Độc đáo cầu dây văng ba mặt phẳng

Thứ năm - 10/10/2013 13:00. Xem: 359
Được xây dựng ngay trên vị trí cây cầu đường sắt De Lattre de Tassigny, cầu Trần Thị Lý hết sức đặc biệt và vô cùng độc đáo khi lần đầu tiên áp dụng hệ dây văng 3 chiều kết hợp trụ tháp nghiêng 12 độ, cao tới 145m so với mực nước biển. 
  Hội tụ nhiều độc đáo

 Cách cầu Rồng chưa đầy 1km, cầu Trần Thị Lý được thiết kế với ý tưởng độc đáo như một con thuyền buồm căng mình vươn ra biển lớn, biểu tượng cho một thành phố trẻ đầy nội lực với khát vọng hội nhập. Cầu Trần Thị Lý được xây dựng thay thế cây cầu đường sắt De Lattre de Tassigny do Pháp xây dựng từ năm 1950, đã xuống cấp nghiêm trọng và không thể ngày ngày gồng mình đón nhận hàng ngàn lượt phương tiện qua lại. Cầu gồm 12 nhịp với tổng chiều dài 695m. Bề rộng mặt cầu 33,5m gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Đây là mặt cầu đơn lớn nhất Việt Nam hiện nay. 

 Với thiết kế vô cùng độc đáo, cầu Trần Thị Lý có trụ tháp cao 145m so với mực nước biển, được thiết kế lối đi riêng lên đỉnh tháp để người dân và du khách tham quan. Đặc biệt hơn, trụ tháp được xây dựng nghiêng 12 độ và không liên kết với bệ. Toàn bộ dầm và tháp kê trên gối có tải trọng lên tới 3.200 tấn. Sơ đồ bố trí dây văng cũng hết sức cầu kỳ, được thiết kế bất đối xứng với 3 mặt phẳng dây. Đây là kết cấu rất mới lạ và hiện đại, giúp cây cầu có hình dáng đặc biệt, nhất là các dây văng trên nhịp biên, tạo những góc nhìn ấn tượng từ nhiều hướng khác nhau. Dây văng có màu trắng dưới ánh sáng ban ngày. Còn ban đêm sẽ được chiếu sáng đa màu và trở lên lung linh, huyền ảo trên dòng Hàn Giang.

Chia sẻ về ý tưởng độc đáo khi xây dựng cầu Trần Thị Lý, kỹ sư Ngô Bá Toản, người chỉ đạo điều hành thi công toàn bộ công trình cho biết, đây không đơn thuần chỉ là cây cầu với những khối bê tông cốt thép (BTCT) lạnh lẽo mà là một công trình nghệ thuật độc đáo được làm bằng 33 dây nhịp chính và 30 dây nhịp dẫn neo từ trụ tháp xuống dầm chính và mố. Chiều dài dây từ 100 - 280m. Dầm hộp của cầu có thành bê tông thuộc loại mỏng nhất Việt Nam hiện nay (sườn đứng 20cm), cốt liệu dùng trong cấp phối bê tông cực kỳ chính xác. Cùng với đó, trụ tháp thi công bằng hệ ván khuôn leo, tháp dây văng phải nghiêng 12 độ với tiết diện thay đổi từ chân tháp đến đỉnh tháp. “Những người thợ Cienco 1 đã căng hết sức, vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài về cáp dây văng mới chủ động được công nghệ này”, anh Toản nói. 

Kỹ sư Toản cho biết thêm, từ mố S1 đến trụ S5 và từ trụ S7 tới trụ S11 có 8 nhịp kết cấu dầm hộp BTCT dự ứng lực (DƯL), chiều dài là 50m. Nhịp chính từ trụ S5- S6 (nhịp dây văng dài 230m) là tổ hợp của dầm hộp bê tông và được treo từ hệ thống dây cáp văng một mặt phẳng dây tại giữa cầu. Nhịp giữa trụ S6 và trụ S7 kết cấu nhịp dầm hộp BTCT dài 45m. Các nhịp từ S11- S13 gồm 2 nhịp kết cấu nhịp là dầm bản rỗng DƯL. Trụ tháp S5 gồm cột bê tông hình oval có chức năng đỡ trụ tháp. Trụ nằm trên hệ móng cọc khoan nhồi đường kính D=1,5m. Trụ tháp bằng BTCT có hình chữ V, cao 145m và nhỏ dần về phía đỉnh. Trụ tháp nghiêng 12 độ về phía Tây cầu.
 
Cầu Trần Thị Lý thời gian chuẩn bị đưa vào khai thác
Cầu Trần Thị Lý thời gian chuẩn bị đưa vào khai thác
 

Khát vọng của người Đà Nẵng

 “Sau gần 3 năm thi công, cầu Trần Thị Lý thành công mỹ mãn. Niềm vui ấy không chỉ của những thợ cầu, của ngành GTVT mà của toàn thể nhân dân phố biển Đà Nẵng, tạo điểm nhấn lung linh cho đôi bờ sông Hàn” - TS. Đặng Việt Dũng - Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng không dấu được niềm tự hào khi nhớ lại quãng thời gian xây dựng cầu Trần Thị Lý. 


Ông Dũng cho hay, trụ tháp nghiêng dây văng căng mình giữa gió của cầu Trần Thị Lý như một khát vọng vươn lên giữa khó khăn của người dân Đà Nẵng và sự tinh tế, tài tình đến từng chi tiết của bàn tay, khối óc của những người thợ cầu Cienco 1.  

Còn kỹ sư Ngô Bá Toản kể lại, những ngày thi công cây cầu này, nhà thầu Cienco 1 phải bố trí tới 300 công nhân làm việc 3 ca liên tục. “Gần 3 năm thi công cầu Trần Thị Lý là những ngày vô cùng đáng nhớ và đầy ý nghĩa của những người thợ cầu Cienco 1 chúng tôi. Mảnh đất miền Trung vốn khắc nghiệt, “đội nắng dầm mưa” là chuyện thường ngày. Nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi vẫn kiên trì làm việc với tinh thần khẩn trương và hào hứng bởi chẳng riêng gì chúng tôi mà lãnh đạo và người dân thành phố cũng mong mỏi công trình sớm nên vóc nên hình để được tận mắt chứng kiến sự độc đáo của cây cầu mặt phẳng nghiêng 12 độ lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam” - kỹ sư Toản hồ hởi kể.
 
Tháp trụ nghiêng  của cầu Trần Thị Lý
Tháp trụ nghiêng của cầu Trần Thị Lý


Giờ đây, người dân Đà Nẵng có thể tự hào về một đô thị đã nên vóc nên hình, một thành phố của những nhịp cầu độc đáo, những phố mới thênh thang. Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Bùi Công Minh khi viết về những nhịp cầu ở Ðà Nẵng: Sông có cây cầu sông trở thành lãng mạn - Người có cây cầu người thêm bè bạn - Câu hát có cây cầu câu hát vút xa khơi. Hẳn nhiên với Ðà Nẵng, dấu ấn cầu Trần Thị Lý đã để lại trong lòng người nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. 

 

Cầu thay áo theo 2 mùa mưa nắng

Vào mùa mưa, ban đêm, hệ thống chiếu sáng sẽ đem lại cho cầu Trần Thị Lý những “chiếc áo” vàng, cam, đỏ, hồng. Còn mùa nắng là các màu vàng, tím, xanh dương, xanh lá. Theo chỉ đạo của TP Đà Nẵng, cây cầu được chiếu sáng trang trí đến 12h hàng đêm. Hệ thống đèn Led 290W-220V  “khoác áo” cho cầu cũng được thiết kế có phương án bảo vệ vừa đảm bảo mỹ quan, vừa không làm ảnh hưởng đến hiệu ứng chiếu sáng của đèn.

Cầu Trần Thị Lý được khởi công ngày 22/4/2010 và khánh thành, đưa vào khai thác tháng 3/2013. Ở cây cầu này, nhà thầu đã áp dụng thành công nhiều công nghệ mới như: Ván khuôn di động thi công cả dầm dẫn và dầm chính; thi công tháp nghiêng 12 độ không liên kết với bệ, toàn bộ dầm và tháp kê trên gối có tải trọng 3.200 tấn.Tổng kinh phí xây dựng 1.709 tỷ đồng.

  Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây