năm.
“Nếu tuyến đường sắt mới vào đến tận cảng Lạch Huyện và kết nối vào cảng Đình Vũ, chắc chắn tiềm năng vận chuyển đường sắt tại khu vực cảng Hải Phòng còn cao hơn nữa”, ông Dân nói.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện