Hội thảo đề tài cấp bộ năm 2009: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi”

Thứ ba - 22/11/2011 12:00. Xem: 168
Cọc khoan nhồi là loại cọc thay thế, nó được đúc trực tiếp trong lòng đất tại vị trí thi công công trình bằng cách sử dụng thiết bị khoan tạo lỗ trong lòng đất, đặt lồng cốt thép được tạo sẵn trên mặt đất vào lỗ rồi nhồi đổ bê tông vào theo một quy trình, quy chuẩn quy định nghiêm ngặt. 
Hiện nay, ước tính mỗi năm nước ta thi công khoảng 50 – 70 nghìn mét dài CKN với chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Việc tìm ra các biện pháp kinh tế - kỹ thuật để sử dụng móng cọc khoan nhồi có hiệu quả hơn là một vấn đề cần thiết không những chỉ đối với các nhà nghiên cứu, chủ đầu tư mà còn đối với các nhà thiết kế, nhà thầu, tư vấn giám sát. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn có những hạn chế, việc nghiên cứu thiết kế chế tạo mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi sẽ giúp chúng ta chủ động công nghệ, giảm giá thành thiết bị đồng thời giảm giá thành thi công cọc khoan nhồi; góp phần ứng dụng rộng rãi công nghệ cọc khoan nhồi mở rộng đáy vào các công trình cầu, cảng và nhà cao tầng... phát huy hết tiềm năng và nâng cao hiệu quả của công nghệ này.
 
Ngày 18/11/2011, tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã tổ chức hội thảo đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi” – mã số DT093016 do KS. Đinh Trọng Thân làm chủ nhiệm đề tài.
 
 
Tới tham dự buổi hội thảo có các Chuyên gia, giảng viên đến từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trường ĐH Giao thông vận tải, Học viện KTQS;Lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Lãnh đạo và các cán bộ các đơn vị trực thuộc Viện: TT Kiểm định CLCT GTVT, TT Công nghệ Máy xây dựng và Cơ khí thực nghiệm… 
 
Sau lời phát biểu khai mạc của Chủ trì hội thảo, Hội nghị được nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo các nội dung sau:
1. Tổng quan về thiết bị mở rộng đáy cọc khoan nhồi;
2. Nghiên cứu lựa chọn tổng thể mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi chế tạo trong nước;
3. Nghiên cứu lựa chọn các cụm máy của mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi;
4. Tính toán thiết kế mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi;
5. Nghiên cứu hệ thống điều khiển quá trình mở rộng đáy cọc khoan nhồi bằng mũi khoan chuyên dùng;
6. Nghiên cứu năng lực công nghệ chế tạo mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi;
7. Các giải pháp trong thiết kế, chế tạo;
8. Kết luận và kiến nghị.
 
Sau khi nghe báo cáo các nội dung trên, Hội nghị nhận thấy việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi” sẽ góp phần nâng cao sức chịu tải của cọc khoan nhồi, giảm giá thành xây dựng cho các công trình, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của cọc khoan nhồi và công trình xây dựng. Các kết quả nghiên cứu của đề tài làm cơ sở cho việc thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị mở rộng đáy cọc khoan nhồi phù hợp với khả năng chế tạo trong nước để dần áp dụng rộng rãi công nghệ cọc khoan nhồi mở rộng đáy ở Việt Nam. Nhằm giúp cho nhóm nghiên cứu có thể bổ sung, hoàn thiện đề tài để nghiệm thu cấp cơ sở, Hội nghị đã thảo luận và đóng góp ý kiến rất hữu ích và sát thực.
 
Hội nghị kết lúc hồi 16h30’ cùng ngày.

PV. Thu Trang. D. Mạnh Khải. U. Tam Hùng  

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây