Hiệu quả ứng dụng công nghệ mới trong sửa chữa cầu yếu ở Hưng Yên

Thứ tư - 09/10/2013 13:00. Xem: 171
Không phải làm cầu tạm, không cần làm đường tránh, không phải cấm xe qua cầu, vẫn bảo đảm giao thông thông suốt trong quá trình sửa chữa. Thời gian thi công ngắn, giảm khoảng 40% chi phí so với giải pháp truyền thống, phương pháp và thiết bị thi công đơn giản... Đó là những ưu điểm khi áp dụng công nghệ tiên tiến dán sợi cường độ cao để cải tạo, nâng cấp cầu Tràng (quốc lộ 38).

 Cầu Tràng có lý trình Km29+912 trên quốc lộ 38, tuyến quốc lộ quan trọng nối quốc lộ 1 với quốc lộ 5, nằm ở ranh giới giữa tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Cầu được xây dựng từ năm 1982, mặt bản bê tông cốt thép liên hợp, mố, trụ cầu bằng bê tông cốt thép. Cầu Tràng bắt đầu phát sinh hư hỏng nặng từ năm 2011: Bản mặt cầu bị vỡ nứt, tụt bê tông, hở trơ cốt thép... Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tập trung chỉ đạo công tác sửa chữa khẩn cấp. Trong đợt sửa chữa này, toàn bộ các phương tiện ô tô bị cấm trong 29 ngày và phải phân luồng xe đi vào các đường huyện, đường xã khiến một số tuyến đường này phát sinh hư hỏng do chịu tải lớn. Tuy vậy, chỉ sau gần 2 tháng sửa chữa, tình trạng hư hỏng lại xuất hiện, gây nguy hiểm cho các phương tiện đi qua. Trước tình hình đó, Sở GTVT phối hợp với Trường Đại học GTVT nghiên cứu và đưa ra giải pháp sửa chữa mặt cầu bằng công nghệ dán sợi cường độ cao (sợi thủy tinh)… Đây là lần đầu tiên công nghệ dán sợi cường độ cao được dùng trong việc cải tạo, nâng cấp cầu xuống cấp tại tỉnh .

 

Cầu Tràng (Quốc lộ 38) sau khi được nâng cấp

Tổng kinh phí sửa chữa cầu Tràng khi áp dụng công nghệ này là 1,63 tỷ đồng, thấp hơn so với phương pháp truyền thống thay bản mặt cầu (khoảng 3 tỷ đồng). Mặt khác, theo tính toán, nếu xây dựng cầu mới với quy mô tương đương, thời gian khai thác kỳ vọng 20 năm phải tốn đến 29 tỷ đồng, chưa kể đến chi phí cầu tạm và giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, thời gian khai thác sau khi sửa chữa, cải tạo cầu bằng công nghệ dán sợi cường độ cao được kỳ vọng là 10 năm. Đến nay, sau hơn một năm sửa chữa theo công nghệ dán sợi cường độ cao, hiện trạng của cầu Tràng được các chuyên gia đánh giá tốt. Không xuất hiện vết nứt trên bề mặt cầu; lớp sợi thủy tinh vẫn bám dính tốt với lớp bê tông bản mặt cầu; không có biểu hiện của sự hư hỏng.

Từ kết quả tích cực qua việc sửa chữa cầu Tràng, Sở GTVT tiếp tục báo cáo Tổng cục Đường bộ và được đồng ý cho phép sửa chữa cầu Lực Điền trên quốc lộ 39 bằng công nghệ dán sợi cường độ cao. Hiện nay, lưu lượng giao thông trên quốc lộ 39 rất lớn, gấp 5 lần lưu lượng thiết kế, trên tuyến có nhiều xe tải nặng. Tuy nhiên trong quá trình sửa chữa cầu Lực Điền, việc bảo đảm giao thông vẫn thông suốt nên không ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông trên đường. Đến nay, công tác sửa chữa cầu Lực Điền cũng cơ bản hoàn thành…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay: “Việc ứng dụng công nghệ dán sợi cường độ cao tại cầu Tràng và cầu Lực Điền cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống thường dùng như: Quá trình thi công sửa chữa cầu có thể triển khai trong điều kiện giao thông bình thường, vừa thi công, vừa bảo đảm giao thông liên tục; phương pháp và thiết bị thi công đơn giản; thời gian thi công ngắn, có thể chuyển giao được ngay cho các đơn vị thi công trong ngành và địa phương”.

Cùng với đó, hiệu quả kinh tế do công nghệ này mang lại là khá cao. So với phương án đầu tư xây mới, kinh phí sử dụng công nghệ này để sửa chữa, cải tạo cầu chỉ bằng khoảng 8-12%. So với các giải pháp truyền thống thì có thể giảm từ 25-40%. Đó là chưa kể các lợi ích mang lại từ việc rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí xã hội do không phải phân luồng, cấm cầu khi thi công, giảm các chi phí do khai thác tài nguyên, do tác động xấu đến môi trường, đời sống người dân, giảm chi phí giải phóng mặt bằng…

Trao đổi với chúng tôi tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sửa chữa tăng cường cầu” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tại tỉnh, ông Ngô Đức Thịnh, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết: “Tại Hưng Yên, công nghệ dán sợi cường độ cao được áp dụng vào sửa chữa cây cầu bị hỏng mặt cầu. Cùng với thành công bước đầu của một số dự án sửa chữa cầu bằng vật liệu gia cường cốt sợi ở các tỉnh khác, đây là giải pháp giải quyết được các bài toán hóc búa khi sửa chữa cầu là không phải cấm cầu khi thi công, trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện nay”.

Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để sửa chữa, cải tạo các cầu yếu trên các tuyến đường giao thông luôn được tỉnh ta quan tâm. Trong đó có công nghệ sửa chữa, gia cố công trình bằng cách sử dụng vật liệu gia cường cốt sợi như: Sợi carbon, sợi thủy tinh... Cả nước hiện có 54 cầu yếu được sửa chữa, cải tạo theo công nghệ dán sợi cường độ cao. Tuy còn khá mới mẻ, nhưng công nghệ này với những ưu điểm nói trên đã được Sở Giao thông Vận tải quan tâm ứng dụng nhằm tháo gỡ thế “bí” trong bối cảnh sức ép về lưu lượng và tải trọng xe gia tăng và nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản rất khó khăn.

Toàn tỉnh còn hàng chục cây cầu cần được nâng cấp sửa chữa hoặc xây mới do xuống cấp, quá tải, gây nguy hiểm cho các phương tiện. Tuy vậy, để ứng dụng rộng rãi công nghệ này, Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, cần có thêm các đánh giá về phạm vi áp dụng, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, thi công, có giải pháp giảm giá thành…

Dù vậy, việc sửa chữa, gia cường cầu chỉ là giải pháp “cực chẳng đã”, về lâu dài vẫn cần phải có những giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải đang ngày đêm gây “chấn thương” cầu, đường, đồng thời khẩn trương xây dựng mới thay thế các cây cầu yếu.

Nguồn: khcn.mt.gov.vn

Tác giả: admin

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây